• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Có những dạng rác thải nhựa đại dương nào?

Môi trường

Trung bình hàng năm có đến 8 triệu tấn nhựa đổ ra ao, hồ, sông, biển. Không chỉ gây hại cho hệ sinh thái dưới lòng đại dương, những hạt nhựa theo gió thổi ngược lại đất liền cũng là một “thảm họa” lớn. Thậm chí, ở một vài nơi còn xuất hiện tuyết và nước mưa có lẫn nhựa.

Mặc dù hầu hết các hình ảnh về ô nhiễm đại dương đều được minh họa với những chiếc cốc, chai hoặc ống hút nhựa đang nhấp nhô trên mặt nước, nhưng thực chất chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lượng rác thải nhựa ngoài đại dương.

Từng khu vực khác nhau sẽ có sự phân bổ các loại nhựa khác nhau. Chẳng hạn như túi nilon, túi đựng thực phẩm chủ yếu tập chung ở bờ biển, còn ngoài khơi xa hơn, số rác thải này lại là ngư cụ hoặc nắp chai, lọ nhựa.

Bên cạnh đó cũng có một số nguồn rác thải nhựa khác mà chúng ta hay bỏ qua, phần lớn là đầu lọc thuốc lá từ nhựa cellulose acetate hoặc các gói nhỏ đựng nước sốt, xà phòng không thể tái chế. Chúng được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực biển châu Á, nơi các thương hiệu thường cho ra mắt những sản phẩm đóng gói kích thước nhỏ với mục đích phục vụ nhu cầu sử dụng của người thu nhập thấp.

Cuối cùng, dạng ô nhiễm khó xử lý nhất hiện nay là hạt vi nhựa. Chúng có thể tổn tại dưới dạng hạt, mảnh hoặc sợi siêu nhỏ, lơ lửng trong nước, bám trên các bề mặt hoặc nằm trong cơ thể của các loài sinh vật biển. Không chỉ vậy, hạt vi nhựa ngày nay thậm chí còn có mặt ở khắp mọi nơi. Theo ước tính bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Newcastle, hàng tuần, mỗi người hấp thụ vào cơ thể lượng vi nhựa tương đương với một chiếc thẻ tín dụng và thông qua nhiều con đường khác nhau như hít thở hay ăn uống.

Có nhiều cách để hạt vi nhựa phát tán ra môi trường: hạt vi nhựa theo nước giặt quần áo xả ra cống thoát nước, hạt vi nhựa phân rã từ các loại dụng cụ, bao bì đựng thực phẩm… Trong đó, nguồn vi nhựa lớn nhất phải kể đến bụi lốp xe. Khi lốp xe mài xuống mặt đường sẽ để lại những hạt “cặn” có thành phần cao su tổng hợp và một số loại phụ gia như chất độn hoặc chất làm mềm. Số cặn này sẽ theo nước mưa chảy vào cống thoát nước, sau đó chảy ra ngoài ao, hồ, sông, suối hoặc đại dương.

Số lượng rác thải nhựa ngoài đại dương hiện nay đã nhiều tới mức được các nhà khoa học coi là một quần xã sinh vật mới – plastisphere, bởi vì nhiều loài sinh vật biển dần xem số chất dẻo này là “nhà”, sinh sôi nảy nở và gắn bó toàn bộ cuộc đời ở đó.  

Theo: The Guardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.