• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Từ Nhật Bản đến thế giới - Thương hiệu KENZO đã trải qua những gì?

Thời trang

Thương hiệu thời trang KENZO nổi tiếng với gu thẩm mỹ kết hợp giữa phương Đông và phương Tây cũng như cách sử dụng màu sắc và các bản in thuần thục trong từng thiết kế. Được thành lập và phát triển bởi nhà thiết kế người Nhật đầy tài năng, Kenzo Takada, người đã bước chân đến Paris để theo đuổi niềm đam mê thời trang của mình. KENZO luôn được xem là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong ngành thời trang bởi tinh thần và sức sáng tạo mạnh mẽ. 

Vào năm 1970 tại Paris, Kenzo Takada đã mở cửa hàng đầu tiên của mình mang tên Jungle Jap tại Galarie Vivienne. Jungle Jap lúc bấy giờ được nhiều người biết đến như một thương hiệu mang phong cách Nhật Bản kết hợp với lối thiết kế thủ công và cấu trúc của Châu Âu. Nhắc đến thương hiệu này, người ta luôn nhớ đến ba đặc trưng thiết kế của nhà mốt: sự pha trộn giữa các bản in, sự hài hòa của màu sắc tinh tế và sức sáng tạo thấm nhuần sự vui tươi và lạc quan.

Ông cùng với Issey Miyake và Hanae Mori là một phần của làn sóng các nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên trong những năm 70 tạo dựng được chỗ đứng trong giới thời trang Paris. Những thiết kế ban đầu mang đậm chất Nhật Bản của ông được xem là một cuộc cách mạng, mang đến một nguồn năng lượng mới cho Paris. Khi tất cả những nhà mốt kiểu Pháp vẫn đang trình diễn thời trang cao cấp với những người mẫu kiêu kỳ, bước đi chậm rãi thì các show diễn của Takada lại tràn ngập màu sắc và hành động. Những cô gái nhảy múa trên sàn diễn và người mẫu sải bước năng động trong những bộ trang phục được pha trộn giữa ảnh hưởng dân tộc và các bản in sống động. 

Bộ sưu tập Thu Đông năm 1985 của Kenzo.

Vào tháng 6/1970, khi tạp chí Elle sử dụng các thiết kế của ông trên trang bìa và vào năm kế tiếp, khi ông giới thiệu một số thiết kế khác tại New York và Tokyo cùng màn xuất hiện trên tạp chí Vogue đã khiến tên tuổi của ông nhanh chóng bay cao. 

“Chỉ vào năm 1970, khi tôi bắt đầu thương hiệu của mình và tôi phải thật sự tìm được bản sắc của mình và tạo ra một cái gì đó mới, tôi mới nhận ra rằng tôi phải quay lại với cội nguồn của mình. Vì vậy, tôi bắt đầu pha trộn những ảnh hưởng của Nhật Bản và văn hóa Châu Âu...Và sau đó tôi nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác và trộn lẫn các yếu tố từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó được xem là rất mới mẻ với thị trường vào thời điểm bấy giờ - đó là một cách hoàn toàn mới để tạo nên một thứ gì đó.” - Takada nói với tạp chí W vào năm 2017. 

Không lâu sau khi phát triển sang Mỹ, Takada Kenzo đã rơi vào tranh cãi khi Liên đoàn Công dân Mỹ gốc Nhật ban hành lệnh triệu tập ông trong chuyến thăm đầu tiên đến Mĩ vào năm 1971, buộc ông phải xóa từ “Jap” khỏi tên thương hiệu và ông đã đổi nó thành Kenzo mà ta biết đến ngày nay. Năm 1999, khi Takada từ chức và nghỉ hưu vì nhiều lí do khác nhau, thương hiệu này đã trải qua một giai đoạn im ắng cho đến khi Carol Lim và Humberto Leon được giao nhiệm vụ “phục hồi” nó vào năm 2011. Đó là khi KENZO thực sự hồi sinh với sức trẻ, sự vui vẻ và dí dỏm đưa nó trở lại trạng thái ban đầu. Cặp đôi này đã cố gắng mang lại một góc nhìn mới mẻ cho thương hiệu với biểu tượng con hổ trên trang phục. Khi giới mộ điệu, blogger và các nhà tạo mẫu khắp thế giới liên tục diện chúng, đột nhiên, KENZO lại trở thành một thương hiệu mà mọi người đều mong muốn sở hữu.

Vị thế thời trang của thương hiệu này đã được củng cố và đẩy mạnh hơn trên thế giới vào năm 2014 khi hãng thiết kế nên bộ váy cưới dài chấm đất của nữ ca sĩ Solange Knowles. Chiếc váy cưới trở thành kiểu dáng hợp thời nhất trong thập kỷ này. 

Solange Knowles trong chiếc váy Humberto Leon for Kenzo, vòng tay Jill for Lady Grey, và giày Stuart Weitzman. Ảnh: Vogue.

Sau đó, cặp đôi Humberto và Carol rời Kenzo sau 8 năm và Felipe Oliveira Baptista đã đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo trong vòng 2 năm (nhà thiết kế rời đi vào tháng 6/2021). Sự tinh tế trong nghệ thuật và nét chạm khắc tinh tế của Baptista đã đem lại sức sống cho các buổi trình diễn thời trang của Kenzo. Sau cái chết của nhà sáng lập, Kenzo Takada, vào tháng 10/2020 liên quan đến dịch bệnh COVID-19, Baptista đã để màu sắc, hoa văn và nguồn năng lượng một lần nữa ngập tràn trên sàn diễn để kỉ niệm cuộc đời vĩ đại của Kenzo Takada. Bộ sưu tập của Oliveira Baptista dành riêng cho Takada trong mùa Thu năm 2021 không phát hành lại một thiết kế hay bản in nổi tiếng nào của Takada trong những năm 1970 và 80. Thay vào đó, anh đã khơi gợi sự hiện diện của người sáng lập thông qua những ý tưởng trực quan trên những phom dáng thể hiện khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Takada qua hình cầu và quỹ đạo, tính dân gian và đa dạng văn hóa. Oliveira đã đơn giản hóa và tạo điểm nhấn hiện đại bằng các đường nét hình học của Takada thành một loại streetwear của Kenzo thế kỉ 21. 

Sau thông báo rời đi của Felipe Oliveira Baptista vào tháng 6/2021, nhiều người phỏng đoán rằng Charaf Tajer của Casablanca sẽ là người ngồi vào vị trí Giám đốc sáng tạo của Kenzo, bởi vì gu thẩm mỹ của anh có phần gần gũi hơn với nhà sáng lập Kenzo Takada. Mặc dù chưa có nguồn tin chính thức nào được đưa ra, nhưng chúng ta hãy cùng theo dõi các bước đi tiếp theo của thương hiệu danh tiếng này nhé!

Theo: Fashionabc, Coggles, MarieClaire, Vogue, CRFashionbook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.