• Về đầu trang
Lê Sông
Lê Sông

Người đời xem Trương Quốc Vinh là huyền thoại mà quên mất Tôn Long cũng là 'cực phẩm nhân gian'

Nghệ thuật

Madame Butterfly vs. Bá Vương Biệt Cơ, Tôn Long vs. Trương Quốc Vinh

Năm 1993, đạo diễn Trung Quốc Trần Khải Ca cho ra mắt bộ phim Bá Vương Biệt Cơ. Thật trùng hợp vì năm đó, bộ phim Madame Butterfly của đạo diễn David Cronenberg (người nổi tiếng với thể loại kinh dị) cũng ra rạp, cả hai đều chọn đề tài đồng tính và cùng khai thác chất liệu Kinh Kịch, bộ môn nghệ thuật cổ điển Trung Quốc.

ton_long_truong_quoc_vinh_ba_vuong_biet_co_madame_butterfly

Tôn Long trong vai Tống Lệ Linh, Trương Quốc Vinh trong vai Trình Điệp Y (Nguồn ảnh: tumblr)

Nhân vật mà hai tài tử Hong Kong thủ vai có nhiều điểm tương đồng, đều là diễn viên Kinh Kịch sống dưới thời Dân Quốc, đem lòng yêu một người đàn ông "thẳng".

Điều thú vị là có những nguồn tin trái ngược, cho biết Trần Khải Ca từng muốn Tôn Long vào vai Trình Điệp Y nhưng cuối cùng Leslie Cheung - Trương Quốc Vinh đã nhận vai ấy. Một nguồn tin khác cho biết David Cronenberg mời Trương Quốc Vinh đóng phim của mình, nhưng bởi sự tương đồng của hai nhân vật Tống Lệ Linh, Trình Điệp Y là quá lớn nên Trương Quốc Vinh từ chối.

Ba_vuong_biet_co_Truong_Quoc_Vinh

Trình Điệp Y của Trương Quốc Vinh đã trở thành một huyền thoại (Nguồn ảnh: Tumblr)

Madame_Butterfly_John_Lone

…nhưng vai diễn của Tôn Long trong Madame Butterfly cũng vô cùng xuất sắc (Nguồn ảnh: weitushe)

Dù nguồn tin nào là thật, điều người viết cảm thấy may mắn là Tôn Long hay Trương Quốc Vinh đã không một tay “thầu” hết hai vai, nên khán giả chúng ta mới có cơ hội được ngắm hai anh “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.

Madame_Butterfly_John_Lone_2

Tống Lệ Linh là điệp viên cải nữ trang (Nguồn ảnh: weitushe)

Nếu mang lên bàn cân so sánh, cá nhân người viết cảm thấy Trình Điệp Y hơn Tống Lệ Linh một vài tầng chiều sâu nội tại. Nói vậy không phải chê Tôn Long không sánh bằng Trương Quốc Vinh, bởi vì Tôn Long đi vào huyền thoại ngành giải trí không chỉ bằng vai diễn này mà còn ở nhiều điều khác. Đơn cử như vai nam chính giúp anh trở thành diễn viên Hoa ngữ đầu tiên được đề cử Quả Cầu Vàng trong The Last Emperor. Khán giả Việt Nam biết tới Tôn Long nhiều nhất có lẽ cũng qua vai diễn này.

The_Last_Emperor_John_Lone

Tôn Long trong vai Phổ Nghi cùng bạn diễn Trần Xung, phim The Last Emperor, năm 1987( nguồn ảnh: Filmstruck)

Thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước là thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong, với những Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Lê Minh…

Là người cùng thời, Tôn Long lại lựa chọn đường đi khác với các bạn đồng nghiệp của mình, anh đã sớm đến Mỹ lập nghiệp từ những năm 70, thời điểm mà các siêu sao quốc tế người Hoa như Thành Long, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di… vẫn chưa xuất hiện. Tôn Long là ngôi sao điện ảnh người Hoa thứ hai được phương Tây công nhận sau Lí Tiểu Long.

Năm 1987 được coi là đỉnh cao sự nghiệp của nam diễn viên khi bộ phim The Last Emperor do anh thủ vai chính đoạt 9 giải Oscar.

John_Lone_Joan_Chen_Oscar

Tôn Long cùng bạn diễn Trần Xung dẫn chương trình Oscar năm 1987 (Nguồn ảnh: weitushe)

Trên đỉnh cao danh vọng, Tôn Long trở thành nam diễn viên người Hoa duy nhất hai lần được đề cử giải Quả Cầu Vàng, nam diễn viên người Hoa đầu tiên nhận đề cử Oscar, nam diễn viên người Hoa đầu tiên được tạp chí People đưa vào danh sách “50 most beautiful people in the world”; nhân vật đại diện người Hoa đầu tiên trong lịch sử của nhãn hiệu đồng hồ Rolex…

John_Lone_People_Magazine

(Nguồn ảnh: imdb)

Ngoài thành công trong điện ảnh, anh còn tỏ ra đa tài trên nhiều lĩnh vực, từ biên kịch, biên đạo múa, cho tới sáng tác nhạc… Liên tiếp hai lần liền, Tôn Long nhận giải thưởng nam chính xuất sắc nhất tại Obie Award, một giải thưởng danh tiếng về sân khấu của Mỹ.

John_Lone_Japanese_show

Tôn Long lên truyền hình Nhật Bản, rất ít nghệ sĩ người Hoa có thể nổi tiếng ở Nhật Bản (Nguồn ảnh: weitushe)

Thành công bắt đầu bằng nghịch cảnh

“Khi ra đời tôi chẳng có gì cả, trần truồng nằm trong chiếc giỏ đặt bên vệ đường.”

John_Lone_2

(Nguồn ảnh: pinterest)

Năm 1952, Tôn Long ra đời tại Hong Kong trong danh phận cô nhi, cha mẹ sớm đã vứt bỏ anh. Sau này cậu bé tội nghiệp được một người phụ nữ tàn tật nhận nuôi, nguyên do là thời ấy nhận nuôi trẻ nhỏ có thể lấy trợ cấp từ chính phủ.

John_Lone_11

(Nguồn ảnh: pinterest)

Dù may mắn được nhận nuôi, cuộc sống của Tôn Long cũng kém hơn người bình thường rất nhiều. Mẹ nuôi của anh tính tình quái dị, thường hay đánh mắng anh. Gia cảnh nghèo khó, hồi nhỏ Tôn Long chưa từng được ăn thịt, lớn lên chỉ bằng cơm thừa hay bánh mì cũ mà thôi.

John_Lone_4

(Nguồn ảnh: pinterest)

Không những thế, Tôn Long còn phải đối diện với nỗi lo sợ bị bỏ rơi lần nữa. Được biết có một lần mẹ nuôi mang Tôn Long ra bến xe, định bỏ cậu bé ở đó. Hai người nhìn nhau hồi lâu, cuối cùng, bà mẹ lại đưa Tôn Long về nhà.

Những trải nghiệm thời nhỏ gây ảnh hưởng lớn tới tính cách Tôn Long sau này. Anh là người cực kỳ nhạy cảm, thiếu cảm giác an toàn. “Tôi không giỏi ứng xử cho lắm. Tôi không có gia đình, không có bố mẹ, không có tên, không được đi học, không có tuổi thơ. Quan hệ giữa người với người tôi không hiểu cho lắm.”

John_Lone_Zhang_Ji_Yi_Rush_Hour_2

Tôn Long và Chương Tử Di trong Rush Hour 2 (Nguồn ảnh: Mubi)

Có lẽ chính vì tay trắng hoàn toàn, nên Tôn Long rất chịu khó, dám chịu khổ. Năm lên 10 tuổi, anh được đưa vào đoàn kịch Xuân Thu học Kinh Kịch. Từ đó chỗ ăn chỗ ngủ không cần lo lắng, việc học hát cũng đặt nền móng rất lớn cho thành công sau này của nam diễn viên, nhưng cuộc sống trong đoàn kịch cực kỳ khổ sở.

John_Lone_5

(Nguồn ảnh: weitushe)

Anh luôn phải dậy từ 6 giờ sáng mỗi ngày, làm vệ sinh cá nhân xong là bắt đầu tập luyện. Việc luyện tập vô cùng khắt khe, mỗi lần trồng chuối ít nhất nửa tiếng, mặt sàn tập lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Cứ thế luyện tới mười giờ đêm mới đi ngủ, ngày qua ngày, ngoài tập luyện không được có hoạt động nào khác, không có thời gian học, giải trí hay nói chuyện riêng.

John_Lone_6

(Nguồn ảnh: pinterest)

Trong đám trẻ em học hát, Tôn Long lại là đối tượng bị bắt nạt, thường phải nghe người ta mắng là “đồ con hoang”. Có một lần bị đánh thương nặng, vết thương quá lớn máu chảy không cầm được, không có tiền đi bác sĩ, Tôn Long phải nhờ người thợ may khâu cho mình 8 mũi.

Tôn Long từng nói, nếu có con chắc chắn anh không để con mình đến đoàn kịch nữa.

John_Lone_The_Shadow

Tôn Long thủ vai Shiwan Khan trong bộ phim siêu anh hùng The Shadow (1993) (Nguồn ảnh: Virtual History)

Buồn bã trong danh vọng, tha thứ cho mẹ nuôi

Dù đã đạt tới đỉnh cao danh vọng, Tôn Long vẫn vô cùng cô đơn. Đó là điều dễ hiểu, với một người nổi tiếng, nhất là người nổi tiếng từng trải qua nhiều sóng gió ngay từ thuở nhỏ như vậy.

John_Lone_Jackie_Chan

Tôn Long và Thành Long (Nguồn ảnh: pinterest)

Anh nói:

“Mỗi khi về khách sạn, tôi chỉ có một mình, không có ai đợi tôi về, không có ai để gọi điện. Cho dù nhận giải thưởng, cũng chỉ có thể tự ngắm một mình, không biết khoe ai.

Không có cha mẹ, nên tôi học cách làm bạn với bản thân, học cách tự làm cha làm mẹ của mình.”

John_Lone_8

(Nguồn ảnh: jammyfm)

Tôn Long đã trở thành một nhân cách độc đáo như vậy đó. Anh như một đứa trẻ con giữa thế giới người lớn, trước khi hút thuốc phải xin mọi người đồng ý, lại còn cẩn thận nhắc người quản lí nằm phòng kế bên ngủ nhớ đóng cửa, kẻo phải gió. Nhưng anh cũng rất trưởng thành, luôn khước từ mọi cuộc vui của ngành giải trí, bởi anh nói điện ảnh đối với mình là điều thiêng liêng, các hoạt động không liên quan đến điện ảnh, anh sẽ không đi.

John_Lone_9

(Nguồn ảnh: weitushe)

“Tôi cảm thấy thành tựu lớn nhất của mình không phải là sự nghiệp, mà là việc tôi đã khóc vì mẹ nuôi của tôi. Có một lần tôi trở về Hong Kong tìm bà ấy, khi gặp bà tôi không khóc, vì trong lòng vẫn còn oán giận.

Mẹ nuôi tôi răng đã rụng hết không còn cái nào, sống mà ăn không ngon còn gì là sống. Khi về đến khách sạn, tôi khóc. Tôi đưa tiền cho bà đi làm răng, bà nói thôi, đắt lắm. Tôi bảo không sao, ăn được thêm tuần nào tháng nào, hay tuần đó tháng đó. Tôi nghĩ mình không khoan dung với cuộc đời, cũng có nghĩa là không khoan dung với chính mình.”

Không trả thù người đã làm khổ mình, mà ghi nhớ ơn dưỡng dục, cưu mang mẹ nuôi lúc về già, đó là Tôn Long.

John_Lone_10

(Nguồn ảnh: imdb)

“Những người có vẻ hung dữ, hay oán trách, lại là người cần được vỗ về, yêu thương, mong được kẻ khác đón nhận.

Nhưng những người đó sẽ không bao giờ giành giật, đòi hỏi, bởi họ không hiểu nhu cầu của chính mình. Tôi trước đây chính là như vậy.”

Ngày 28 tháng 11 năm nay Facebook lan truyền tin đồn nam diễn viên qua đời và ngay lập tức có hàng triệu fan bày tỏ sự thương tiếc về cái chết của tài tử 66 tuổi. Tuy nhiên đây chỉ là tin đồn thất thiệt, chiều ngày 29 tháng 11 Tôn Long đã phải lên tiếng xác nhận mình chưa chết.

Tôn Long từng có một đời vợ, hiện định cư tại Canada. Vấn đề là, tin đồn giả tạo được đăng ngẫu nhiên trên cho thấy dù không còn xuất hiện nhiều, Tôn Long vẫn luôn được nhớ đến.

John_Lone_11

(Nguồn ảnh: weitushe)

Mặc dù có thể quay lại Trung Quốc kiếm nhiều tiền và nhiều danh vọng hơn nữa, nhưng Tôn Long chọn cách ở ẩn. Anh nói mình không tham tiền, không kiêu ngạo về quá khứ, không muốn biến thành một chiếc bình rỗng tuếch.

Trong làng showbiz Hoa ngữ đầy thị phi, Tôn Long là một nghệ sĩ có nhân cách thú vị, thanh cao, không tham vọng và đời tư hoàn toàn trong sạch hiếm có như vậy đấy.

Theo: weitushe
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.