• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Tái chế giấy báo thành những chiếc bút chì

Môi trường

Tại Kenya, ngày càng có nhiều người đọc báo giấy, đồng nghĩa với số lượng rác thải tại các bãi chôn lấp cũng tăng lên đáng kể. Trong khi đó, giấy khi phân hủy lại đóng góp một lượng lớn khí nhà kính thải ra bầu khí quyển. Thay vì để số giấy báo này phân hủy lãng phí như vậy, 2 anh em nhà Omari đến từ Kenya đã nhìn thấy “tiềm năng” của chúng và quyết định thành lập công ty sản xuất bút chì từ giấy báo mang tên Momo Pencils.

Hầu hết số giấy báo được Momo sử dụng đều đến từ các hộ gia đình xung quanh xưởng sản xuất ở Nairobi. Tại Kenya, chỉ có 42% dân số có cơ hội tiếp xúc với Internet. Bởi vậy, giấy báo vẫn là phương tiện cung cấp thông tin chính được người dân sử dụng.

“Nguyên vật liệu mà chúng tôi cần có mặt ở khắp mọi nơi.”

Mahamud Omari, một trong hai nhà sáng lập của Momo nói.

Quy trình để làm ra một chiếc bút chì từ giấy báo phải trải qua chín bước, bắt đầu bằng việc cắt một tờ báo lớn làm ba phần. Mỗi phần nhỏ tương đương với một chiếc bút. Các công nhân sau đó sẽ dùng keo dán gỗ để cố định phần vỏ giấy với ruột bút chì. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo cao vì nếu bôi quá nhiều keo, thành phẩm thu được sẽ rất lâu khô.

Tiếp theo, bút được đưa qua máy cuộn tạo hình và phơi nắng trong vòng một tuần trước khi công nhân tiến hành cắt, điều chỉnh kích thước của chúng sao cho đều nhau. Mọi công đoạn trên đều được thực hiện thủ công bằng tay, từng chiếc một. Cuối cùng, để hoàn thành, chúng phải đi qua một máy in hoa văn tự động với tốc độ in 700 chiếc trong vòng nửa phút.

“Chiếc máy này rất đắt, nó có giá 18,000 đô la, nhưng có thể giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian với công đoạn phức tạp nhất. Nhờ nó mà từ con số 500 chiếc, hiện tại chúng tôi đã có thể sản xuất được 100,000 chiếc một ngày.”

Rashid Omari cho biết.

Hàng năm, công ty quyên góp hơn 3,000 chiếc bút chì làm từ giấy cho trẻ em tại các vùng quê và hướng tới mục tiêu giúp 1 triệu trẻ em có bút chì miễn phí để đi học.

Tuy nhiên, anh em nhà Omari cho biết rất khó để đạt được mục tiêu đó vì chi phí sản xuất mỗi chiếc bút là khá cao. Chi phí lớn nhất họ phải bỏ ra là tiền lương cho các nhân viên. Vì mọi công đoạn đều được làm thủ công, số lượng nhân viên cần thuê là rất lớn. Trong khi đó, mức lương của mỗi nhân viên hàng ngày là l5 đô la, cao hơn gấp 3 lần so với mức lương tối thiểu tại Kenya.

Mặc dù vậy, kể từ khi thành lập đến nay, công ty đã giúp cắt giảm 14 tỷ chiếc bút chì gỗ được sản xuất mới, tương đương với 82,000 cây gỗ bị đốn hạ hàng năm. Đồng thời cũng tiết kiệm được một lượng báo giấy lớn có thể phải kết thúc vòng đời ngoài các bãi rác.

Hiện tại, vì công ty còn khá nhỏ, hai anh em nhà Omari đang cố gắng hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô và thực hiện nhiều ý tưởng tái chế khác có ý nghĩa hơn.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.