• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Từ tấn công đến chết cho đến ăn thịt con: Đâu là những ông bố tồi tệ nhất trong thế giới động vật?

Thiên nhiên

Sư tử

Một trong những điều đầu tiên mà một con sư tử đực sẽ làm khi muốn chứng tỏ bản lĩnh đó là giết tất cả đàn con của mình. Nó làm vậy nhằm thoát ra khỏi các mối đe dọa tiềm tàng có thể tạo ra cuộc đảo chính chống lại chính nó trong tương lai, đồng thời đảm bảo rằng con cái có thể giao phối trở lại trong thời gian ngắn nhất.

Ngay cả khi không giết sư tử con thì con đực trưởng thành cũng là ông bố thiếu trách nhiệm nhất trong thế giới động vật. Nó không đi săn bắt nữa mà nhường lại công việc này cho đàn con. Thay vào đó nó sẽ chỉ đi lang thang đây đó gần như cả ngày.

Cá bống tượng

Khi có bạn tình ở gần đó, cá bống tượng đực thường vờ như thể mình là ông bố hoàn hảo: nó sẽ chăm chút cẩn thận ổ trứng của mình và xây dựng tổ.

Tuy nhiên, khi cá cái vừa bỏ đi, con đực nhanh chóng lộ rõ bản chất xấu xa. Vì là bữa ăn miễn phí nên nó sẽ ăn càng nhiều trứng càng tốt, đặc biệt là những quả có kích thước lớn để nó đỡ tốn công chăm sóc, nhờ đó giảm tải được khối lượng công việc mà một ông bố phải làm.

Gấu xám Bắc Mỹ

Một trong những điều thực sự khiến gấu xám Bắc Mỹ trở nên nổi bật hơn so với các loài động vật có vú khác là chúng sẵn sàng ăn thịt con mình ngay cả khi đã có sẵn thức ăn.

Hầu hết các loài động vật chỉ ăn thịt đồng loại như một lựa chọn cuối cùng trong hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng. Tuy nhiên, những con gấu này lại sẵn sàng giết và ăn thịt bất kỳ con non nào dám xâm phạm vào lãnh địa của chúng. Với tập tính bảo vệ lãnh thổ của loài gấu, gấu con luôn được dạy để tránh xa khỏi khu vực là nơi sinh sống của những con gấu xám khác.

Chim Guillemot

Guillemot là một loài chim biển được tìm thấy ở nhiều vùng khác nhau của Bắc Thái Bình Dương. Trong khi có nhiều loài chim luôn thể hiện trách nhiệm nuôi nấng con thì đối với loài Guillemot, đó lại là điều ngoại lệ.

Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 cho thấy con chim đực thường xuyên giết chết chính con của mình trong tổ. Các chuyên gia cũng phát hiện rằng chúng hay mổ con non đến chết hoặc thậm chí ném từ vách đá cao xuống. Nhóm nghiên cứu tin rằng chúng làm vậy là để loại bỏ đối tượng cạnh tranh trong thời điểm khan hiếm lương thực, giúp chúng có nhiều cơ hội sinh tồn hơn.

Cá phược

Cá phược đực cũng thực hiện nghĩa vụ của ông bố như bao loài cá khác. Chúng cũng siêng năng bảo vệ những quả trứng, xây dựng và canh chừng tổ để đảm bảo trứng được an toàn.

Mấy ai ngờ rằng tính cách này nhanh chóng thay đổi khi trứng nở và hầu hết đàn cá mới nở bơi đi nơi khác. Số ít cá còn lại trở thành điểm tâm béo bở cho ông bố đã tận tụy nuôi nấng thời gian vừa qua. Các bữa ăn ngẫu hứng này là một cách để cá đực nhanh chóng hấp thu chất dinh dưỡng sau khi trải qua một thời gian dài không thể đi tìm mồi.

Voọc Hanuman

Giống như sư tử, voọc Hanuman cũng hay giết con sơ sinh của mình. Những con đực thường thực hiện điều này sau khi giành được quyền kiểm soát đàn voọc cái mới. Chúng coi voọc con là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai trong việc giành quyền đứng đầu đàn.

Không chỉ có vậy, con đực có thể giao phối với con cái trong đàn sớm hơn nhiều so với bình thường. Giống như một số động vật có vú khác, con voọc cái không thể rụng trứng trong khi cho con bú. Giết chết con non có nghĩa là con cái lại có thể mang thai, điều này cho phép con đực tiếp tục truyền gen của chúng.

Bọ sát thủ

Bản chất của bọ sát thủ là luôn bất đắc dĩ ăn số lượng lớn con của chúng trong khi đảm trách một nhiệm vụ khó khăn, đó là bảo vệ trứng khỏi ong bắp cày ký sinh.

Trong khi bảo vệ trứng, chúng không thể tìm kiếm thức ăn và do đó phải dựa vào nhiều cách khác để có được chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng đặc biệt nhắm vào những quả trứng ở lớp ngoài cùng của tổ do đấy là những quả có khả năng bị giết và bị ong bắp cày ăn thịt nhiều nhất.

Cá heo mũi chai

Hành động giết chết con của loài cá voi và cá heo luôn được các chuyên gia xem là một sự cố hiếm gặp, nhưng đấy lại là chuyện thường tình đối với cá heo mũi chai.

Những con đực hay sử dụng các cách khác nhau để giết cá heo con, ví dụ như làm chết đuối bằng cách giữ con dưới nước không cho ngoi lên lấy không khí, hoặc hất tung con ra khỏi mặt nước để làm chúng kiệt sức. Các nhà nghiên cứu tin rằng chúng làm điều này để con cái có thể giao phối sớm, đỡ phải mất vài năm chăm lo cho con nhỏ.

Tinh tinh

Hiện tại chúng ta vẫn chưa xác định chính xác lý do tại sao tinh tinh đực đôi khi lại giết con sơ sinh trong đàn của chúng, chỉ biết rằng đây là một loài rất hung hăng và đôi khi sẽ tấn công lẫn nhau.

Bởi cấu trúc xã hội phức tạp của tinh tinh, cộng với khả năng cảm xúc và khả năng lập kế hoạch khiến chúng thường xuyên phải đánh nhau, đặc biệt là khi tranh giành tài nguyên và lãnh thổ. Tinh tinh con là mục tiêu dễ dàng cho con đực trưởng thành, ngay cả khi đó chính là con riêng của chúng.

Cự đà

Loài cự đà đực trưởng thành đôi khi sẽ chuyển sang ăn thịt đồng loại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bao gồm cả ăn thịt con của chúng hoặc của những con khác trong khu vực. Đây là hành động thường thấy nhất khi môi trường bị hạn hán.

Với nguồn thức ăn cạn kiệt, cự đà đực sẽ ăn các con nhỏ cùng giống loài vì chúng rất nhỏ bé và thường không phòng thủ trước con trưởng thành.

Khỉ gelada

Giống như nhiều loài linh trưởng khác, khỉ gelada không phải là những ông bố tốt. Chúng thường giết con mình như tinh tinh và khỉ đầu chó khi dẫn đầu bầy đàn.

Nếu không giết chóc, chúng cũng sẽ không quan tâm gì đến các thành viên trẻ trong đàn và cũng không làm gì để trợ giúp hoặc bảo vệ khỉ con trước các mối đe dọa. Thay vào đó, tất cả những trách nhiệm này thuộc về con cái, những bà mẹ khỉ luôn bảo vệ con cẩn thận trong sáu tháng đầu đời.

Theo: Ranker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.