• Về đầu trang
Lạc Trôi
Lạc Trôi

'Đại tỷ' đường phố Sukeban thập niên 60 - Nỗi khiếp sợ của nam nhi Nhật Bản

Chị em

Mặc dù thuật ngữ này chủ yếu dùng để gọi tên những chị đại lãnh đạo các băng đảng có thành viên toàn là nữ, nhưng suy cho cùng, Sukeban cũng đã góp phần tác động lớn đưa hình ảnh chị đại Nhật Bản đi lên vào thời điểm mà các băng nhóm Yakuza của cánh mày râu đang phát triển mạnh.

sukeban chi dai nu sinh nhat ban 3

(Nguồn: Dazed Digital)

Chính trong thời kỳ sau chiến tranh này, người ta nhận thấy càng có nhiều người Nhật trở nên thẳng thắn và quyết đoán hơn. Sự xuất hiện của nữ yanki (yanki là tên gọi một bộ phận nhóm thanh niên nổi loạn) được cho là kết quả của những lời từ chối từ các nhóm Ya‌k‌uz‌a cho việc chấp nhận phụ nữ làm thành viên.

Các đại tỷ Sukeban thường xuyên góp mặt trong các cuộc chiến tranh giành địa bàn và tham gia vào các nhóm tội phạm nhỏ, thành viên của các băng đảng nữ quyền Sukeban thường tự trang bị lưỡi lam, dao cạo và dây xích giấu dưới chân váy dài.

xa hoi den nu sinh nhat ban thap nien 70

(Nguồn: Next Shark)

Không những thế, các băng nhóm nữ này cũng thường xuyên dính líu tới những vụ trộm cắp tài sản, các vụ đánh nhau bạo lực. Chính vì thế, công chúng Nhật Bản thời bấy giờ xem họ như một mối đe doạ đến an ninh xã hội.

Các chị đại thể hiện sự nổi loạn, tẩy chay kiểu đồng phục nữ sinh có thiết kế như thủy thủ bằng cách mặc những chiếc váy dài khác thường, giày thể thao Converse và khăn quàng cổ, một số cô thậm chí còn cắt áo kiểu để khoe vòng eo, nhằm loại bỏ hoàn toàn cái mác “ngây thơ, đoan trang hiền thục” được gán lên người những nữ sinh Xứ hoa anh đào.

sukeban chi dai nu sinh nhat ban 2

(Nguồn: Dazed Digital)

Mặc dù có phần phản cảm, nhưng đây chính là cách mà các cô gái Nhật Bản thời xưa lên tiếng công bằng cho phái nữ, phản đối việc đóng khung hình ảnh của người con gái. Bên cạnh đó, việc sử dụng vũ khí còn như một phương cách để họ bảo vệ bản thân, đồng thời cũng còn là lời tuyên bố rằng, phụ nữ không phải là món đồ để đàn ông sở hữu.

Các băng đảng Sukeban có một hệ thống phân cấp, giữ vững lòng trung thành mãnh liệt và bên cạnh đó là duy trì một bộ luật công bằng nghiêm ngặt giữa các thành viên.

nhung chi dai nu sinh nhat ban thap nien 70

(Nguồn: Next Shark)

Ví dụ, hình thức dùng điếu thuốc lá đang cháy để đốt da thịt được sử dụng như một hình thức phạt đối với các vi phạm nhỏ, chẳng hạn như cướp bạn trai hoặc không tôn trọng các thành viên khác. Trong khi đó, những vụ vi phạm lớn sẽ áp dụng hình thức xử phạt tư hình.

Đỉnh điểm của sự phát triển thịnh hành Sukeban, người ta ước tính con số thành viên của những nhóm này có thể lên tới con số 10 ngàn người. Một nhóm nổi tiếng được biết tới với tên gọi "Liên minh Nữ Tội Phạm vùng Kanto" được đồn thổi là có tới 20,000 thành viên.

sukeban chi dai nu sinh nhat ban

(Nguồn: Dazed Digital)

Sau đó sự phát triển nổi tiếng của những nhóm “găng tơ” nữ này còn được phát hoạ trên hàng loạt những phim khiêu dâm thời bấy giờ, hay còn gọi là “phim hồng”.

Nổi tiếng trong số đó là một series phim với tên gọi “Pinky Violence” với trưởng nhóm là "Nữ Tội Phạm", được sản xuất bởi công ty Toei vào đầu thập niên 70 đã tái hiện phần nào những hoạt động của những nhóm xã hội đen nữ. Tiếp theo sau series phim này là một loạt những dự án khác như "Chị Đại Sukeban" của đạo diễn Norifumi Suzuki và series “Nỗi khiếp sợ của nữ sinh trung học”.

Bất ngờ thay những hành động nổi loạn này lại được mọi người nhìn nhận như là những hoạt động chống lại bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, không rõ là sự nổi tiếng của những bộ phim này có phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống ngoài đời thật của những Sukeban hay không.

Nữ diễn viên Reiko Ike và Miki Sugimoto thường hay vào vai những “chị đại” đã trở thành những ngôi sao nổi bật trong quá trình tấn công màn ảnh với trào lưu văn hoá Sukeban.

reiko ike miki sugimoto reiko ike

Reiko (phải) và Miki (trái) (Nguồn: Patrick Macias)

Về sau này, các kiểu trào lưu văn hóa khác như Gyaru, hay Ganguro và Kogyaru cuối cùng đã chiếm lĩnh vị trí của Sukeban và trở nên phổ biến hơn, thay thế hình ảnh của một chị đại truyền thống với hình ảnh chị đại bất cần hơn với lối trang điểm đậm và váy ngắn.

Nổi bật trong số những băng nhóm nữ của thế kỷ 21 có thể kể đến các "quái nữ" chạy mô tô được gọi là Bosozoku, áp dụng lối sống có liên quan chặt chẽ với văn hóa Sukeban trước kia, ít nhất là thể hiện trong cách hành xử bất chấp của họ đối với vấn đề gia trưởng. Trang phục jumpsuit cùng với hình xăm hoa, móng tay để dài và lái những chiếc xe được thiết kế với vẻ ngoài hầm hố được xem là một hình thức thể hiện sự nổi loạn của họ.

chi dai nhat ban bosozoku

(Nguồn: Dazed Digital)

Mặc dù vẫn còn một số ảnh hưởng của Sukeban mà chúng ta có thể thấy được trong văn hóa pop của Nhật Bản ngày nay như manga, anime và chương trình truyền hình, nhưng thật khó để nói rằng liệu có ai trong số đó có thể nắm bắt đầy đủ hết tất cả những gì Sukeban thực sự thể hiện và những gì mà Sukeban đã làm trong suốt thời gian tồn tại của mình vào thời hoàng kim.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.