• Về đầu trang
Trứng chim
Trứng chim

Ngồi vắt chân có khiến bạn trở nên thiếu nam tính?

Anh em

Từ khi nhớ được mọi thứ xung quanh, tôi đã ngồi vắt chân. Đây không phải là một tuyên bố gây sốc gì, bởi vì tôi không phải là người nổi tiếng, và cũng chẳng phải tin tức nóng hổi hay một status hay ho. Đây chỉ là một thứ gì đó đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi khi tôi đọc những câu chuyện về giới tính, về tình dục, về tính nam độc hại (tính nam độc hại là những đặc tính tiêu cực mà xã hội gán cho đàn ông như hung hãn, vô tâm, trăng hoa, vv..., theo NYNO) và về sức mạnh, chính trị ở Mỹ.

vc

Khi còn là một cậu bé lớn lên ở Louisiana, tôi đã nghiên cứu những cuốn sách về nghệ thuật, lịch sử và những tấm ảnh cổ. Trong những tấm ảnh đó, đàn ông, những người ăn mặc chỉn chu và sang trọng, thường hay ngồi vắt chân lên: một chân thả lỏng vắt lên phần đùi và đầu gối của chân còn lại, một bàn chân lơ lửng với mũi giày tạo thành góc hơi hướng vào trong, như chiếc cổ của một con vật tràn đầy sự tò mò.

Tôi là một đứa trẻ da đen lập dị luôn cố gắng tìm kiếm cảm giác được xem trọng khi ở trong một môi trường không mấy thân thiện. Vì làm thế, tôi sẽ cảm thấy thỏa mãn. Tôi không cần phải ngồi với đôi chân dang rộng, rồi đụng vào những thứ xung quanh, như hầu hết những người đàn ông mà tôi thấy, họ luôn cần nhiều không gian cho việc này. Bắt chéo chân không phải chỉ dành cho phụ nữ. Tôi, có thể làm thế, với một tâm thái tự tin, đắm chìm trong cái ánh sáng đầy tao nhã cùng một ly Bourbon.

Tôi nghĩ rằng mình chỉ là đang học theo những người đàn ông trong mấy tấm ảnh. Nhưng vào những năm 1980, khi học trung học, tôi nhận ra rằng không phải mình đang cố gắng trở thành một người sang trọng hay vương giả. Tôi bắt chéo chân vì tôi cố gắng thu mình lại, cố gắng làm sự hiện diện của tôi trở nên nhỏ hơn so với những gì mà cơ thể cao lớn, gầy gò, nhưng duyên dáng của tôi cần. Nhiều nhất có thể!

Tôi thấy hình ảnh chính mình ngồi trên những chiếc bàn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái ở trường, liên tục nhắc nhở bản thân không được vắt chân và rồi lại vắt chân lên theo bản năng vài giây ngay sau đó. Với sự thay đổi liên tục ở chỗ ngồi của mình, mọi người hẳn sẽ nghĩ tôi đang bị chuột rút, hay co thắt cơ bắp, hay đang nhún nhảy một điệu nhảy dở dang chưa kịp hoàn thành.

Đây như là một thói quen nhỏ cần phải bỏ, một sự điều chỉnh nhỏ thôi nhưng sẽ giúp tôi nhìn không giống như thành viên sáng lập của Hội Những người Đồng tính Mỹ tương lai nữa. Nhưng trở thành một người khép kín có vẻ là con đường an toàn hơn, nên tôi lại vắt chân. Theo một cách nào đó, tôi dường như rất cố chấp với việc này. Với nỗ lực thu nhỏ mình lại, tôi trở thành một con người bí ẩn, vì thế mọi người nghĩ tôi là một người mạnh mẽ.

Nhưng có lẽ việc ngồi vắt chân của tôi thời đó còn ít được xem như là một hành động ẻo lả và ít được chú ý hơn khi so sánh với cách mà tôi cầm những cuốn sách. Mấy đứa con trai ở cái trường học bảo thủ của tôi lúc nào cũng cầm sách của chúng (đôi khi hẳn ba, bốn quyển) trên tay, vung vẩy ngang hông, bước đi chậm chạp nam tính.

Vào thời điểm đó, sự chậm rãi này được xem là nhịp điệu tuyệt nhất. Tất nhiên tôi cũng có thể cầm chừng đó cuốn sách, nhưng tôi không vung vẩy như thế, tôi sẽ ôm chúng vào ngực, như một cách để bảo vệ kiến thức của mình, đồng thời tiện thể bảo vệ luôn các cơ quan nội tạng của tôi.

Tôi đã từng thử cầm sách như những đứa con trai còn lại, cố gắng làm những việc “được cho rằng” sẽ giúp tôi nam tính hơn, ít “ẻo lả” hơn, ít “châu Âu” hơn, nhưng cho dù tôi tham dự tất cả các buổi tập tennis trên thế giới này thì cổ tay tôi cũng không thể khỏe như thế. Tôi là một tập hợp lỗi biết đi. Sự chuyển động tiêu chuẩn đó không hợp với tôi. Việc đó không hề thoải mái hay trôi chảy. Chuột rút luôn xảy ra.

Bây giờ nghĩ lại, có lẽ tôi chính là ví dụ điển hình của cụm từ “limp wrist” (tạm dịch “cổ tay yếu đuối”). Một cậu bé người da đen có thể vượt qua nhiều thứ, nhưng đi lại với “limp wrist” thì không. Điều đó chỉ dành riêng cho phụ nữ.

vc1

“limp wrist”

Tất nhiên, trừ khi bạn là một động viên bóng rổ. Trên sân bóng rổ, tất cả các vận động viên đều có “limp wrist”, không chỉ để ghi bàn mà còn là để bảo vệ sân nhà. Nhưng những anh chàng này chưa bao giờ được xem là thiếu nam tính. Không chàng trai nào “thiếu nam tính” khi đi cùng trái bóng cả.

Mặc dù đã có rất nhiều thay đổi từ so với những ngày tôi còn đi học: những buổi hẹn hò đồng giới, kết hôn đồng giới,... nhưng tôi biết rằng ở đâu đó ngoài kia, có một chàng trai vẫn luôn cố gắng để ngồi mà không vắt chân, cố gắng để giấu đi một phần chính mình, cố gắng để không thu hút sự chú ý.

Có lẽ thay vì cầm những cuốn sách trong tay, cậu chàng có thể mang chúng đến buổi đấu loại Michael Kors nổi tiếng toàn cầu (tại sao phải là buổi đấu loại với Michael Kors? Vì trai trẻ ngày nay đắt giá hơn trước kia nhiều).

Ở đó, cậu sẽ nhắc nhở bản thân phải luôn giữ bàn tay mình rủ xuống. Còn tôi, tôi chỉ muốn hét lên với cậu ta rằng: “Cứ đi với cánh tay hếch lên như thế, cứ để cái khuỷu tay vậy đi! Làm thế thoải mái hơn, và nói thẳng là nó thiết thực hơn. Vì thế phụ nữ mới làm thế! Học theo đi và học cho tốt vào!”

Ở một nền văn hóa khác, là điều bình thường khi những chàng trai trẻ nắm tay nhau đi trên đường, ngồi vào lòng nhau hay ngồi vắt chân lên. Đây không phải là về giới tính, nó thiên về tình cảm, gia đình và những thứ tương tự thế nhiều hơn.

vc

Nhưng khi đi du lịch hay sống ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng thông qua mạng xã hội và internet, nền văn hóa Mỹ đã xâm nhập, thậm chí là chiếm đóng những nền văn hóa khác.

Những chàng trai đồng tính ở tầng lớp trung lưu đến từ Trung Quốc hay châu Phi, họ đã có một thời gầy gò nhưng nay họ tham gia vào các phòng tập gym mới mở theo phong cách phương Tây, uống protein để trở nên vạm vỡ hơn, nam tính hơn và gây ham muốn hơn. Hiện nay, tương tự như ở Mỹ, những profile của mấy chàng gay ở những đất nước này bắt đầu có những nội dung như “Không có mỡ và không nữ tính.”

Theo một cách nào đó, những chàng trai này đang làm y hệt những gì tôi đã làm khi còn đi học, vắt chân lên rồi lại hạ chân xuống. Bọn họ đang cố gắng hòa nhập, hòa tan, và ở mức độ nào đó, thu nhỏ bản thân lại, cho dù họ là những người to lớn. Sự khác nhau ở đây là, cho dù hồi đó chỉ là một đứa trẻ, tôi vẫn biết tại sao tôi làm như vậy. Tôi chỉ tự hỏi những chàng trai này có biết điều đó không?

Đàn ông, dù gay hay thẳng, chúng tôi cũng đã công khai (ừ thì, ít nhất là một số trong chúng tôi) cùng với những bộ quần áo của mình. Chúng tôi sống như những người metrosexual. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức để tìm ra dấu chân của mình, như những người đàn ông, đi thẳng với đầu luôn hướng về phía mặt trời, tìm kiếm ánh sáng tốt nhất cho bức ảnh selfie mà chúng tôi có thể sẽ bị xúc phạm nếu đăng nó lên.

vc3

Một ví dụ của metrosexual, những đàn ông dị tính luyến ái nhưng rất quan trọng hóa chăm chút ngoại hình của mình.

Mỗi lần như vậy, tôi sẽ thấy một cậu bé ngồi đó, công khai, vắt chân lên. Cậu ấy sẽ ăn mặc chỉn chu, nhưng sẽ là một người dè dặt, ngồi gần những người trưởng thành và cách xa lũ trẻ. Cậu sẽ đọc sách hoặc vẽ vời thay vì chạy nhảy xung quanh. Tôi sẽ luôn mỉm cười, bởi hình ảnh đó khiến tôi nghĩ đến cậu bé trong mình, và cũng vì đó là một cảnh tượng khá kì dị. Đúng vậy, nó kì dị. Buồn thay là điều này nổi bật vì nó kì dị và không phải là một điều gì đúng đắn.

Nhưng đó chỉ là một đứa trẻ, và cậu bé đang làm những gì một đứa bé nên làm: được tự do khám phá. Tôi có thể tưởng tượng được cảnh những người lớn khác sẽ miêu tả cậu bé như một tâm hồn già dặn hay những gì tương tự thế. Nhưng có một số hẳn sẽ thì thầm sau lưng bố mẹ cậu rằng “thằng bé này lớn lên chắc sẽ là gay.”

Tôi không quan tâm cậu bé là ai hay sẽ trở thành ai, tôi vẫn luôn tận hưởng niềm vui khi nhìn thấy một thứ gì đó quen thuộc, thứ gì đó vui vẻ và nhất quán như hình ảnh một cậu bé ngồi vắt chân cùng mũi giày hếch lên tạo thành một góc như vậy.

Tôi vẫn cao và lêu nghêu, tôi vẫn ngồi vắt chân như vậy. Điều đó khiến tôi cảm thấy thoải mái, và tại thời điểm này, tôi không còn cố gắng để thu nhỏ hay giấu bản thân mình đi nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn thường nhắc nhở mình không được vắt chân lên, tôi phải để hai chân trên sàn, và không được khép chúng lại. Việc này không phải vì tôi lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Chỉ là tôi đã đến cái tuổi mà tôi phải quan tâm đến bản thân và cột sống của mình. Gần đây tôi nhận ra rằng nó đang cong dần.

Bạn thắc mắc tại sao nó lại cong?

Không phải tôi bị bệnh, chỉ là vì tôi đã ngồi vắt chân hàng thập kỉ thôi các bạn.

Theo: the New York Times
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.