• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Sự cố Huawei 'tweet bằng iPhone' có thể không đơn giản chỉ là một nhầm lẫn cá nhân

Cuộc sống

Chúng ta đều biết hiện tại xung đột giữa Huawei và Apple tại thị trường quốc nội Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ở quy mô lớn hơn, cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong lúc gay cấn.

Sáng ngày 4 tháng 1, 2019, hãng thông tấn Reuters dẫn lời của chính phủ Canada rằng tổng cộng có 13 trí giả nước này đã bị nhà chức trách Trung Quốc giam giữ với lý do ''điều tra về vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia'', bao gồm cả một nhà ngoại giao người Canada là Michael Kovrig.

hai cong dan canada 1546570341190218003545

Nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig (trái) và Michael Spavor, đã bị giam giữ tại Trung Quốc - Ảnh: CTVNEWS

Mặc dù phía Bắc Kinh đã thả 8 trên tổng số 13 người và không đưa ra lý do gì cụ thể nhưng động thái này được xem là đáp trả việc giám đốc tài chính của Huawei, bà Meng Wanzhou bị bắt giữ tại Vancouver, Canada hồi tháng 12 năm ngoái.

Hiện bà Meng đang bị quản thúc, phải đeo còng điện tử tích hợp định vị GPS và có thể bị dẫn độ sang Mỹ để chịu phán quyết về cáo buộc giúp Iran gian lận tài chính nhằm tránh né những lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Reuters, ngày 8 tháng 12 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc - ông Le Yucheng cũng yêu cầu Canada thả bà Meng ngay lập tức nếu không muốn ''lãnh hậu quả''.

meng wanzhou

Bà Meng Wanzhou (Mạnh Văn Chu), con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), hiện đang bị Canada giam giữ chờ dẫn độ.

Cùng ngày 4 tháng 1, nhiều câu hỏi đặt nghi vấn về sự an toàn của Tim Cook - giám đốc điều hành Apple khi ông này đến công tác tại Trung Quốc. Chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung khiến doanh thu của Apple sụt giảm vì thị trường của Apple ở Trung Quốc là rất rộng lớn.

Chắc chắn Tim Cook đang trong trạng thái ''ăn không ngon ngủ không yên'' vì cảnh rối ren hiện tại. Phải làm sao khi Apple bị kẹt giữa thế phải chọn ''doanh thu'' hoặc ''lợi ích quốc gia''?

tim cook

Người Mỹ lo sợ CEO Tim Cook của Apple bị trả thù khi đến Trung Quốc.

Trước tình hình căng như dây đàn, cộng đồng mạng có thể vui đùa và thi nhau ném đá trước việc Huawei tweet mừng năm mới bằng iPhone, tuy nhiên không một nhà chiến lược nào cười nổi khi xâu chuỗi các sự việc này lại.

Trước hết, lãnh đạo Huawei đã trừng phạt giáng chức, cắt lương 2 nhân viên phòng marketing vì để xảy ra vụ việc. Sau đó, họ đổ trách nhiệm cho sự cố VPN (mạng riêng ảo) của một công ty truyền thông thuê ngoài là Sapient Corporation, đơn vị chịu trách nhiệm marketing online và quản lý tài khoản Twitter của Huawei ở Bắc Kinh, dẫn đến vụ việc nhân viên Sapient lấy sim Hong Kong đăng tweet qua iPhone.

VPN là một dịch vụ được bên thứ 3 cung cấp

Tuy nhiên, có nhiều kẽ hở mà Huawei không thể trả lời được trước yêu cầu phỏng vấn của các hãng tin. Thứ nhất, vì sao tài khoản Twitter @Huawei Technology vốn được tạo từ năm 2009 và đăng bài thường xuyên, có khi một ngày nhiều bài và chưa từng có bất kỳ một bài viết nào được gửi bằng iPhone kể từ thời điểm ấy. Vậy tại sao nó lại xảy ra ngay bây giờ?

VPN là một dịch vụ được bên thứ 3 cung cấp, đồng nghĩa với việc khi xảy ra lỗi thì luôn có báo cáo rõ ràng từ nhà cung cấp dịch vụ. Đây là điều hết sức bình thường và nếu có lỗi xảy ra thì nó là khách quan và không thuộc trách nhiệm của cả Huawei lẫn Sapient.

Thế nhưng Huawei không trả lời minh bạch đó là lỗi gì (hoặc không trả lời được) để minh oan khi các hãng tin quốc tế như Reuters hỏi chi tiết. Kể cả Sapient cũng ''bặt vô âm tín'' trước đề nghị phỏng vấn của Reuters trong khi họ đang bị đổ lỗi.

https://twitter.com/SanGraphic/status/1080033995461746688

Ông lớn Trung Quốc thuê công ty Mỹ làm thương hiệu trong bối cảnh chiến tranh kinh tế?

Cuối cùng, câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao một công ty truyền thông nắm quyền sinh sát trong việc quảng bá, tương tác mạng xã hội và xây dựng thương hiệu cho Huawei lại là một công ty Mỹ?

Sapient Corporation - công ty bị Huawei đổ lỗi về sự cố đăng tweet là một ông lớn trong ngành truyền thông của Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cố vấn chiến lược cho doanh nghiệp và thực hiện các chiến dịch marketing.

sapient huawei iphone

Chi nhánh của Sapient Corporation ở Bắc Kinh là Sapientrazorfish (hình trên), cũng chính là đơn vị quản lý tài khoản Twitter của Huawei. Nếu mọi việc được giải thích là sự trùng hợp và thiếu may mắn thì có lẽ rất không thuyết phục.

Huawei có toàn quyền cấm nhân viên của họ dùng iPhone và ràng buộc nó trong hợp đồng lao động, tuy nhiên với những nhân viên của Sapientrazorfish - một đơn vị thuê ngoài thì điều đó là ngoài tầm kiểm soát của Huawei. Cộng đồng mạng đặt câu hỏi rằng liệu ông trùm công nghệ của Trung Quốc ngây thơ đến mức không nhìn ra nguy cơ khi chấp nhận thuê Sapient?

Chuyện thâm cung bí sử phía sau vụ việc có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết khi Huawei hiện tại đang giấu kín mọi sự và muốn scandal này chìm đi càng sớm càng tốt. Có lẽ dư luận quốc tế và cộng đồng mạng đành phải tự suy ra câu trả lời cho riêng mình.

Theo: Reuters & Caixinglobal
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.