• Về đầu trang
Treng
Treng

Đèn Tiffany - Mẫu đèn của giới quý tộc với những thiết kế mang tính biểu tượng

Nghệ thuật

Nhắc đến thương hiệu Tiffany Studios là người ta thường nhớ tới những chiếc đèn kính màu. Kể từ năm 1895, đèn Tiffany trở thành sản phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới với thiết kế sang trọng, tinh xảo đến từng chi tiết. Giá trị của những chiếc đèn này dao động từ 4.000 USD đến hơn 1.000.000 USD. Đặc biệt, chiếc đèn Pink Lotus (Sen Hồng) của Tiffany đã được bán với giá 2.800.000 USD trong một buổi đấu giá vào tháng 12/1997 ở New York. Điều này đã khiến nó trở thành chiếc đèn đắt nhất thế giới.

Đèn Pink Lotus (Sen Hồng)

Điều gì đã khiến những chiếc đèn Tiffany trở nên đắt đỏ như vậy? Những chiếc đèn này không được sản xuất theo dây chuyền với một khuôn mẫu cố định. Thay vào đó, mỗi tác phẩm đều được làm bằng thủ công bởi các nghệ nhân lành nghề. Vì vậy, mỗi chiếc đèn Tiffany đều sở hữu thiết kế độc đáo, chúng chính là những phiên bản độc nhất vô nhị.

Trong hơn 100 năm, đèn Tiffany đã toả ra ánh sáng mê hoặc, rực rỡ và trở thành biểu tượng của nghệ thuật trang trí. Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện đằng sau những chiếc đèn của giới quý tộc này.

Sinh năm 1848 tại thành phố New York, Louis Comfort Tiffany lớn lên trong một gia đình chuyên kinh doanh về thiết kế và nghệ thuật trang trí. Cha của ông, Charles Lewis Tiffany chính là người sáng lập thương hiệu trang sức đẳng cấp thế giới Tiffany & Company. Ban đầu, Louis Comfort Tiffany theo đuổi ngành hội hoạ. Sau chuyến thăm Bảo tàng Victoria và Albert ở London, ông bắt đầu chuyển sang làm kính. Chính bộ sưu tập kính màu tuyệt đẹp thời La Mã cổ đại ở bảo tàng đã truyền cảm hứng cho Louis Comfort Tiffany mở ra một con đường mới.

Đèn Peacock (Con Công)

Do niềm đam mê đối với kính màu nghệ thuật, Louis Comfort Tiffany đã thành lập một công ty thiết kế nội thất ở Queens, New York. Ông đã cho ra mắt bộ sưu tập cửa sổ kính màu và ngay lập tức nhận được sự tán thưởng của giới mộ điệu nghệ thuật. Khách hàng của Louis Comfort Tiffany đều là các chính trị gia nổi tiếng và giới quý tộc. Do sự thành công vượt bậc của các sản phẩm kính màu, ông đã quyết định thành lập thêm Công ty Trang trí và Thuỷ tinh Tiffany.

Đèn Poppy (Hoa Anh Túc)

Khi Louis Comfort Tiffany tập trung sản xuất đèn kính màu, ông đã thuê một số nghệ nhân giỏi nhất ở Hoa Kỳ. Năm 1902, Công ty Trang trí và Thuỷ tinh Tiffany đổi tên thành Tiffany Studios. Công ty trở nên nổi tiếng vì các sản phẩm đèn kính màu độc đáo.

Đèn Tiffany bao gồm hai bộ phận là chao đèn và chân đèn. Chao đèn của Tiffany Studios là sự kết hợp của hàng nghìn mảnh kính màu khác nhau. Không chỉ sở hữu những hoa văn tinh xảo trong từng đường nét, các chao đèn còn có màu sắc hài hoà, lôi cuốn. Hoa văn phức tạp được lấy cảm hứng từ động vậtthực vật, trong đó những hình ảnh hoa cúc, chuồn chuồn được sử dụng nhiều nhất.

Chân đèn thường được đúc bằng đồng và được thiết kế riêng cho từng mẫu chao đèn. Thời kỳ đó, đèn Tiffany được coi là loại đèn tốt nhất, đắt đỏ nhất thế giới. Sau này, nó trở thành tên gọi chung cho bất kỳ loại đèn kính màu nào, kể cả những sản phẩm không được sản xuất bởi Tiffany Studios.

Đèn Peony (Hoa Mẫu Đơn)

Trong hơn một thế kỷ, nhiều người đã tin rằng chính Louis Comfort Tiffany là cha đẻ của tất cả các đèn kính màu. Nhưng hoá ra ông không phải là người duy nhất đứng sau các thiết kế mang tính biểu tượng này. Người đứng đầu bộ phận cắt kính của Tiffany Studios là Clara Driscoll được cho là đã thiết kế hơn 30 chiếc đèn kính màu.

Đèn Cobweb (Mạng Nhện)
Đèn Brown Dragonfly (Chuồn Chuồn Nâu)

Những chiếc đèn của Tiffany Studios phát triển mạnh ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu khác như Đức, Áo và Hungary. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty của Louis Comfort Tiffany đã thuê hơn 300 nghệ nhân. Để xâm nhập thị trường Pháp, Tiffany Studios đã hợp tác với Siegfried Bing, một nhà môi giới nghệ thuật có trụ sở đặt tại Paris.

Tuy nhiên, sau đó những chiếc đèn kính màu dần bị lỗi mốt ở châu Âu. Thay vào đó, những chiếc đèn thuỷ tinh đơn giản, thanh lịch được ưa chuộng hơn. Cuối cùng vào năm 1913, Tiffany Studios tuyên bố ngừng sản xuất loại đèn kính màu đặc trưng của mình.

Mẫu đèn Wisteria (Hoa Tử Đằng)
Đèn Daffodil (Hoa Thuỷ Tiên Vàng)

Ngày nay, những chiếc đèn kính màu chỉ xuất hiện trong các bảo tàng danh giá hoặc thuộc sở hữu của giới quý tộc hay nhà sưu tầm giàu có. Giống như những bức tranh hay các kiệt tác điêu khắc, mỗi chiếc đèn Tiffany được coi là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính vẻ đẹp tinh xảo, cầu kỳ đã khiến những chiếc đèn này có giá cao ngất ngưởng, mỗi sản phẩm đáng giá cả một gia tài.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.