• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Ý nghĩa màu sắc qua lăng kính văn hóa và truyền thống của mỗi quốc gia

Khám phá

Do sự đa dạng của nền văn hóa nên ý nghĩa màu sắc của mỗi vùng miền hay mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Ví dụ, người Bassa ở Liberia chỉ có 2 từ chỉ màu sắc: ziza gồm các màu đỏ, vàng, da cam và hui gồm các màu xanh lá cây, xanh dương, tím. Trong khi đó, người Inuit có hẳn 17 từ để gọi tên ý nghĩa của màu trắng.

Hãy cùng Lost Bird khám phá thêm về sự khác biệt này nhé.

Xanh dương

Xanh dương được xem là sự lựa chọn màu sắc an toàn nhất vì nó mang sắc thái tích cực. Ở Nam Mỹ và châu Âu, xanh dương đại diện cho lòng tin, ổn định, hòa bình và uy quyền. Ngoài ra, xanh dương còn là sự cô độc, đau buồn và trầm cảm. Trong tiếng Anh, “blue” vừa là màu xanh vừa mang nghĩa chán nản, buồn bã.

Hòm thư trên bức tường gạch ở Tuscany, Italy (Mario Savoia).

Ở một số quốc gia, xanh dương còn là biểu tượng của chữa lành và xua đuổi ma quỷ. Những lá bùa màu xanh dương được tin là có sức mạnh bảo vệ người đeo bùa khỏi đôi mắt quỷ dữ và rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Iran, Afghanistan và Albania. Trong văn hóa Ukraina, xanh dương đại diện cho sự khỏe mạnh. Còn với Hindu giáo, màu sắc này gắn bó mật thiết với thần Krishna.

Tượng gỗ thần Krishna (Shyamalamuralinath).
Biển Đen ở Ukraina lúc sáng sớm (Creative Travel Projects).

Xanh lá

Trong văn hóa phương Tây, màu xanh lá ứng với thiên nhiên, nhận thức về môi trường, mùa xuân, tươi mát và sảng khoái. Đôi khi, nó cũng là màu của sự non nớt, thiếu kinh nghiệm và ghen tị (một cách ví von thường thấy của tính đố kỵ là “con quỷ mắt xanh lá”).

Vũ công trong trang phục truyền thống Mexico (Christian de Araujo).
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Việt Nam (John Bill).

Ở các nước Trung Đông, xanh lá đại diện cho may mắn, giàu sang và sinh đẻ. Trong khi đó, ở các nước Á Đông, xanh lá là màu của tuổi trẻ, cuộc sống mới, khả năng sinh sản, đôi khi nó cũng là màu của sự bội tín. Đàn ông Trung Quốc thường kiêng kị đội mũ màu xanh lá cây vì nó ngụ ý họ bị vợ cắm sừng.

Ireland còn có tên gọi nên thơ là “Hòn đảo Ngọc Lục Bảo” bởi cây cối xanh biếc quanh năm suốt tháng.
Một cốc trà lá bạc hà của người Maroc (Joat).
Cánh cổng nhà thờ Hồi giáo ở Maroc (Eugene Sergeev).

Đỏ

Nhắc đến màu đỏ, chúng ta thường nghĩ đến tình yêu, năng lượng, đam mê, sự phấn khích và cả nguy hiểm. Ở nước Nga, nó còn mang ý nghĩa cách mạng và chủ nghĩa cộng sản.

Búp bê Matryoshka của Nga (Grisha Bruev).
Nhà thờ chính tòa Thánh Vasily ở Quảng trường Đỏ, Moskva (Reidl).

Ở một số đất nước châu Á, đỏ là sắc màu quan trọng bởi nó đại diện cho may mắn, hạnh phúc, thọ lão, phồn vinh, niềm vui và những bữa tiệc. Với những ý nghĩa như này, ở một số quốc gia, chúng ta thường thấy cô dâu chọn mặc váy đỏ vào ngày lễ trọng đại. Vào lễ tết, những chiếc phong bao lì xì cũng mang màu đỏ để gửi lời chúc may mắn đầu năm mới.

Ở Ấn Độ, đỏ gắn liền với thế giới tinh thần, đặc biệt là khoái lạc và trinh tiết. Trong khi đó, tại một số quốc gia châu Phi, đỏ đại diện cho chết chóc. Ở Nigeria, đỏ vừa là màu của sức sống dồi dào vừa có ý nghĩa gây hấn.

Hình vẽ trên tay cô dâu Ấn Độ (Irina d’elena).
Một góc Cố Cung dưới bầu trời hoàng hôn Bắc Kinh (PlusONE).

Vàng

Theo văn hóa phương Tây, vàng là màu của ánh sáng mặt trời nên nó cũng đại diện cho hy vọng, tích cực, ấm áp, vui vẻ, hân hoan. Đặc biệt, màu vàng thường gắn với hạnh phúc và vận may trong văn hóa Ai Cập. Ngược lại, người Đức cho rằng màu vàng còn là màu của sự đố kỵ nhỏ nhen.

Bồ công anh dưới ánh hoàng hôn (Irin-k).
Tháp chuông ở Mexico (Noradoa).

Da cam

Ở các nước châu Âu, da cam là màu của mùa thu, mùa màng và sự ấm áp. Đạo Hindu cho rằng màu nghệ tây rất phù hợp với sự trang trọng, linh thiêng cũng như phồn vinh. Da cam cũng là màu sắc riêng của gia đình hoàng gia Hà Lan. Ngược lại, người Colombia lại quan niệm màu da cam gắn với dục vọng và sinh sản.

Các thầy tu xếp hàng trước cổng chùa (Golden House).
Những cánh cổng Torii dẫn vào bên trong ngôi đền Fushimi Inari-taisha, Kyoto (Thomas La Mela).
Lá thu rụng trong công viên (Konstantin Sutyagin).
Lễ hội đèn lồng Thái Lan (Psno7).

Tím

Tím là màu của hoàng gia, quý tộc, sự giàu sang và thế giới tâm linh. Trong lịch sử Nhật Bản, chỉ có những tăng sĩ Phật giáo giữ chức vụ cao nhất mới được khoác áo cà sa màu tím. Trái lại, ở Thái Lan và Brazil, tím lại là màu của u buồn. Tại Mỹ, tím được chọn là màu của Trái tim Tím – một huân chương lâu đời được trao cho những binh lính thiệt mạng trong thời gian phục vụ quân đội.

Huân chương Trái tim Tím (Dean).
Khung cảnh vùng sông nước mùa hè (Vibrant Image Studio).
Những cửa sổ kính màu của nhà thờ Sainte-Chapelle (Nguyện đường Thánh), Paris (Scott Norsworthy).

Trắng

Nhắc đến màu trắng là nhắc đến hòa bình, tinh khôi, trong sáng, lịch thiệp và trang nhã. Ở Peru, trắng đại diện cho thời gian, sức khỏe dồi dào và những thiên thần. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, trắng còn là màu của tang tóc.

Thiên nga trắng (Konstanttin).

Đen

Nhiều nền văn hóa quan niệm đen gắn liền với cái chết, quỷ dữ, ốm đau, vận rủi, hung dữ và kỳ bí. Trái lại, ở một số nước Trung Đông, đen là màu của tái sinh, Trong khi đó ở châu Phi, đen là biểu tượng của tính nam và sự trưởng thành, chín chắn.

Một căn nhà bằng đá bỏ hoang (Suzanne Tucker).
Trong lịch sử, mèo đen cũng gắn với hình ảnh quỷ dữ (Cressida Studio).
Theo: Shutterstock
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.