• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Nóng lên toàn cầu đang phủ xanh dãy núi Alps, Thụy Sĩ

Tin tức

Theo kết quả thu được từ một vệ tinh có độ phân giải cao, nhiệt độ ngày càng tăng đang khiến những khu vực vốn chỉ toàn băng tuyết trên dãy Alps dần bị thay thế bởi màu xanh của thực vật.

Thảm thực vật phía trên đường giới hạn cây gỗ (ranh giới tự nhiên phân cách giữa khu vực cây có thể mọc và không thể mọc trên các ngọn núi cao) của dãy Alps đã tăng 77% kể từ năm 1984. Trong khi các sông băng đang rút lui tượng trưng cho tốc độ nóng lên toàn cầu tại khu vực Alpine, sự phát triển của thảm thực vật lại được các nhà khoa học coi là một “biến cố lớn”.

Nhiệt độ tăng và lượng mưa tăng khiến mùa sinh trưởng của cây cối kéo dài hơn, độ phủ của tuyết giảm cũng tạo điều kiện cho thực vật có nhiều diện tích “di cư” và phát triển mạnh mẽ.

Các nhà khoa học cho biết, chỉ cần dưới 10% diện tích tuyết bao phủ mất đi là đã đủ để gây ra những thiệt hại đáng kể.

“Sự thay đổi chắc chắn sẽ còn diễn ra với quy mô lớn hơn nữa trên dãy Alps.”

Giáo sư Sabine Rumpf tại Đại học Basel, đồng thời là tác giả chính của bài báo được xuất bản trên tạp chí Science, cho biết.

Các khu vực núi cao đang đối mặt với tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Và trong khi tình trạng phủ xanh Alps có thể làm gia tăng sự cô lập carbon, vấn đề sẽ còn nặng nề hơn nữa bởi có sự tham gia của nhiều tác động tiêu cực khác, bao gồm băng vĩnh cửu tan chảy, giảm hiệu ứng albedo - sự phản chiếu ánh nắng mặt trời của các khu vực băng tuyết kém đi, và mất môi trường sống tự nhiên.

Theo giáo sư Rumpf, việc cây cối mọc nhiều hơn ở vùng núi cao có thể đe dọa đến nhiều loại thực vật đặc hữu tại Alpine, những loài vốn thích nghi tốt với điều kiện khắc nghiệt nhưng không có khả năng cạnh tranh cao. Khi điều kiện môi trường trở nên thuận lợi hơn cho nhiều loài thực vật phát triển, địa bàn của chúng sẽ bị “chiếm đoạt” bởi những loài khác với bản năng sinh tồn mạnh mẽ.

“Áp lực đang đè nặng lên đa dạng sinh học trên dãy Alps”.

Trái ngược với thảm thực vật, lớp tuyết phủ trên đỉnh những ngọn núi cao lại trở nên khiêm tốn hơn với gần 10% diện tích bị mất đi (chưa kể đến sông băng và các khu vực dưới 1,700m).

Việc màu trắng của dãy Alps đang dần bị thế chỗ bởi màu xanh có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khó tránh khỏi.

“Những ngọn núi xanh hơn ít phản chiếu ánh sáng mặt trời hơn, từ đó thúc đẩy tốc độ nóng lên diễn ra nhanh hơn, tuyết tan nhiều hơn và lại có nhiều thực vật tiếp tục phát triển.”

Theo: Treehugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.