• Về đầu trang
Caroline
Caroline

Những loài động vật có khả năng đặc biệt (Phần 1)

Thiên nhiên

1. Loài Sa giông gân Tây Ban Nha

Sa giông gân Tây Ban Nha hay còn được gọi là Sa giông gân Iberia (Pleurodeles waltl) là một loài đặc hữu ở miền Trung và Nam bán đảo Iberia và Maroc.

Loài này được biết đến với khả năng tự vệ độc đáo là tự đâm xương sườn xuyên qua da ra ngoài để tạo nên một thứ vũ khí sắc nhọn. Khi một chiếc xương sườn bị mất đi, một chiếc khác sẽ được mọc lên thay thế. Tương tự xương sườn, các cơ quan khác như chi, thậm chí não của Sa giông gân Tây Ban Nha cũng có khả năng tự tái tạo.

2. Bạch tuộc bắt chước

Bạch tuộc biến hình hay bạch tuộc bắt chước (Thaumoctopus mimicus) được tìm thấy vào năm 1998 ngoài khơi vùng biển Indonesia và rạn san hô Great Barrier.

Khi cảm thấy bị đe dọa, Bạch tuộc bắt chước thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc và thậm chí kết cấu da để “sắm vai” thành sinh vật biển khác như cá mao tiên, cá bẹt, sứa, cá đuối gai độc, tôm bọ ngựa, cỏ chân ngỗng biển… Theo nghiên cứu, chúng có thể sao chép diện mạo và hành vi của ít nhất 15 loài khác nhau.

3. Loài Cá Macropinna

Cá Macropinna hay còn được gọi là Cá Mắt Trống, được tìm thấy ở những tầng nước sâu nhất của đại dương.

Nhờ sở hữu một cái đầu trong suốt, đôi mắt nằm sâu trong hộp sọ của chúng có tầm nhìn rất rộng và hầu như không có điểm mù. Ngoài ra, sắc tố xanh trong mắt còn giúp Cá Macropinna lọc ánh sáng đến trực tiếp từ mặt biển, xác định điểm phát sáng sinh học của các sinh vật khác.

4. Loài Ếch gỗ

Ếch gỗ (Lithobates sylvaticus) là một loài động vật trong Họ Ếch nhái, sinh sống chủ yếu từ khu vực Bắc Mỹ cho tới vòng Cực Bắc.

Để thích ứng với khí hậu lạnh giá ở khu vực này, Ếch gỗ đã phát triển một cách thức ngủ đông kì quặc – tự “chết cóng” và “sống lại” vào mùa xuân. Trong quá trình này, tim của chúng sẽ ngừng đập và quá trình hô hấp sẽ ngừng hoạt động. Về mặt sinh học, con ếch đã chết.

Nhờ cơ chế tăng lượng đường trong máu, tế bào Ếch gỗ giữ được nước qua mùa đông giá lạnh và mất khoảng 14 đến 24 giờ để rã đông và hoạt động lại bình thường.

4. Sứa bất tử

Sứa bất tử (Turritopsis nutricula) là một loại thủy tức giống sứa thuộc ngành Cnidaria.

Một con sứa trưởng thành có khả năng quay ngược vòng đời từ thời kỳ hiện tại trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào được gọi là thủy tức và từ đó lại tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế, khả năng bất tử này vẫn chịu thua trước những kẻ săn mồi và bệnh tật.

5. Hà mã

Hà mã (Hippopotamus amphibius) là một loài động vật có vú ăn cỏ sống ở vùng Hạ Sahara, châu Phi và là một trong hai loài còn sinh tồn của Họ Hà mã bên cạnh Hà mã lùn.

Loài này được biết đến với khả năng bài tiết axit hipposudoric và axit nonhipposudoric qua da như một chất kháng sinh và chống nắng tự nhiên. Loại chất lỏng màu đỏ này thường được gọi là “mồ hôi máu”.

Nguồn: Abdelrahman Hassanein / Getty Images

6. Tuần lộc

Tuần lộc (Rangifer tarandus) sinh sống chủ yếu ở vùng Bắc cực và cận Cực Bắc, bao gồm cả hai quần thể cư trú và di cư.

Linh vật Giáng sinh này có khả năng chuyển màu mắt từ nâu sang xanh dương để cải thiện tầm nhìn vào những đêm mùa đông. Hiện tượng này được giải thích là do áp lực trong mắt tuần lộc tăng lên, làm giãn đồng tử, khiến cho tầm nhìn ban đêm tốt hơn và nén collagen trong thủy tinh thể.

Nguồn: Johner Images / Getty Images

Theo: SUB Factory, Kênh 14
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.