• Về đầu trang
Phương Anh
Phương Anh

4 cách mà vòng xoáy kinh tế sẽ thay đổi thói quen mua sắm của bạn 

Thời trang

Chile đã gây chấn động thế giới với những hình ảnh về sa mạc Atacama vào tháng 11 vừa qua. Nơi đây vốn được biết đến là một trong những vùng đất xa xôi nhất trên thế giới với những ngọn núi lửa hùng vĩ thì nay, những hình ảnh chấn động được công bố, nơi đây đã biến đổi, trở thành nơi lưu trữ của 59.000 tấn quần áo (cũ và mới) đã tạo thành những “ngọn núi mới” trên cao nguyên sa mạc.

Những bức ảnh này xuất hiện khi thế giới gặp mặt tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP26 và đưa ra một thực tế nhức nhối về ngành công nghiệp quần áo: chúng ta đang sản xuất ra nhiều hơn và mặc ít hơn. 

Trên thực tế, Quỹ Ellen MacArthur ước tính rằng trong 15 năm qua, sản lượng sản xuất quần áo đã tăng gấp đôi trong khi nhu cầu sử dụng quần áo lại giảm hơn một phần ba.

Đâu là những CHI PHÍ VÔ HÌNH bạn không nhìn thấy hiển thị trên giá bán do nhà sản xuất đưa ra?
Môi trường
Sản xuất quần áo đòi hỏi một lượng lớn nước (ví dụ để trồng và thu hoạch bông), năng lượng (để cung cấp năng lượng cho các quy trình kéo sợi và sản xuất), và hóa chất (ví dụ: để bón cây bông và nhuộm vải). 

Theo ước tính, cần từ 4.000 lít đến 10.000 lít nước để sản xuất một chiếc quần jean. Đó chính là lượng nước đủ để cung cấp cho một người bình thường sẽ uống trong vòng 5 năm. 

Việc sử dụng quá nhiều nước có thể dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng trên toàn cầu. Ngoài ra việc sử dụng năng lượng khi sản xuất có thể tạo ra rất nhiều khí thải carbon và nước thải gây ô nhiễm sông ngòi.

Xã hội
Hàng may mặc thông thường được sản xuất ở các nước có thu nhập thấp như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ,... nơi luật lao động không phải lúc nào cũng bảo vệ quyền của người lao động.

Việc vi phạm quyền lao động đã trở nên quá phổ biến trong các chuỗi cung ứng hàng may mặc và rất tiếc sau rất nhiều nỗ lực, mọi thứ vẫn gần như không được cải thiện. 

Lương thấp, lao động trẻ em chưa đủ tuổi hay những điều kiện làm việc không an toàn vẫn tồn tại và thực sự đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2017.

Lãng phí
Chi phí sản xuất thấp cùng với dự báo nhu cầu tiêu thụ đang giảm đi đồng nghĩa với việc một lượng lớn quần áo đã được sản xuất sẽ không bao giờ có cơ hội được đưa ra thị trường, chính điều đó đã dẫn tới hình ảnh tại Sa mạc Atacama.

Khi quần áo chất thành đống bên ngoài, chúng sẽ tự động thải những chất độc hại ra môi trường: chi phí giải quyết tình trạng hủy hoại môi trường này có thể lên tới € 200 cho mỗi chiếc quần jean. 

Ở các nước như Mỹ, quần áo bị vứt bỏ có tỷ lệ cao gần gấp đôi so với 20 năm trước.

4 cách mà vòng xoáy kinh tế sẽ thay đổi thói quen mua sắm của bạn
Nền kinh tế tuần hoàn sẽ định hình lại ngành may mặc trong tương lai gần. 

Trong nền kinh tế xoay vòng, chúng ta hướng tới một sự tiêu thụ bền vững. Các sản phẩm cần được sản xuất phù hợp với sức tiêu thụ của thị trường và cần được tận dụng tối đa có thể giá trị của chúng.

#1: Phát triển những dịch vụ cho thuê lại quần áo hoặc thanh lý quần áo mới mà bạn không còn nhu cầu sử dụng.
Doanh số bán đồ cũ ngày càng tăng làm giảm yêu cầu về việc mua sắm quần áo mới.

Đây cũng là một cách để các thương hiệu thời trang nhanh truyền thống (cũng như các nhà bán lẻ và người tiêu dùng) có thể tận dụng kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau.

Thậm chí, một số thương hiệu hàng đầu trong ngành Haute Couture cũng đã bắt đầu triển khai hình thức dịch vụ này, điển hình như Gucci.

Việc dễ dàng bán lại sẽ thúc đẩy một thay đổi quan trọng khác: người tiêu dùng sẽ coi quần áo của họ như một loại đầu tư. Như Economist gần đây đã lưu ý, một số người mua sắm trẻ tuổi dám nghĩ dám làm đang xem xét khả năng thuê hoặc bán lại một món hàng như một cách để giảm bớt chi phí của một chiếc váy hoặc túi xách hàng hiệu đắt tiền. 

Một số người đã kiếm được hàng nghìn đô la mỗi tháng chỉ với tiền thuê quần áo, theo Economist.

#2: Lắng nghe thị trường, sản xuất theo nhu cầu
Giữ cho sản phẩm tồn kho ở mức thấp nhất!

Nhìn cách mà thị trường thời trang nhanh thu gọn một chu trình sản xuất các BST theo tháng, thì việc có thể nắm bắt xu hướng thị trường và sản xuất đúng nhu cầu, không phải một việc bất khả thi.

Việc này không những giúp tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí sản xuất cho các thương hiệu mà còn có thể trở thành động lực để giảm thiểu những áp lực với môi trường tự nhiên.

#3: Học cách sửa chữa thay vì vứt bỏ cả phía người tiêu dùng cũng như thương hiệu
Hầu hết thế hệ trẻ hiện nay thường có xu hướng tiêu dùng nhanh. Bỏ đi những món đồ lỗi mốt, vứt bỏ khi chúng bị hỏng, rách…

Một phần nguyên nhân bởi sản phẩm thời trang nhanh giá rẻ hiện nay quá nhiều và thay đổi mốt nhanh chóng, họ không muốn mình trở nên lỗi thời.

Thứ hai là do chi phí sửa chữa đôi khi quá cao và gần bằng tiền mua món đồ mới nên họ chọn cách vứt bỏ hơn là tìm cách sửa lại.

Sẽ là một ý tưởng hay nếu tất cả các thương hiệu đều có dịch vụ sửa chữa đồ của hãng với giá ưu đãi. Nhiều hãng lớn như Zalando và H&M cũng đang bắt đầu cung cấp dịch vụ này.

Ưu điểm của việc này khiến cho khách hàng có thiện cảm hơn với bạn và đồng hành cùng bạn trong việc tiêu dùng thời trang bền vững, ngoài ra đây cũng là một luồng doanh thu khác ngoài bán hàng truyền thống.

#4: Tập thói quen sử dụng và chuyển đổi dần sang các thương hiệu thời trang sử dụng vật liệu tái chế
Việc này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chú tâm hơn đến việc tái sử dụng các vật phẩm may mặc hoặc dần phát triển các dòng thời trang sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo nghiên cứu từ Resortecs, một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ tháo rời hàng may mặc, cho biết:

“Việc tách vải khỏi nút, nhãn và khóa kéo rất tốn thời gian, khó khăn và dẫn đến lãng phí hơn một nửa nguyên liệu từ quần áo trước khi nó có thể đi vào quy trình tái chế. Việc thay đổi sợi chỉ mà quần áo được may lại với nhau có thể tăng khả năng tái chế hàng may mặc lên 90% và cắt giảm lượng khí thải carbon xuống 50%. Ngay cả nylon được sử dụng trong quần tất cũng có thể được tái chế hóa học và biến thành các dạng quần áo lót mới.”

Vậy đó, chỉ những thay đổi rất nhỏ cũng có thể mang tới những thay đổi to lớn mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp này.

Theo: Maybe Original
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.