• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Đá quý - Ngoài làm đồ trang sức còn vô vàn công dụng bất ngờ

Chị em

Nhắc đến đá quý, chúng ta thường nghĩ đến những món trang sức tinh xảo và đắt tiền. Tuy nhiên, đá quý không chỉ đơn thuần là phụ kiện làm đẹp và tăng giá trị bản thân, nó còn là thành phần trong các sản phẩm dưỡng da, cũng như phương pháp massage da mặt tại nhà.

Thành phần dưỡng da mang tên “đá quý”

Bên cạnh các hoạt chất và thành phần thiên nhiên quen thuộc (trà xanh, nha đam, hoa hồng, muối biển,...), các sản phẩm dưỡng da cũng chứa những thành phần “nghe lạ tai” như chất nhờn của ốc sên, nhau thai cừu, than hoạt tính, men rượu hoặc men bia, nọc ong, và đặc biệt không thể bỏ qua các loại đá quý.

Từ lâu, đá quý đã được ứng dụng trong việc chăm sóc sắc đẹp. Nữ hoàng Cleopatra thả thạch anh hồng vào trong bồn tắm để tăng khả năng chữa lành và chống lão hóa. Người Trung Quốc sử dụng đá quý để cạo gió và giảm các vết bầm. Thậm chí có một số tư liệu ghi chép người Trung Cổ và người Ấn Độ dùng pha lê để dưỡng da.

Một số sản phẩm có thành phần đá quý của hãng Herbivore

Có thể thấy đá quý chẳng phải là bí thuật cao siêu gì hết. Trái lại, nó rất được ưa chuộng, và đến thế kỷ 21, nó đã có mặt trong bảng thành phần của một số sản phẩm như serum, dầu dưỡng, kem dưỡng,...

Vì mỗi loại đá quý sở hữu nguồn năng lượng khác nhau nên công dụng của chúng cũng được cho là không hề giống nhau. Kim cương có tác dụng đào thải độc tố, làm sáng da, thúc đẩy sự tái tạo các tế bào. Thạch anh hồng làm giảm các nếp nhăn và hạn chế quá trình lão hóa. Ruby cải thiện quá trình lưu thông mạch máu và sắc tố da.

Một số đá quý khác cũng được đưa vào sản phẩm dưỡng da như ngọc bích, ngọc lục bảo, lam ngọc, thạch anh tím, thạch anh trắng, đá vỏ chai (hay đá obsidian), v.v...

Phương pháp “Gua Sha” và thanh lăn mặt

Thời đại Đồ đá, con người đã biết dùng đá để xoa bóp những chỗ đau nhức. Sau này đến thời nhà Minh (1368 – 1644) của Trung Quốc, các loại đá quý được đưa vào trong y học cổ truyền.

Đá quý được xem như dụng cụ hỗ trợ lưu thông mạch máu, tác động đến các huyệt trên cơ thể và hệ bạch huyết, giúp người sử dụng sở hữu làn da hồng hào, khỏe mạnh, giảm các cơn đau, viêm và nhức mỏi. Đặc biệt, đá quý có tác dụng đào thải độc tố nên nó cũng được sử dụng trong cạo gió, đánh cảm và phương pháp này được gọi là “Gua Sha”.

Ngày nay, “Gua Sha” được xem là phương pháp massage da mặt. Dụng cụ là những thanh lăn mặt làm bằng đá quý, phổ biến nhất là thạch anh hồng và ngọc bích. Phương pháp này thường được quảng cáo là thúc đẩy sản sinh collagen, tăng cường tuần hoàn máu, tăng độ đàn hồi cho da, cải thiện sắc tố da, đào thải độc tố, giảm thiểu nếp nhăn, ngăn ngừa quá trình lão hóa, v.v...

Thanh lăn mặt bằng đá thạch anh hồng và ngọc bích

Thanh lăn mặt bằng đá quý thường được khuyên sử dụng chung với các sản phẩm dưỡng da như dầu dưỡng, kem dưỡng. Bởi vì sự chuyển động của thanh lăn mặt sẽ tạo ra nguồn nhiệt vừa đủ để làm dẫn xuất đưa các dưỡng chất thẩm thấu nhanh hơn và vào sâu bên trong da. Thanh lăn mặt đá quý rõ ràng tiện lợi và hiệu quả hơn là dùng hai bàn tay, nó cũng an toàn và có tính thẩm mỹ hơn so với các sản phẩm tương tự bằng kim loại.

Để thanh lăn mặt không gây ra các vết bầm nhẹ cũng như phát huy hiệu quả, bạn nên lăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường, cách lăn đúng sẽ là lăn từ dưới lên trên, hướng từ trong ra ngoài và lăn với một lực vừa đủ.

Đá quý gắn liền với thế giới tinh thần

Đá quý được sử dụng trong công nghiệp chăm sóc sắc đẹp còn bởi nó gắn kết với thế giới tinh thần. Con người thường tin rằng đá quý sẽ giúp cân bằng năng lượng thể chất và tinh thần, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, giảm stress, sản sinh những nguồn năng lượng tích cực.

Một trong những cách giải thích phổ biến nhất là 60% cơ thể con người là nước, mà nước là nguyên tố bất ổn định, trong khi đó đá quý có độ cứng nhất định sẽ bù đắp và cân bằng năng lượng. Một quan niệm cổ xưa cũng rất phổ biến suốt hàng nghìn năm qua là mỗi tháng tương ứng với một loại đá khai sinh. Người đeo đá quý theo tháng sinh sẽ được hỗ trợ năng lượng, tinh thần thoải mái, vui vẻ, và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Đá quý được sử dụng trong trị liệu tại spa

Từ thời Cleopatra, thời của những phi tần Trung Hoa, cho đến những ngôi sao showbiz, đá quý vẫn được xem trọng vì nó tác động đến sức khỏe thể chất, cải thiện tinh thần, giải tỏa áp lực.

Là tín đồ của thạch anh, trong nhà của Miranda Kerr trưng bày rất nhiều viên đá này, đặc biệt là thạch anh hồng. Cựu thiên thần Victoria’s Secret cho biết thạch anh hồng mang năng lượng của tình yêu, tình thương nên cô thường thả một viên thạch anh hồng vào trong áo lót để nhắc nhở yêu thương bản thân nhiều hơn.

Trong khi đó, diễn viên Gwyneth Paltrow đặt viên đá quý ở âm đạo vì cô cho rằng nó cải thiện “chuyện giường chiếu” và sinh nở. Một số người nổi tiếng khác cũng tôn thờ đá quý không kém gồm có Victoria Beckham, Adele, Kate Hudson, Katy Perry, chị em nhà Jenner.

“Đá quý liệu có phải là thành phần hay dụng cụ làm đẹp thần thánh?” chắc hẳn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Song ở khía cạnh tinh thần, sức ảnh hưởng của đá quý quả thực không thể xem nhẹ, đặc biệt là khi con người ngày càng coi trọng cân bằng năng lượng, chữa lành và đời sống tinh thần.

Một khi cảm xúc và thế giới nội tâm được bao bọc trong những nguồn năng lượng tích cực và lành mạnh, phái đẹp sẽ luôn thấy mình trẻ trung. Đó chẳng phải chính là “bài thuốc” quý giá nhất để gìn giữ nhan sắc “mãi mãi tuổi 20” đó sao?

Đọc thêm bài: ‘Slow Beauty’: Xu hướng ‘muốn đẹp thì phải từ từ’ có thực sự thích hợp trong thời đại sống nhanh sống vội?

Theo: elle, savoirflair
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.