• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

'Kim Ji Young 1982': Có gì trong cuốn tiểu thuyết chấn động và gây tranh cãi nhất xứ Hàn?

Chị em

Kim Ji Young là tên nhân vật trong tác phẩm văn học nổi tiếng Kim Ji Young 1982 của tác giả Cho Nam Joo. Cốt truyện khá đơn giản, không có tình tiết gay cấn, kịch tính nhưng lại mang nặng hơi thở của thời đại, bình yên một cách đáng sợ khi phản ánh nỗi đau trong tâm của nữ giới đang sống từng ngày dưới sự áp đặt định kiến, phân biệt đối xử. Cuộc sống của Ji Young là như vậy, ngày qua ngày trầm mặc tồn tại như một cái bóng lẩn khuất giữa những bất công.

Ji Young sinh năm 1982, tuổi đã ngoài 30 đang nghỉ việc ở nhà để nuôi con nhỏ. Kể từ khi sinh con, cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng kỳ lạ, gọi chồng là con rể rồi hóa thân thành mẹ vợ; tình trạng đó cứ tiếp diễn khi cô cứ nhập vào vai của những người thân đang sống và đã chết. Điểm chung tất cả các vai diễn đều là phụ nữ.

Cô bị cho là trầm cảm sau sinh nên đã đến gặp bác sĩ tâm lý để chữa trị và từ đây câu chuyện về một người con gái từ khi sinh thành, lớn lên lập gia đình, có chồng con dần được tái hiện đầy ám ảnh. Những gì mà Ji Young đã trải qua đều ẩn chứa nỗi đau về những kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ mà cô đã từng nghe, chứng kiến và trải nghiệm. Tất cả cứ tích tụ trở thành một vết thương sâu trong tâm hồn Ji Young khiến tinh thần cô suy sụp và đánh mất chính mình.

Câu chuyện về trọng nam khinh nữ cứ thế được giãi bày khiến công chúng lặng người trước một sự thật được cho là hiển nhiên, điều bình thường tất yếu trong xã hội Hàn Quốc.

Nhà văn Cho Nam Joo đã dũng cảm đứng lên nói về nữ quyền, bày tỏ sâu sắc về điều đó qua đứa con tinh thần của mình. Ngay sau khi cuốn tiểu thuyết được sản xuất vào năm 2016, nó trở thành một hiện tượng, bán được hàng triệu bản, được dịch sang 16 thứ tiếng và nằm trong Top sách bán chạy nhất ở các nước như Nhật Bản, Đài Loan.

Năm 2019, đạo diễn Kim Do Young đã chuyển thể cuốn truyện thành phim điện ảnh với sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng Gong Yoo và Jung Yu Mi. Bộ phim công chiếu vào ngày 23/10 và dẫn đầu doanh thu phòng vé, đạt hơn 1 triệu khán giả chỉ sau 5 ngày. Phim cũng lập kỷ lục mới trong nền điện ảnh Hàn Quốc năm 2019 khi vượt mốc 2 triệu khán giả vào ngày 02/11.

Phim đã bán bản quyền tại 37 quốc gia và ra mắt tại Việt Nam vào ngày 01/11, nhận được vô số lời khen vì nội dung nhẹ nhàng, mộc mạc giàu tính nhân văn cùng sự kết hợp đầy ăn ý của bộ đôi “tri kỷ” Gong Yoo và Jung Yu Mi. Sau thành công của Silenced (2011) và bom tấn Train To Busan (2016), sự hợp tác lần thứ ba của cặp đôi này lại thu được những thành tích vẻ vang.

Vậy điều gì khiến Kim Ji Young 1982 lập nên kỳ tích như vậy khi đây chỉ là tác phẩm có nội dung đơn giản kể về một người phụ nữ bình thường?

Vì tác phẩm đã đề cập đến một trong những vấn đề nhạy cảm nhất tại xứ kim chi, đó là: chủ nghĩa nữ quyền. Ở một đất nước hiện đại, văn minh như Hàn Quốc lại tồn tại những tư tưởng, cổ hủ, lạc hậu là trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào nếp sống của cả dân tộc. Quan niệm đó đục khoét tâm hồn con người và giam hãm phụ nữ, hành hạ họ phải biết học cách hy sinh, nhẫn nhịn để đảm bảo cho hạnh phúc chung của gia đình.

Trong hôn nhân và tình yêu phái yếu luôn phải là người cho đi và chấp nhận những thua thiệt, sẵn sàng bao dung và tha thứ lỗi lầm của cánh đàn ông. Như thế họ mới được xã hội công nhận. Kim Ji Young 1982 đã khắc họa một phần góc khuất "rất đời" và có thực vẫn đang diễn ra trong cuộc sống ở Hàn Quốc và các nước Châu Á khác.

Câu chuyện đã nói lên nỗi đau, cái buồn của người mẹ, người chị, người em gái vẫn đang hằng ngày phải gồng mình chịu đựng sự bất công ở nhà, ở nơi làm việc và ngoài xã hội. Khán giả, độc giả; đặc biệt là nữ giới như soi thấy hình bóng của bản thân trong những gì mà nhân vật Kim Ji Young đã trải qua. Họ như được xoa dịu, được đồng cảm, chia sẻ những tâm tư, cảm xúc mà bấy lâu nay không thể bày tỏ mà có nói thì mấy ai thấu hiểu.

Tại Hàn Quốc, tiểu thuyết về nữ quyền của Cho Nam Joo ăn khách nhưng lại gây ra tranh cãi dữ dội, bị phản đối do truyện được cho là đã truyền tải quan điểm lệch lạc, chủ quan của tác giả. Vì sao một tác phẩm nói về nhân quyền của phái nữ lại bị chỉ trích đến vậy?

Những kẻ lên án đó chủ yếu là nam giới, họ bình luận gay gắt, nhận xét tiêu cực, thậm chí là “ném đá” những nghệ sĩ nổi tiếng như: Irene (Red Velvet), Seolhyun (AOA), Suzy… vì đã đọc và truyền bá tác phẩm. Hay diễn viên Jung Yu Mi sau khi bộ phim Kim Ji Young công chiếu cũng bị cư dân mạng quê nhà công kích. Một bộ phận đàn ông người Hàn vẫn không chấp nhận thái độ, cách hành xử tiêu cực của họ chính là nguyên nhân khiến nữ giới phải chịu bất công, khổ sở.

Và cứ thế sự bất bình đẳng giới diễn ra hằng ngày khi chúng ta nghe những tin tức đau lòng về chứng bệnh trầm cảm sau khi sinh con, về việc có con trai để nối dõi tông đường, con gái lập gia đình thì là đã người của nhà chồng, con dâu thì phải đảm đang khéo léo chăm lo chu tất cho gia đình hai bên nội ngoại.

Đàn bà ở công ty thì bị đồng nghiệp nam sàm sỡ, quấy rối tình dục; bình phẩm về thân hình; đi làm về nhà lại phải lo toan công việc nội trợ, đầu tắt mặt tối chăm lo cái ăn cái mặc cho chồng con. Cái guồng quay ấy cứ tiếp diễn, họ không thể lên tiếng, phải chịu đựng cho đến khi phát điên, đánh mất sự kiểm soát. Có người được chữa trị nhưng cũng có những người mãi mãi chìm dần trong bóng tối lặng im và cứ thế biến mất, ra đi trong đau đớn.

Đó không phải là cái nhìn phiến diện mà là sự thật, hiện thực phũ phàng và tàn nhẫn mà đâu đó trong cuộc sống này biết bao người phụ nữ đang phải gồng mình gánh lấy, chịu những tổn thương nơi tinh thần.

Trong Kim Ji Young 1982, phái nữ được khắc họa rất đỗi đời thường, gần gũi. Họ không đối xử độc ác, hãm hại, nói xấu nhau mà nâng đỡ, lại gần bên nhau để cùng nhau vượt qua đau khổ, tiếp tục sinh tồn và chứng minh sức mạnh của bản thân với xã hội. Sự thấu hiểu, đồng cảm cứ thế lan tỏa mạnh mẽ từ các nhân vật trong truyện đến cộng đồng nữ giới ở ngoài đời. Những phong trào ủng hộ nữ quyền tại Hàn Quốc dậy sóng, làm chao đảo cả đất nước, điển hình là sự đổ bộ của “Me Too” từ phương Tây vào năm 2018. Phong trào đã kêu gọi các nạn nhân từng bị quấy rối xâm hại tình dục tích cực lên tiếng vạch trần thủ phạm.

Kim Ji Young 1982 là một lời khích lệ, động viên dành cho phái nữ hãy sống dũng cảm hơn, yêu thương bản thân mình và luôn kiên cường đấu tranh để tìm thấy hạnh phúc dù cuộc đời còn lắm những bất công.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.