• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Nước biển dâng khiến người dân Indonesia phải vật lộn để bảo vệ phần mộ tổ tiên

Tin tức

Quan sát từ bản đồ, ngôi làng Timbulsloko cách thủ đô Jakarta, Indonesia khoảng 460 dặm về phía đông, dường như vẫn còn nằm nguyên vẹn ở bờ biển bắc của tỉnh Trung Java. Tuy nhiên sự thật là phần lớn ngôi làng từ lâu đã chìm trong nước biển. Đặc biệt là khu vực nghĩa trang cách vài trăm mét ngoài làng đã gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. Những gì có thể quan sát được bây giờ chỉ là một thân cây khẳng khiu trụi lá và vài chục bia đá nhô lên khỏi mặt nước.

Cả ngôi làng và khu nghĩa trang đều chìm trong biển nước/
Ảnh: National Geographic

Trước khi ngôi làng bị chìm trong nước biển nó đã từng là một mảnh đất “xanh” và màu mỡ. Người dân trong làng trước đây chỉ cần dựa vào trồng trọt là đã có thể đảm bảo một cuộc sống dư dả với đủ loại hoa màu như bắp cải, cà rốt, khoai tây, hành đỏ, ớt, dừa, …

“Chỉ cần bạn rắc hạt giống xuống đất, chắc chắn chúng sẽ mọc thành cây” Anh Ashar 39 tuổi, là trưởng làng Timbulsloko nhớ lại.

Nhưng chỉ trong hai thập kỷ trở lại đây, nước biển đã dâng nhanh đến mức họ không kịp trở tay. Hiện nay, bờ biển phía Bắc Java vẫn đang dần bị nhấn chìm khi mực nước biển tiếp tục dâng cao.

Jakarta - thành phố hơn 10 triệu dân của Indonesia – có đến 40% diện tích thấp hơn mực nước biển nên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt. Trong đó, huyện Demak thuộc tỉnh Trung Java, nơi có ngôi làng Timbulsloko tọa lạc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nghĩa trang là nơi duy nhất còn tồn tại giúp người dân cất giữ kỷ niệm quá khứ/
Ảnh: National Geographic

Trong khi ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến mực nước biển trung bình trên toàn thế giới tăng khoảng 4mm mỗi năm thì ở Demak mực nước dâng lên tận 10cm mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc hơn 4km

2, tương đương với 0,5% diện tích khu vực này hàng năm bị biển Java “nuốt chửng”.

Ở làng Timbulsloko, sau khi mùa màng thất bát vào những năm 1990, vì không thể tiếp tục trồng lúa nên dân làng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản như cá, tôm sú trong các ao nước lợ. Nhưng công việc chỉ thuận lợi được vài năm, đến khoảng năm 2000, các ao cá cũng bắt đầu bị nước biển xâm thực.

Ngày nay, cả ngôi làng đã hoàn toàn chìm trong biển nước. Cách duy nhất để di chuyển đến khu vực “đất liền” cách đó vài trăm mét là bơi thuyền.

Không chỉ vậy, để giữ cho ngôi nhà của mình khô ráo, người dân ở đây phải lắp sàn nhà bằng gỗ và tôn cao dần hàng năm. Không gian trong nhà bị thu hẹp đến nỗi người ta phải đi khom lưng để tránh cụng đầu vào mái. Trong số hơn 400 hộ gia đình từng sống ở đây, bây giờ chỉ còn lại khoảng 170 hộ.

Thứ duy nhất còn lại giúp người dân ở đây kết nối với những kỷ niệm quá khứ là khu nghĩa trang với 150 ngôi mộ đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên việc chôn cất giờ đây cũng gặp nhiều khó khăn khi họ phải chèo thuyền đến khu đất liền, mua đất và nhanh chóng xử lý mộ phần khi thủy triều rút.

“Nghĩa trang chỉ toàn bùn và nước buộc chúng tôi phải mua đất tươi để chôn cất những người đã khuất.” Anh Ashar nói.

Khu nghĩa trang trước và trong khi được tôn tạo lại/
Ảnh: National Geographic

Mặc dù cuộc sống quá khó khăn nhưng không phải ai cũng có điều kiện để dọn đi nơi khác. Như gia đình anh Ashar, bởi vì không thể bán tài sản – là ngôi nhà nhỏ hẹp giữa biển nước mênh mông – nên không có đủ kinh tế để di dời. Mặc khác có nhiều bô lão trong làng vì không muốn rời bỏ nơi đã gắn bó từ thời thơ ấu nên cũng quyết định ở lại để chăm sóc cho phần mộ tổ tiên.

Gần đây, làng Timbulsloko đã phải xin trợ cấp từ chính quyền huyện Demak Regency để nâng toàn bộ nghĩa trang lên hơn 1m, giúp những “cư dân” ở đây tạm thời chống chọi thêm một thời gian nữa.

Sau 25 ngày tôn tạo, nghĩa trang đã tạm thời được nâng cao/
Ảnh: National Geographic

Trong suốt một thập kỷ qua, chính quyền tỉnh Trung Java và các tổ chức phi chính phủ đã phải vật lộn để bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn. Họ đã cho trồng khoảng 365 hecta rừng ngập mặn trên khắp Trung Java từ năm 2011 và kế hoạch tiếp theo là bao phủ 810 hecta vào năm 2023.

Ngoài ra họ cũng kết hợp với ngư dân địa phương xây dựng các hàng rào tre ngay đường bờ biển thuộc quận Sayung với hi vọng nó sẽ hoạt động như một con đê chắn sóng và giữ lượng phù sa đảm bảo rừng ngập mặn có thể bén rễ. Tuy nhiên những hàng rào này dường như chẳng có tác dụng gì khi bị lật đổ và phải dựng lại thường xuyên.

Để chắn sóng từ tre

Một giải pháp khác được áp dụng là xây các bức tường chắn sóng bằng bê tông. Tuy nhiên do chi phí không đủ chi trả nên dự kiến chỉ có một khu vực nhỏ sẽ được hoàn thành vào năm 2024 để bảo vệ các khu công nghiệp và đường cao tốc đang xây dựng dở. Động thái này đã khiến hầu hết dân cư cảm thấy tức giận và bất lực vì họ không thể làm gì khác ngoài “chết đuối một mình”.

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.