• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Các tác phẩm kinh điển của nhà thiết kế Patrick Kelly đang được trưng bày tại San Francisco

Thời trang

Sự vui tươi và khía cạnh chính trị không thể tách rời trong các tác phẩm của Patrick Kelly, nhà thiết kế thời trang da đen nổi tiếng sinh ra ở Mississippi là chủ đề của một cuộc hồi tưởng tại Bảo tàng de Young ở San Francisco. 

Buổi triển lãm này là sự tiếp nối cho buổi triển lãm từng được tổ chức bởi Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia vào năm 2014. Buổi diễn ấy nêu bật những tác phẩm của Kelly từ Bjorn Guil Amelan, đối tác kinh doanh và Bill T. Jones. Nhiều điều đã thay đổi trong suốt 7 năm qua, đặc biệt là trong hai năm vừa rồi và bộ sưu tập thời trang đặc biệt “Patrick Kelly: Runway of Love” xuất hiện vào thời điểm công việc của Kelly đang được điều chỉnh lại bởi các cuộc thảo luận xung quanh công bằng xã hội và bản sắc. 

“Tôi nghĩ và hy vọng rằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với các tác phẩm của anh ấy là một báo hiệu cho sự thay đổi lớn hơn đang xảy ra trong ngành thời trang và trong các cuộc thảo luận mà chúng tôi đang có với tư cách là các nhà sử học về thời trang. Các nhóm như Kelly Initiative, những người thực sự xem Patrick là lời kêu gọi ủng hộ cho các chuyên gia thời trang da đen khác, thực sự quan trọng. Tôi nghĩ rằng triển lãm này kết hợp với những cuộc thảo luận lớn hơn đang diễn ra trong lĩnh vực thời trang và cả những điều chúng tôi đang suy nghĩ trong nội bộ bảo tàng. Chúng tôi đã có quan điểm rất mạnh mẽ khi tuyên bố các hoạt động chống nạn phân biệt chủng tộc vào năm ngoái với việc đưa tính đa dạng vào làm nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi.” - Laura L. Camerlengo, người phụ trách de Young nói.

Khung cảnh bày trí bộ sưu tập “Patrick Kelly: Runway of Love” tại bảo tàng de Young ở San Francisco. 

Triển lãm tại de Young nêu bật tầm quan trọng của (tái) bối cảnh hóa, nội dung trọng tâm trong các tác phẩm của nhà thiết kế này.

“Về cơ bản, tôi luôn lật ngược tình thế và tôi là người Mỹ duy nhất ở đây làm điều đó.” - Nhà thiết kế nổi tiếng với việc trượt ván quanh Paris, nói với Vogue vào năm 1989.

Năm 1989 cũng là năm mà các người mẫu trong show diễn mùa Xuân của ông mang những chiếc khung tranh được mạ vàng trong khi đang diện các thiết kế. 

Bộ sưu tập Xuân Hè 1989, được chụp bởi Olivero Toscani.

Kelly thường sử dụng sự hài hước trong các chủ đề nghiêm trọng, đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc. Là một nhà sưu tập các kỉ vật phân biệt chủng tộc, anh đã gây tranh cãi khi chọn một con búp bê bằng vải (golliwog) làm biểu tượng của mình. Điều này đã khiến người da đen và người da trắng đều khó chịu. Tuy nhiên, nó buộc mọi người phải đối mặt với những định kiến ghê tởm.

“Tôi nghĩ rằng sự hài hước là một cách để thu hút mọi người để họ bị hấp dẫn bởi những gì anh ấy đang làm và hy vọng sẽ khơi gợi một cuộc trò chuyện nào đó.” - Camerlengo nhận xét. 

Kelly từng nói: “Nếu bạn không biết mình đã ở đâu trong lịch sử của mình, thì bạn sẽ không biết phải đi về đâu.”  Anh được bà ngoại dạy vẽ và một người dì dạy may vá. Với hai người phụ nữ trong tâm trí, anh đã biến chiếc nút áo khiêm tốn thành biểu tượng của mình và yêu thích họa tiết trang trí hơn.

“Patrick luôn kể câu chuyện về những chiếc cúc áo xuất phát từ kí ức thời thơ ấu, nơi anh làm mất chiếc cúc áo sơ mi của mình và bà của anh sẽ thay chúng bằng những chiếc cúc khác mà bà tìm thấy trong hộp kim chỉ của mình. Anh ấy nhớ lại mình là một đứa trẻ nhìn xuống hàng nút của chiếc áo sơ mi, tất cả những chiếc cúc nhiều màu không khớp với nhau nhưng lại giúp đóng chặt hai bên áo.” - Camerlengo nói.

Bộ sưu tập ready-to-wear mùa Thu năm 1989 của Patrick Kelly.

Kelly biết chính xác nơi anh muốn đến là Paris. Trong thời gian ngắn, anh ấy đã trở thành người Mỹ trên đất Paris. Trên thực tế, anh là nhà thiết kế da đen đầu tiên của Mỹ được nhận vào Chambre Syndicale, nghiệp đoàn may đo cao cấp của Pháp.

Bộ sưu tập ready-to-wear mùa Xuân năm 1989 của Patrick Kelly. 

Là một sinh viên năng động của la mode, anh thường tham khảo các tài liệu về lịch sử thời trang. Elizabeth “Miss Liz” Goodrum, cánh tay phải của Kelly và cũng là nhà thiết kế giải thích rằng, ngoài việc rút ra từ quá khứ giàu có của mình, Kelly “cũng nghiên cứu Vogue và các tạp chí thời trang khác, đảm bảo rằng anh ấy biết tất cả những người đóng vai trò quan trọng là ai và những gì các nhà thiết kế và các nhà mốt khác đang sản xuất. Anh ấy muốn tuyên bố bằng cách lấy các tác phẩm của các nhà thiết kế đã thành danh và tái tạo chúng để chứng tỏ rằng anh ấy giỏi, nếu không muốn nói là tốt hơn họ.”.

Một chiếc minidress lệch vai co giãn được trang trí bằng hoa sơn chi có thể gây ấn tượng mạnh với Coco Chanel (vì chúng là loài hoa yêu thích của bà), nhưng nó là điểm nhấn đặc trưng của Kelly. Nhà thiết kế không chỉ tạo nên ý thức về cơ thể và các tác phẩm trang trí, những kiểu dáng này gắn liền với hai trong số những câu chuyện bao quát của thập kỉ “bigger-is-better”. Thời trang của Kelly đã tạo ra một tác động lớn và đồng thời, cũng phù hợp với ví tiền của khách hàng. (Để cân nhắc cho khách hàng của mình, khi thuế nhập khẩu tăng, nhà thiết kế đã nghĩ ra các nút bấm và đồ trang trí có thể được vận chuyển với chi phí thấp hơn).  

“Các thiết kế vui tươi và dũng cảm của Patrick Kelly đã thu hút một cách hoàn hảo những người theo đuổi “zeitgeist” (tinh thần của thời đại) của những năm 1980. Đồng thời cũng thách thức những khuôn mẫu đã ăn sâu và mạnh dạn khẳng định sự trao quyền của người da đen. Di sản của cách thức này đã được chứng minh là một điều tồn tại lâu dài - công việc của Kelly là tia sáng hi vọng cho các nhà thiết kế trong những năm 80 và sự nghiệp của anh tiếp tục là nguồn cảm hứng và là điểm tham chiếu quan trọng cho các nhà thiết kế ngày nay.” - Thomas P. Campbell, giám đốc và CEO của Fine Arts Museums of San Francisco nói.

Patrick Kelly tại buổi trình diễn mùa xuân năm 1989.

Kelly không né tránh những chủ đề khó chịu và thành công của anh ấy là xứng đáng, nhưng anh thường được nhớ đến như một người chọn cách khơi nguồn niềm vui. Trong danh sách về những điều yêu thích và công việc của mình, anh ấy nhấn mạnh mặt tích cực và tôn vinh niềm vui khi phối đồ.  

“Công việc của Patrick luôn mang một luồng gió mới, bạn có thể thấy rằng anh ấy yêu thời trang nhưng anh ấy không quá coi trọng nó.” - Camerlengo chia sẻ. 

Bộ sưu tập ready-to-wear mùa Thu năm 1989 của Patrick Kelly.
Bộ sưu tập ready-to-wear mùa Xuân năm 1989 của Patrick Kelly.

Điều anh ấy thực sự nghiêm túc là cuộc khủng hoảng AIDS, quyên góp tiền và làm việc tốt cho đến khi căn bệnh này cướp đi sinh mạng của chính anh một cách thảm khốc. Trong một đoạn phim ngắn được thực hiện kết hợp với triển lãm tại de Young, Kelly xuất hiện trong đoạn clip mà khi nhìn lại, cảm thấy vừa bi thảm mà lại vừa tràn đầy năng lượng tích cực. 

“Tôi hy vọng khi họ nghĩ về tôi, họ nghĩ về hạnh phúc. Có rất nhiều nỗi buồn trên thế giới này… và nếu bạn có thể cài một chiếc nút áo vào thứ gì đó hoặc một chiếc mũ vui nhộn, thì tôi chính là người dành cho bạn.” - Kelly nói. 

Theo: Vogue
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.