• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Jingle Dress - Chiếc váy và vũ điệu mang sức mạnh chữa lành cho cộng đồng

Thời trang

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu vào mùa Xuân năm 2020, nhiếp ảnh gia người Navajo, Eugene Tapahe đã có một giấc mơ. Anh ấy đang ngồi trên bãi cỏ tại Công viên Quốc gia Yellowstone và quan sát bò rừng gặm cỏ trong bối cảnh mặt trời lặn. Đột nhiên, những vũ công mặc những chiếc jingle dress xuất hiện và bắt đầu biểu diễn điệu nhảy chữa bệnh truyền thống của Ojibwe cùng những chú bò rừng. 

“Đột nhiên tôi cảm thấy bình yên. Vào thời điểm đó, tất cả mọi thứ đều như rơi vào vô vọng và ảm đạm, chúng tôi không thực sự biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng trong giấc mơ, tôi cảm thấy một tia hy vọng và chữa lành.” - Eugene kể.

Khi tỉnh dậy, anh ấy muốn biến cảm giác đó trở thành hiện thực và chia sẻ nó với các cộng đồng bản địa khác đang phải chịu đau khổ. Từ đó, dự án Jingle Dress đã ra đời và anh đã thực hiện dự án vào năm ngoái cùng hai con gái của mình, Erin và Dion Tapahe và những người bạn Navajo, Sunni và JoAnni Begay. Bốn vũ công đã biểu diễn điệu nhảy ở nhiều cộng đồng khác nhau trên khắp đất Mỹ và Eugene đã chụp ảnh họ trên đường đi. Trong những thời điểm khó khăn, họ đã sử dụng điệu nhảy như một cách để nâng cao tính cộng đồng. 

“Jingle Dress thực sự quan trọng đối với người bản địa và mục đích chữa lành. Theo truyền thống Navajo, chúng tôi tin rằng có 4 thế giới và mỗi thế giới đại diện cho một trong những thế giới của chúng tôi.” - anh nói.

Cho đến nay, họ đã mang điệu nhảy đến 20 công viên Quốc gia và Tiểu bang, bao gồm Yosemite, Yellowstone và Central Park với một lí do cụ thể cho mỗi nơi.

“Khi quá trình thuộc địa hóa xảy ra, đó là những vùng đất được những người bản địa đầu tiên chọn làm nơi để sinh sống. Đó là những vùng đất màu mỡ, có thức ăn và nước uống.”  - Eugene chia sẻ. 

Mặc dù dự án này ban đầu chỉ mang lại sự chữa lành cho những người bản địa đến xem màn khiêu vũ nhưng nó cũng nhanh chóng phát triển thành một cơ hội để giáo dục và giới thiệu những người không phải là người bản địa đến xem loại hình nghệ thuật này. Một trong những điểm dừng chân yêu thích của họ là New York’s Central Park vào đêm Giao thừa năm ngoái. 

“Tuy không có nhiều người trong công viên nhưng khi chúng tôi bật nhạc và các cô gái bắt đầu điệu nhảy, âm thanh bắt đầu vang xa. Vào lúc buổi diễn sắp kết thúc, có rất nhiều người đã bị thu hút bởi âm nhạc. Thật ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả những người không phải là người bản địa cũng có thể cảm nhận được khả năng chữa lành của Jingle Dress.” 

Những chiếc váy của các vũ công là một công cụ đặc biệt mạnh mẽ để chia sẻ các yếu tố văn hóa của họ đến những người khác. Theo truyền thống, các chiếc váy jingle dress được xem là trang phục vương giả được trang trí bằng các hạt cườm, ruy băng và các mảnh kim loại hình chóp quanh váy để khi các vũ công lắc lư, chúng sẽ tạo ra những âm thanh đặc biệt theo từng bước nhảy. Bộ trang phục này có thể được custom cho từng người vũ công.

“Chiếc váy của tôi màu vàng và đó cũng là một trong những màu sắc yêu thích của tôi. Tên Navajo của tôi là Sháńdíín, có nghĩa là ánh nắng, vì vậy tôi chọn màu vàng để gợi nhớ đến mặt trời.” - Dion nói.

Khác với Dion, Erin chọn màu xanh của nước cho chiếc váy của mình. 

“Thông thường, những chiếc jingle dress có những hàng chuông leng keng được xếp thẳng tắp, nhưng tôi lại thích khi chúng đi theo khung chữ A. Tôi muốn chiếc váy của mình có màu xanh lam bởi những trải nghiệm mà tôi có được ở Standing Rock, màu xanh lam tượng trưng cho nước.” - Erin chia sẻ. 

Các phụ kiện đi kèm với jingle dress của các vũ công cũng mang một ý nghĩa đặc biệt.

“Chúng tôi thường đeo những chiếc khăn quàng cổ màu đỏ tượng trưng cho những người phụ nữ bản địa bị mất tích hoặc bị sát hại. Mỗi khi chúng tôi ra ngoài, chúng tôi nhảy múa để cầu nguyện cho họ.” - Dion nói. 

Nơi bắt nguồn của chiếc váy jingle dress và điệu nhảy chữa lành cũng có câu chuyện của riêng nó.

“Chiếc váy jingle dress là của người Ojibwe và chúng tôi có thể quay trở lại lãnh thổ Mille Lacs Band của Ojibwe, nguồn gốc của chiếc váy jingle dress. Thật là một vinh dự và may mắn khi có thể nhảy múa dưới cùng một bầu trời và cảm nhận cùng một vùng đất mà người dân Ojibwe có.” - Sunni nói. 

Dự án Jingle Dress sẽ còn kéo dài thêm một thời gian và rất may khi tỷ lệ người mắc COVID-19 đang giảm. Eugene và bốn vũ công tiếp tục được mời biểu diễn ở các nơi như Canada, Alaska và Hawaii. 

“Nó chỉ ngày càng trở nên phổ biến hơn và mọi người đang hưởng ứng nhiều hơn với dự án.”

Eugene cũng chia sẻ thêm rằng phần tuyệt nhất sau tất cả là phản hồi tích cực từ chính cộng đồng của họ.

“Để có thể nghe các cô gái tuổi teen nói rằng họ muốn ngừng sử dụng ma túy và rượu để có thể bắt đầu khiêu vũ hoặc quay lại trường đại học. Mọi người đang xem các cô gái là những hình mẫu lí tưởng. Đó là những điều thực sự thúc đẩy và khiến chúng tôi hiểu được sức mạnh của chiếc váy.” - Eugene nói. 

Theo: Vogue
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.