• Về đầu trang
Caroline
Caroline

Loài động vật đầu tiên bị tuyệt chủng bởi con người

Thiên nhiên

Vào khoảng cuối những năm 1600, trong những khu rừng rậm của Cộng hòa Mauritius (một quốc đảo nằm hướng tây nam Ấn Độ Dương, cách đảo Madagascar khoảng 900 km về hướng đông), con Dodo duy nhất còn lại đã trút hơi thở cuối cùng.

Sau nhiều thế kỷ sống trong rừng rậm nhiệt đới, loài này đã tuyệt chủng dưới bàn tay của con người chỉ sau 100 năm những cư dân đầu tiên định cư tại đây. Với lối sống dựa vào săn bắt và thả các loài xâm lấn, con người đã phá hủy kết quả tiến hóa hàng triệu năm của loài chim này.

Kể từ đó, Dodo đã đi vào lịch sử như một ví dụ điển hình cho sự tuyệt chủng đầu tiên do con người gây ra. Và để lấp liếm sự thật này, con người đã tin tưởng rằng những đặc tính vốn có như béo, lười và kém thông minh đã khiến loài chim này tuyệt chủng.

Chim Dodo hay còn được gọi là chim Cưu.

Nhưng trên thực tế, nhà sinh vật học Julian Hume đã tạo nên một mô hình kỹ thuật số 3D từ những gì còn lại của bộ xương của một con Dodo. Và bằng chứng là loài chim này nhanh hơn, khỏe hơn và có trí tuệ hơn nhiều so với những lý thuyết trước đây. Chúng siêu thích nghi với môi trường của Mauritius, thay vào đó, sự bóc lột không ngừng của con người là thủ phạm thực sự đằng sau sự tuyệt chủng của loài này.

Nhưng đó không phải là tất cả những gì chúng ta đã nhầm lẫn. Bất chấp niềm tin của giới khoa học, Dodo không phải là loài đầu tiên tuyệt chủng bởi con người.

Julian Hume giải thích: “Vấn đề thực sự bắt đầu khi con người di cư. Điểm khởi đầu vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng hầu hết các ước tính gần đây cho thấy rằng những cuộc di cư trên toàn cầu bắt đầu với người Neanderthal và những họ hàng cổ đại khác, cũng như người Homo sapiens - ra khỏi châu Phi và Đông Nam Á khoảng 125.000 năm trước. Và trong hàng chục nghìn năm sau đó, con người tiếp tục di cư đến châu Âu, Châu Đại Dương, Bắc và Nam Mỹ, các bằng chứng hóa thạch cho thấy sự gia tăng dân số cũng song song với sự tuyệt chủng ở các loài động vật thân lớn (còn được gọi là megafauna) trên khắp các lục địa đó.”

Một số loài megafauna.

Felisa Smith, giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học New Mexico, cho biết: "Khi người Hominids di cư khỏi châu Phi, sự tuyệt chủng của các loài động vật diễn ra nhanh hơn.”

Trong một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Khoa học, mỗi khi tổ tiên của chúng ta đặt chân đến những nơi mới, các hồ sơ hóa thạch cho thấy các loài thân lớn – tổ tiên của voi, gấu, linh dương và các sinh vật khác sẽ bắt đầu tuyệt chủng trong vòng vài trăm đến 1.000 năm. Khoảng thời gian tuyệt chủng nhanh chóng như vậy không xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào khác trong vài triệu năm qua (kể từ khi loài khủng long bị xóa sổ khoảng 65 triệu năm trước). Nhưng điều này vẫn chưa trả lời được câu hỏi loài nào đã tuyệt chủng đầu tiên bởi con người.

Hóa thạch một con lười đất khổng lồ (Megatherium americanum) được trưng bày tại Bảo tàng La Plata (Museo de La Plata) ở La Plata, Argentina.

Và đây là kết quả: dữ liệu về sự tuyệt chủng do con người gây ra trên khắp hành tinh chỉ đáng tin cậy trong khoảng 125.000 năm trở lại đây, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không khiến động vật bị tuyệt chủng trước đó. Trên thực tế, có bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng trước khi con người di cư, họ cũng đã tàn phá hệ sinh thái của khu vực mình sinh sống.

Tuy nhiên, không có cách nào để biết chắc chắn loài “đầu tiên” đó sẽ là gì - mặc dù Smith phỏng đoán rằng: “Có thể đó là một số loài trong họ voi, loài palaeomastodon, hay stegodon với chiếc ngà dài 10 feet (3 mét).”

Sự tiến hóa của loài voi.

Chúng ta có thể không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi ban đầu đó, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cần đặt ra là nhân loại đã học được gì từ những sự tuyệt chủng đó.

Những thiên đường trên mặt đất đã bị biến mất khi loài người đẩy Dodo đến sự tuyệt chủng, chưa kể đến hàng ngàn loài đã bị diệt vong trước đó. Nhưng có lẽ với nhận thức sâu sắc và sự học hỏi từ những sai lầm của tổ tiên, con người có thể khắc phục tình hình hiện tại.

Theo: livescience
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.