• Về đầu trang
Mòe một mẩu
Mòe một mẩu

Thịt rừng _ “đặc sản” hay “độc sản”?

Môi trường

Trước khi vào vấn đề chính hãy để tôi kể cho mọi người nghe một câu chuyện: Bố mẹ đứa bạn của tôi vào Đăk Nông làm ăn đến nay đã là 25 năm. Ở vùng đất Đăk Nông với tài nguyên rừng phong phú này, việc tìm thấy một món đặc sản thú rừng không phải là chuyện gì quá khó khăn, và tôi nhớ có lần bố nó đã kể cho chúng tôi nghe về một món đặc sản mà nghĩ đến thôi cũng đã thấy rùng mình, đó là món óc khỉ hay còn gọi là hầu não.

“Chắc có khi phải từ 10 năm trước rồi, hồi đấy chú được mấy ông bạn nhậu mời đi ăn đặc sản, nghe nói món này vừa ngon vừa bổ, thần dược đấy. Gặng hỏi ra thì mấy ông ấy bảo là óc khỉ. Mà mấy đứa biết món đó ăn sao không? Người ta nhốt con khỉ sống lại, nhét đầu nó vào một cái lỗ trên bàn rồi chém xoẹt một cái để lộ bộ óc ra, đấy, rồi xúc ăn trực tiếp luôn. Ghê quá mà sao người ta nói ăn vậy vừa đỡ tanh vừa bổ. Chú từ chối thẳng, nghĩ sao lại đi ăn uống kiểu tàn nhẫn vậy. Nghiệp lắm. Mà bây giờ món đó có khi cũng hết rồi, mấy ai dám ăn đâu. Lần thứ hai chú được mời đi ăn thịt khỉ là tầm năm 2018-2019 gì đó, mới gần đây thôi, mà chú cũng từ chối luôn. Nhìn nó giống con người vậy, ăn không trôi.”

Nghe xong hai đứa chúng tôi đều rùng mình, sau đó cũng tò mò đi tra Google thử xem món đặc sản đó ra sao. Ám ảnh thực sự. 

Nguồn ảnh: BBC News Tiếng Việt

Thịt thú rừng từ lâu vẫn là nguồn thức ăn chính của người dân những khu vực sinh sống theo lối săn bắt, hái lượm. Rồi dần dần nhờ những công dụng được “thần thánh hóa”, chúng bỗng nhiên được giá và biến thành đặc sản, thần dược đắt xắt ra miếng. Nghe nói ăn thịt con này nâng cao sức khỏe, chữa được cả bệnh nan y, nghe nói ăn thịt con kia đầu năm là cả năm may mắn lắm, rồi là thịt thú rừng “ngon lạ”… Có vô số những lý do như thế khiến người ta sẵn sàng bỏ ra một khoản không nhỏ để được thưởng thức những món ăn mang danh đặc sản thú rừng ngon, độc, lạ. Nhưng công dụng chưa thấy đâu thì đã thấy kéo theo đó không ít những hệ lụy khôn lường. Dẫn chứng cụ thể từ món óc khỉ bên trên, người ta cứ truyền tai nhau nào là có tác dụng bổ thần kinh, trị bại liệt, nào là bổ thận hay thần dược cải thiện sắc đẹp. Vậy mà theo khoa học kiểm chứng, món đặc sản óc khỉ này lại hại nhiều hơn lợi.

Đầu tiên, óc của các loài linh trưởng chứa hàm lượng cholesterol rất cao, thúc đẩy những biến chứng xấu của các bệnh tim mạch, gout, viêm tụy, viêm túi mật, …

Thứ hai, bởi vì chúng là động vật hoang dã sống trong môi trường tự nhiên, thậm chí một số loài như tê tê, dúi, cầy hương,… còn chui rúc trong các hang ổ ẩm thấp, nên bản thân chúng đã mang trong mình đầy rẫy những loại virus nguy hiểm. Đã có rất nhiều trường hợp trên toàn thế giới sau khi ăn thịt khỉ nói riêng, thịt động vật hoang dã nói chung tử vong vì mắc phải những bệnh truyền nhiễm như HIV, SARS, EBOLA, hay bệnh dại... Mà nói đâu xa, đại dịch Covid-19 đang hoành hành ngay lúc này đây cũng được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã đấy thôi.

Thêm nữa, thịt rừng ở Việt Nam thường không thể xác định được nguồn gốc, chúng được dân buôn thu gom, vận chuyển trái phép từ rất nhiều nguồn, sau đó bảo quản trong tủ đá, ngâm trong hóa chất vài ngày trước khi lên bàn ăn phục vụ thực khách. Đến các loại thịt như bò, lợn, gà chúng ta ăn hàng ngày đã qua kiểm nghiệm chất lượng rõ ràng nhiều khi còn mang mầm bệnh, thì ai là người sẽ đảm bảo thịt thú rừng buôn bán trái phép có đủ tiêu chuẩn để không gây hại đến con người? Đấy là còn chưa kể đến những vấn đề về nhân đạo hay mất cân bằng sinh thái khi số lượng động vật hoang dã bị săn bắt quá mức.  

Nguồn ảnh: BBC News Tiếng Việt

Mặc kệ báo đài và các cơ quan tổ chức ra sức kêu gọi dừng sử dụng các sản phẩm từ thú rừng, mặc kệ cả Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ đưa ra nhằm nghiêm cấm tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã trái phép, chỉ cần tôi chưa nhìn thấy hậu quả, tôi vẫn sẽ ăn và vì ông muốn ăn nên tôi vẫn sẽ bán.  

Thịt thú rừng không phải là đặc sản, nó chỉ là thịt từ những loài động vật sống hoang dã chứa đầy mầm bệnh mà thôi. Vì vậy, trước khi có ý định thưởng thức một món thịt rừng nào đấy, hãy thử nghĩ xem liệu cái giá bạn phải trả sau đó có đáng để đổi lấy một bữa đặc sản thú rừng hay không? Và nếu bạn cảm thấy các vấn đề về môi trường là quá lớn lao với một cá nhân nhỏ bé thì việc nói không với đặc sản thú rừng đã là cách đơn giản nhất bạn có thể làm để bảo vệ trái đất xinh đẹp này rồi đấy.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.