• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Iris Van Herpen, nhà thiết kế nổi tiếng áp dụng công nghệ 3D để tạo nên các tác phẩm theo chủ nghĩa vị lai

Thời trang

Iris Van Herpen sinh năm 1984 tại thị trấn nhỏ Wamel,Hà Lan. Khi còn trẻ, cô đã có một bản năng nghệ thuật hiện hữu trong mình. Tuy nhiên, niềm đam mê ban đầu ấy lại là khiêu vũ, hội họa và violin. Mãi cho đến khi được tiếp xúc với thời trang và hiểu về sức mạnh biến đổi của trang phục qua khóa học may, cắt hoa văn và thêu ở trung học, Iris Van Herpen quyết định khám phá ngành công nghiệp thời trang sâu hơn nữa. Cô đã theo học thiết kế thời trang tại Artez Arnhem và thực tập tại Alexander McQueen ở London và Claudy Jongstra ở Amsterdam, nơi nhà thiết kế hoàn thiện tay nghề thủ công của mình.

Năm 2007, Iris Van Herpen đã mở thương hiệu cùng tên của riêng mình, áp dụng công nghệ in 3D, cắt laser cùng các chất liệu độc đáo như acrylic trong suốt, silicone, vải microfiber và ren màng polyester,... vào các thiết kế mang hướng thẩm mỹ của chủ nghĩa vị lai và Dark Fantasy. Điều này không những tạo nên nét đặc trưng của riêng Iris mà còn giúp cô giành được danh hiệu nhà thiết kế avant-garde trong làng thời trang thế giới. Điển hình như bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế trong năm 2008 mang tên Chemical Crows, cô đã sử dụng 700 phần khung sườn bằng đồng của chiếc ô, lắp ráp lại và tạo nên một thiết kế thời trang mô phỏng lông vũ của chim. Một động thái chưa một nhà thiết kế nào đã từng làm, nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Bảo tàng Groninger, nơi đã đề nghị mua một số thiết kế của bộ sưu tập.

Trong mỗi bộ sưu tập được ra mắt, Iris đều hợp tác với các nghệ sĩ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau thường xuyên theo định kì, như biên đạo múa và vũ công Nanine Linning, nghệ sĩ thị giác Bart Hess, Philip Beesley, Stephen Jones và Irene Bussemake, đạo diễn kiêm nhà làm phim Joost Vandebrug hay kiến trúc sư Neri Oxmann,... Kể từ năm 2011, Iris Van Herpen đã trình diễn tại Paris Fashion Week, thuộc Chambre Syndicale de la Haute Couture. Cùng với bản chất điêu khắc và kiến trúc, các tác phẩm của Iris được trưng bày tại nhiều bảo tàng khác nhau, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New Yorrk, Bảo tàng Hoàng Gia ở Toronto và Bảo tàng Groninger. Thiên hướng khoa học của Iris đã tạo tiền đề cho sự hợp tác với CERN, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu và Viện Công nghệ Massachusetts. Năm 2011 cũng là cột mốc đánh dấu các tác phẩm in 3D của nhà thiết kế người Hà Lan được đưa vào danh sách 50 Phát minh xuất sắc nhất trong năm của tạp chí Time. Năm 2014, cô nhận được giải thưởng ANDAM Gran Prix Award. Năm 2016, cô tiếp tục nhận giải thưởng The European Commissions’s 2016 STARTS Prize và giải thưởng Johanness Vermeer vào năm 2017.

Trí tưởng tượng của Iris Van Herpen đôi khi đẩy cả những công nghệ tiên tiến nhất đến giới hạn của chúng. 

“Rất nhiều thứ mà tôi tưởng tượng ra, theo một cách hợp lí thì nên có ở đây nhưng chúng vẫn chưa xuất hiện.” - cô nói. 

Lấy chiếc váy “Water” của Iris trong bộ sưu tập ready-to-wear mùa Xuân 2011 làm ví dụ. Đó là một chiếc váy ba chiều được sử dụng chất liệu trong mờ để mô phỏng hiệu ứng chân thực của nước. Ý tưởng ban đầu của Iris là áp dụng kĩ thuật in 3D để tạo nên chiếc váy, nhưng các kĩ thuật viên in 3D vẫn chưa thể phát triển một loại vật liệu trong suốt có thể in và duy trì cấu trúc của nó. 

“Tôi thường tưởng tượng ra một kĩ thuật hoặc chất liệu chưa tồn tại. Đôi khi nó hoạt động nhưng đôi lúc lại không.” - nhà thiết kế chia sẻ. 

Thay vào đó, Iris đã giải quyết vấn đề bằng một phương pháp công nghệ tương đối thấp, sử dụng một công cụ gia nhiệt cầm tay không khác gì một máy sấy để làm mềm một tấm polyethylene terephthalate, một vật liệu trong “lần thứ 30 hoặc 40”, sau đó chế tác nó bằng kìm để có được hình dạng như mong muốn.

Một bộ sưu tập khác sử dụng công nghệ in 3D là bộ sưu tập mùa Xuân 2015 mang tên “Magnetic Motion”. Lấy cảm hứng từ chuyến thăm Large Hadron Collider tại CERN, Thụy Sĩ, nơi cô học về lực hút và lực đẩy, cô đã hợp tác với kiến trúc sư Niccolo Casas và công ty 3D Systems có trụ sở tại California để tạo nên chiếc váy “Ice” trong suốt.

“Tôi đã nói chuyện với các kĩ thuật viên và họ nói, “99,99% nó sẽ không thành công”. Chúng tôi thực sự đẩy công nghệ này vào giai đoạn mà không ai tin vào nó.” - cô nói.

Chiếc váy cuối cùng được “in” bằng quy trình công nghiệp gọi là Kĩ thuật in lập thể cùng hỗn hợp nhựa photopolymer độc đáo chưa từng được sử dụng trước đây. 

Có thể nói, các tác phẩm của Iris đã vượt xa khỏi ranh giới của thời trang và thể hiện các hình thức nghệ thuật khác nhau. Nhận thấy rằng các hạn chế của vải khiến cô khó “chạm trổ”, xây dựng cấu trúc và hình thức mới. Vì vậy, cô đã liên tục thử nghiệm các chất liệu độc đáo, kĩ thuật sáng tạo và công nghệ tiên tiến khác nhau trong quá trình tạo ra các thiết kế độc nhất vô nhị của mình. 

Theo: BoF, Fashionista, FamousFashionDesigners, Smithsonianmag, Vogue
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.