• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Cách Ấn Độ tận dụng những bông hoa cúng để sản xuất hương

Khám phá

Một ngày mới của hàng triệu tín đồ đạo Hindu ở Ấn Độ luôn bắt đầu với nghi lễ dâng hoa. Toàn bộ số hoa này sau đó sẽ được đổ ra sông Hằng, “góp phần” làm gia tăng lượng hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu hòa vào dòng nước của con sông huyết mạch. Để giải quyết tình trạng này, một công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ có tên Phool đã quyết định thu gom và sử dụng chúng để sản xuất hương (nhang) thủ công.

Hàng ngày, các tiểu thương sẽ mang hoa từ khu chợ Shivalaya đến cửa những ngôi đền Hindu để bán. Sau đó, vì hoa đã được sử dụng để làm lễ, với suy nghĩ tôn trọng sự thiêng liêng, người ta sẽ mang chúng thả ra sông Hằng thay vì đổ bỏ vào thùng rác.

Ước tính, mỗi ngày có đến hơn 1,000 tấn hoa bị thả ra sông và rất nhiều trong số chúng vẫn còn chứa hóa chất độc hại (như thuốc trừ sâu) và kim loại nặng (asen, chì, cadmium). Trong khi đó, sông Hằng với chiều dài hơn 2,510km lại là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho khoảng 400 triệu người dân Ấn Độ.

“Tôi đã chứng kiến mọi người thả hoa ra sông trong suốt cuộc đời, nhưng chưa từng thấy ai đặt câu hỏi liệu sự lãng phí này có gây ra ô nhiễm hay không.”

Ankit Agarwal, người sáng lập của Phool, chia sẻ.

Sau giờ làm lễ, những nhân viên của Phool sẽ đến 19 ngôi đền trên khắp Kanpur, thu gom hoa và vận chuyển về cơ sở chuẩn bị cho việc tái chế. Tại đây, họ tiến hành phân loại hoa theo màu và loại bỏ tạp chất như chỉ, vải và nhựa. Cánh hoa sau đó sẽ được chuyển đến nơi sản xuất hương. Còn lại nhụy và phần gốc cũng được tận dụng để ủ thành phân trộn. Tiếp theo, người ta đem phơi số cánh hoa này trên một tấm bạt lớn cho đến khi khô, nghiền thành bột và trộn chúng với nước cùng tinh dầu cho đến khi thu được một hỗn hợp sệt như đất sét.

Toàn bộ quá trình sản xuất đều hoàn toàn thủ công bằng tay, ngay cả ở công đoạn cuối cùng là đắp hỗn hợp bột lên cán và dàn đều tạo hình.

Để sản phẩm có thể sử dụng được, chúng phải trải qua 2 lần phơi khô: khi hương đã khô lần một sẽ được nhúng qua một lần tinh dầu nữa và phơi khô lần hai.

Trung bình mỗi giờ, một công nhân có thể làm ra 400 cây hương. Ankit gọi đây là vòng tuần hoàn biến đổi của hoa, đồng thời khẳng định sản phẩm họ làm ra “sạch” hơn bất cứ loại hương nào khác trên thị trường.

Ankit xuất thân là một nhà nghiên cứu về tự động hóa. Mặc cho sự phản đối của gia đình và bạn bè, anh vẫn quyết tâm bỏ việc để bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Ankit chia sẻ, ban đầu anh đã gặp rất nhiều khó khăn do không được những người quản đền tin tưởng. Phải cho đến khi anh nói: “Tera tujhko arpan” (đại ý là những gì thuộc về các vị thần sẽ quay trở lại với các vị thần), họ mới bị thuyết phục và đồng ý hợp tác.

Mặc dù hoa chỉ là một phần nhỏ trong số những nguyên nhân đã và đang gây ô nhiễm cho sông Hằng, Ankit vẫn muốn thực hiện công việc của mình như một cách giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của lãng phí và ô nhiễm.

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty của Ankit đã tái sử dụng được 12 tấn hoa và mục tiêu tiếp theo sẽ là 50 tấn, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho khoảng 1,000 phụ nữ Ấn Độ.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.