• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Vivienne Westwood - Nhà thiết kế định hình phong trào punk rock cuối những năm 1970

Thời trang

Được xem là một trong những nhà thiết kế thời trang độc đáo và thẳng thắn nhất thế giới, Vivienne Westwood nổi tiếng vào cuối những năm 1970 khi những thiết kế ban đầu của bà giúp định hình phong trào punk rock. Cùng với đối tác Malcolm McLaren, bà đã mở rộng tầm ảnh hưởng của phong trào nhạc punk của những năm 1970 vào lĩnh vực thời trang. 

Vivienne Westwood, tên đầy đủ là Vivienne Isabel Westwood, nhũ danh là Vivienne Isabel Swire, sinh ngày 8/4/1941 tại thị trấn Glossop, Derbyshire, Anh. Với xuất thân khá khiêm tốn, cha bà là một thợ mỏ và mẹ bà làm việc tại một nhà máy bông ở địa phương. Vivienne Westwood theo học tại Harrow School of Art và University of Westminster. Bà tham gia các khóa học về thời trang và rèn bạc, nhưng đã bỏ dở sau một học kỳ. 

“Tôi không biết một cô gái thuộc tầng lớp lao động như tôi có thể kiếm sống bằng cách nào trong thế giới nghệ thuật.” - bà nói.

Sau khi nhận việc trong một nhà máy và được đào tạo thành một nhà giáo dục, bà đã trở thành một giáo viên tiểu học. Trong thời kì này, bà cũng tạo ra đồ trang sức của riêng mình và bán chúng tại một quầy hàng trên đường Portobello của London. Sau này, khi Vivienne nhớ lại những năm thơ ấu của bà khác xa với cuộc sống thượng lưu ở London, bà nói rằng:

“Tôi sống ở một vùng của đất nước đã phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tôi không biết về các phòng trưng bày nghệ thuật… Tôi chưa bao giờ được xem một cuốn sách nghệ thuật và cũng chưa bao giờ được đặt chân đến nhà hát.” 

Phong trào hippie vẫn là phong cách thời trang được yêu thích của cuối những năm 1960 nhưng điều này vẫn không truyền cảm hứng cho Vivienne hay Malcolm. Họ quan tâm nhiều hơn đến sự nổi loạn, đặc biệt là quần áo, âm nhạc và những kỉ vật của những năm 1950. Năm 1965, Vivienne gặp và chuyển đến sống cùng với Malcolm McLaren sau khi ly hôn với Derek Westwood. Năm 1971, họ cùng nhau quản lí Let It Rock, một gian hàng bán quần áo secondhand cổ điển của những năm 1950 cùng với bộ sưu tập đĩa nhạc rock-and-roll của McLaren tại 430 Kings Road ở London. Tại đây, họ cùng nhau theo đuổi sự nghiệp thời trang và Vivienne đã sản xuất những mẫu thiết kế dựa trên những ý tưởng đầy khiêu khích của Malcolm. Những chiếc áo phông bị xé toạc và các bản in đồ họa cùng khẩu hiệu gây sốc. Vivienne đã cách mạng hóa những gì được cho là thích hợp để mặc nơi công cộng. 

Bà là người đầu tiên giới thiệu những chiếc quần bondage và các khía cạnh khác của BDSM, cùng với các kim băng và dây xích vào xu hướng thời trang. Không quá ngạc nhiên khi các hình ảnh thời trang của Vivienne đã từng khiến báo chí cánh hữu của nước Anh phẫn nộ. Việc sử dụng các kĩ thuật cắt từ thế kỉ 17 và 18 của bà, đặc biệt là các đường cắt triệt để mà bà đã phát triển cho các thiết kế quần của nam, tiếp tục được sử dụng và mô phỏng cho đến ngày nay. Cửa hàng của họ đã trải qua nhiều lần thay tên đổi họ khác nhau như “Too Fast to Live, Too Young to Die”, “Sex” và cuối cùng là “Seditionaries” - thánh địa thời trang một thời của giới trẻ bấy giờ. Năm 1976, cửa hàng mở cửa trở lại khi Seditionaries biến dây đai và khóa kéo của chủ nghĩa tôn sùng tình dục khó hiểu thành thời trang và truyền cảm hứng cho tính thẩm mỹ DIY. Các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ gọi nó là “Punk Rock”. Vào năm 1980, cửa hàng được đổi tên thành Worlds End và cái tên này được sử dụng cho đến ngày nay. 

Ngay sau khi Vivienne và Malcolm tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập đầu tiên có tựa đề “Pirates” vào năm 1981, mối quan hệ của họ đã đi đến hồi kết nhưng cả hai vẫn giữ mối quan hệ đối tác chuyên nghiệp trong 5 năm kế tiếp. Kể từ đó, bà đã xác lập danh tính của mình là một nhà thiết kế độc lập và tiếp tục tạo ra các bộ sưu tập kinh điển mang tên Savage, Buffalo Girls, New Romantics và The Pagan Years.

Ai cũng có thể nhìn ra được ngôn ngữ thiết kế của Vivienne, bà luôn có một niềm đam mê sâu sắc với thời trang punk. Vivienne đã có một số khách hàng nổi tiếng mặc các thiết kế của mình như Công chúa Eugenie cho tất cả các buổi nghi lễ trong đám cưới hoàng gia vào năm 2011. Trước đó, vào năm 2009, Nữ công tước xứ Cornwall mặc trang phục của Vivienne tại Royal Ascot. Hơn nữa còn có các sao nữ như Gwen Stefani. 

Vivienne không chỉ là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế khác mà còn là người đã đưa sự nghiệp của một số nhà thiết kế phát triển trong nền thời trang của Anh. Cô thuê Patrick Cox vào năm 1984 để thiết kế giày cho bộ sưu tập của mình. Kết quả là một mẫu giày cao gót 9 inch đã khiến siêu mẫu Naomi Campbell ngã trong buổi trình diễn thời trang ở Paris vào năm 1993.

Bên cạnh tình yêu của bà đối với thiết kế thời trang, Vivienne Westwood còn được xem như một nhà hoạt động chính trị khi bà thường rải rác các khẩu hiệu và lời kêu gọi hành động mang tính chính trị lên các thiết kế đẹp mắt của mình. Sự quan tâm đến các vấn đề chính trị của Vivienne đã thay đổi trong những năm qua. Bà đã từng tung ra các thiết kế áo phông và quần áo trẻ em với khẩu hiệu “AM NOT A TERRORIST, please don’t arrest me” (tạm dịch: tôi không phải là phần tử khủng bố, xin đừng bắt tôi). Hiện nay, bà chủ yếu là một nhà hoạt động vì biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và các quyền công dân, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. 

Theo: BoF, FamousFashionDesigners, Vivienne Westwood
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.