• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Ong mật đang dùng cơ thể của chúng để thu gom hạt vi nhựa trong không khí?

Môi trường

Với một cơ thể được phủ lớp lông dày có khả năng tích điện, trong suốt chặng đường bay bộ lông của ong mật sẽ hút rất nhiều loại mảnh vụn như phấn hoa, sáp, que nhỏ và những loại hạt li ti trong không khí.

Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí “Science of the Total Environment” vào đầu năm 2021, người ta phát hiện trên cơ thể ong mật có mang thêm một loại hạt mới đó là hạt vi nhựa. Cụ thể là có 13 loại polymer tổng hợp khác nhau.

Rõ ràng rằng hạt vi nhựa có mặt ở mọi ngóc ngách trên khắp hành tinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu các hạt vi nhựa lơ lửng trong bầu khí quyển vì việc lấy mẫu chúng rất khó khăn.

Nhưng nhờ chân và cơ thể đầy lông của ong mật, chúng sẽ dễ dàng thu thập các hạt vi nhựa trong không khí và trở thành công cụ hữu ích giúp các nhà khoa học xác định sơ đồ phân bổ và đường đi của vi nhựa theo gió.

Trong suốt hàng thập kỷ, các nhà khoa học đã sử dụng ong để phát hiện thuốc trừ sâu, kim loại nặng, ô nhiễm không khí và bụi phóng xạ. Từ những năm 1970, cũng đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng của nhựa lên ong, tuy nhiên, ảnh hưởng của hạt vi nhựa thì chỉ mới được chú ý gần đây.

Các mẫu ong được quan sát cho thấy có 15% trong số các mảnh vụn bám lên lớp lông của ong là hạt vi nhựa, 38% là chất xơ và 52% là những loại mảnh vụn khác (phấn hoa, sáp, …) còn lại là sợi bông tự nhiên. Nghiên cứu cũng cho thấy ong ở khu vực thành thị có lượng vi nhựa bám trên cơ thể rất lớn, nhưng nồng độ này trên ong ở khu vực nông thôn cũng không hề nhỏ.

Hạt vi nhựa có gây hại đến ong mật?

Vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi hạt vi nhựa liệu có gây hại cho ong không? Để đánh giá, người ta đã cho ong mật ăn tinh thể nhựa nguyên sinh trong hai tuần và kết quả cho thấy nó không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của ong. Nhưng nó làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường ruột của chúng, gây ra những nguy cơ về sức khỏe đáng quan ngại.

Đặc biệt, người ta phát hiện ra rằng tỷ lệ chết ở ong sẽ tăng từ 20%-55% nếu chúng tiêu thụ đồng thời  nhựa nguyên sinh và tetracyline_một loại kháng sinh phổ biến, được sử dụng để ngăn ngừa bệnh ấu trùng khi nuôi ong.

“Chỉ riêng vi nhựa có thể sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu kết hợp với các loại chất hóa học khác, độc tính chắc chắn sẽ mạnh hơn gấp nhiều lần, chẳng hạn như thuốc trừ sâu, thuốc thú y hoặc phụ gia nhựa.” Đặc biệt là thuốc trừ sâu, chúng là mối đe dọa lớn nhất, có “khả năng tàn phá” sức khỏe của ong và bất cứ loài sinh vật nào khác nếu chẳng may ăn phải.

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.