• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Đĩa ăn dùng một lần từ bã mía

Môi trường

Ấn Độ được biết đến là quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng 25 triệu tấn chỉ riêng năm 2020. Đằng sau ngành công nghiệp này là cả một khối lượng sản phẩm phụ khổng lồ - hơn 100 triệu tấn bã mía bị bỏ đi hàng năm.

Tuy nhiên, vào năm 2017, một công ty đã tìm ra cách biến chỗ sản phẩm phụ này thành đĩa, khay và bát đựng thực phẩm dùng một lần, thay cho đĩa xốp hoặc nhựa, có khả năng ủ thành phân trộn thay vì kết thúc vòng đời ngoài bãi rác.

“Nhựa tồn tại mãi mãi ngoài môi trường, nhưng sản phẩm này của chúng tôi có thể phân rã chỉ trong tối đa 3 tháng.” Ved Krishna – giám đốc chiến lược và cũng là chủ của công ty, cho biết.

Hơn 40 năm trước, bố của Ved đã sáng tạo ra phương pháp tái chế bã mía thành giấy và bắt đầu mở xưởng sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên những năm gần đây, do nhu cầu thị trường giảm xuống, xưởng bắt đầu gặp khó khăn về tài chính và không thể cải tiến máy móc, hoạt động sản xuất dần trở nên trì trệ.

Không muốn tâm huyết của bố dừng lại, Ved đã dành nhiều năm nghiên cứu với mong muốn tìm ra giải pháp mới thay thế. Đến năm 2017, anh thành công giới thiệu ra thị trường loại đĩa dùng một lần bền vững làm từ bã mía, được rất nhiều người ủng hộ.

Ved chia sẻ, trong mùa thu hoạch mía, mỗi ngày có khoảng 100 xe trở bã mía giao đến xưởng của anh. Các công nhân sau đó phải mất 2 giở để dỡ toàn bộ bã mía trên xe xuống nơi tập kết. Vì nếu để bã mía bị khô, độ liên kết giữa những sợi gỗ giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng, nên nước luôn được phun để đảm bảo đủ độ ẩm cho bã mía.

Tiếp theo, công nhân sẽ loại lớp sợi nhỏ nhất không đủ tiêu chuẩn, trước khi rửa sạch và hấp chúng trong nồi áp suất lớn. Phần bã này sau đó được xử lý qua dung dịch kiềm để loại bỏ hoàn toàn lớp mật mía gây dính, đồng thời giúp chúng dễ thành hình khi ép khuôn.

Trước khi cho vào máy nén, hỗn hợp cũng được rửa lại một lần để đảm bảo hết sạch hóa chất dư thừa.

Không giống như nhiều công ty sản xuất khác, trong dây truyền của Ved hoàn toàn không có bước tẩy trắng sản phẩm. Anh cho biết mặc dù người tiêu dùng thường thích những sản phẩm có màu trắng tinh, nhưng hầu hết chúng đều được tẩy bằng hóa chất. Vì vậy, anh lựa chọn giữ nguyên màu gốc của bã mía để đảm bảo dùng ít hóa chất nhất có thể.

Ngay cả túi và hộp đóng gói thành phẩm, phân phối đến người tiêu dùng cũng là loại có thể ủ thành phân trộn. Vì nếu đóng gói bằng nilon, ý nghĩa sản phẩm của anh sẽ không còn nguyên vẹn như ban đầu.

Từ năm 2017 đến nay, với trung bình 3,500 tấn bã mía, công ty của Ved sản xuất được hơn 1,000,000 sản phẩm khay, đĩa dùng một lần mỗi ngày. Lượng bã mía thô còn dư sau đó cũng được dùng để đốt nóng, tạo thành năng lượng nhiệt sạch, thay thế cho nguyên liệu hóa thạch.

Trước khi Covid-19 xảy ra, có hơn 3,000 nhà hàng trên khắp Ấn Độ đã liên hệ và trở thành đối tác của Ved. Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát buộc các nhà hàng phải đóng cửa, doanh số của công ty đã giảm đến 70%. Vì vậy, hiện nay công ty đã bắt đầu mở cửa hàng bán lẻ online để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.  

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.