• Về đầu trang
Hoài Thương
Hoài Thương

Hội chứng POST-SERIES DEPRESSION: Làm sao để vượt qua cảm giác trống vắng sau khi xem xong một bộ phim đầy cảm xúc hoặc một cuốn tiểu thuyết hay?

Tâm lý

Post-Series Depression (Note: đây không phải là một loại bệnh rối loạn tâm lý) được lí giải trong từ điển urbandictionary: cảm giác buồn bã hoặc trầm uất mà một người trải qua sau khi xem xong một bộ phim hay hoàn thành xong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Cảm giác nghẹn đắng khi họ nhận ra rằng câu chuyện mà họ theo dõi đã đến đoạn kết, nhưng họ không muốn chấp nhận rằng nó đã kết thúc.

Những ảnh hưởng của nó có thể kể đến như:

- Một tâm trạng “tụt mood” , trầm uất và buồn bả

- Khó tiếp tục xem một bộ phim/đón nhận một câu chuyện mới

- Mong muốn được xem đi xem lại và đọc về những điều liên quan đến câu chuyện đó

- Đẩy cảm xúc đó ra ngoài bằng việc đặt quá nhiều hứng thú lên việc sử dụng internet (có thể là để được tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan đến câu chuyện chăng?)

- Nhiều người thậm chí còn tiếp tục muốn cảm nhận câu chuyện ấy bằng cách tự viết lên những đoạn kết hay những câu chuyện tiếp diễn cho các nhân vật (ví dụ như viết fanfic).

Cho dù bạn có thể đọc đi đọc lại, hay xem lại từng phân cảnh của bộ phim ấy, thì cảm giác háo hức và hồi hộp tò mò theo từng tập phim dường như không còn nữa; bạn đã từng không biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra với nhân vật ấy; bạn đã từng thích thú hay ngạc nhiên tột độ với những cú plot twist (cốt truyện xoắn) và tình huống trong cuộc sống của nhân vật trong câu chuyện. Nhưng khi bạn đã kết thúc nó, bạn không còn tìm lại được những cảm giác “lần đầu tiên” ấy nữa.

TẠI SAO TA LẠI CÓ CẢM GIÁC BỊ “LẬM PHIM” NHƯ VẬY?

Hoặc như nhiều người cũng nói, xem xong một bộ phim, cảm giác như bạn vừa chia tay một cuộc tình. Như chuyên gia Kevin Foss ( founder of the California OCD and Anxiety Treatment Center) nói rằng : khi chúng ta nhập tâm vào một câu chuyện nào đó - từ sách hoặc điện ảnh - ta như đánh mất thực tại vào một thế giới kì ảo, đầy tính tưởng tượng, vào các tình tiết lãng mạn, vào sự kịch tính cũng như những trải nghiệm của các nhân vật trong câu chuyện. Dần dần, ta dường như phát triển một xúc cảm thân mật với những nhân vật trong đó. Ta theo dõi từng chiến tích của họ, từng dòng suy nghĩ nội tâm, từng nụ cười và quá trình suy nghĩ cũng như sự rung động trong cảm xúc của họ.

Thậm chí ta còn soi chiếu bản thân mình vào trong nhân vật đó, ta dường như cùng chia sẻ những thử thách trong câu chuyện của họ. Nhờ đó, ta như được sống cùng họ trong một thế giới kì thú và huyền ảo, đầy nguy hiểm, bí ẩn hay đầy những cảm xúc sâu sắc. Vì thế khi câu chuyện kết thúc, ta dường như phải nói lời tạm biệt với những người mà ta dường như đã thân thiết. Đó là lí do tại sao ta cảm thấy như vừa chia tay người yêu sau khi xem một bộ phim.”

Theo một bài viết được thảo luận trên Psychologytoday, tác giả nhận xét rằng: qua một nghiên cứu đang trong quá trình xuất hiện trên “the Annals of the New York Academy of Sciences”, họ tìm ra rằng những người được cho xem đoạn video có mức độ xúc cảm (gây ra cảm xúc mãnh liệt) đã tăng mức độ hooc môn Oxytocin lên 47%. Theo đó việc kiểm soát sự căng thẳng (liên quan đến việc tăng hormones căng thẳng), sự đồng cảm có mối tương quan cao với sự gia tăng hooc môn oxytocin. Vì thế khi chúng ta đồng cảm hoặc thậm chí khóc vì một câu chuyện giả tưởng do oxytocin trong não ta được điều chỉnh một cách không hoàn toàn đúng, nghĩa là nó không phân biệt được giữa hiện thực và những hình ảnh con người được truyền tải lấp ló, thấp thoáng trong tưởng tượng của ta khi xem các phân cảnh phim. Từ đó thúc đẩy oxytocin khiến ta cảm thấy một sự đồng cảm dâng trào.

Ngoài ra, những hình ảnh đầy tính tưởng tượng trong các bộ phim dường như khiến ta cảm thấy chán nản khi trở về với đời thật, không còn những sự ngẫu nhiên hay những tình huống dễ dàng xuất hiện một cách bất ngờ nữa. Theo nhà tâm lý học Margaret Rutherford (tác giả cuốn sách Perfectly Hidden Depression: How to Break Free From the Perfectionism That Masks Your Depression.) phát biểu rằng: “ Hiện thực với những sinh hoạt hằng ngày như việc dùng chỉ nha khoa, dọn dẹp rác thải, đảm bảo phải hoàn thành công việc hay học tập, hay những deadlines đang chờ đợi là những điều không khiến ta thấy tò mò hay phục vụ cho trí tưởng tượng của ta được nữa.

Vì thế, khi những câu chuyện kịch tính đã kết thúc, ta như đối diện với một sự thật rằng ta phải chấm dứt một điều gì đó mang lại cho ta nhiều cảm xúc, khiến ta thấy đau buồn.” Không chỉ có sự kết thúc của các nhân vật trong câu chuyện - mà có vẻ như một phần của chúng ta dường như cũng kết thúc theo bộ phim ấy. Cảm giác trống vắng và trầm uất sau khi ta quăng mình vào một thứ gì đó hấp dẫn và lôi cuốn, ta đặt mình vào một phần của câu chuyện. Ta mở lòng ra và cho mình cảm nhận tất cả những cảm xúc phong phú dâng trào bên trong.

Ta cảm nhận được những cảm xúc sâu sắc - và cảm những sự tổn thương một cách an toàn và không hề gây ảnh hưởng quá tiêu cực đến ta (như khi ta cảm nhận nó ở chính cuộc đời mình - vì dù sao nó cũng là những câu chuyện trong phim). Và khi câu chuyện trong phim hoặc sách kết thúc, nó mang theo phần cảm xúc và trải nghiệm đó của bạn đi cùng - theo nhà tâm lý học Jeanette Raymond.

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta hằng ngày lướt stories instagram hay facebook sẽ thấy những người bạn mình đăng hình ảnh của một bộ phim nào đó; một nhân vật chính nào đó hay chia sẻ những dòng vu vơ như “hic giờ không muốn xem phim nào khác nữa” hay “xem xong tự dưng thấy hụt hẫng ghê” - có lẽ đó, chính là nó!

LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA NÓ

Những đề xuất để vượt qua được cảm giác trống vắng sau một bộ phim:

1. HÃY KHIẾN BẢN THÂN HOÀN TOÀN ĐẮM CHÌM VÀO NÓ, ĐẾN KHI BẠN KHÔNG CÒN QUAN TÂM NỮA

- Hãy tìm kiếm tất cả mọi thứ liên quan đến những câu chuyện, nhân vật, bài nhạc phim, diễn viên,… và hãy cứ cảm nhận nó; hãy cười cùng những điều bạn tìm được, hoặc khóc nếu có thể. Hãy để bản thân được chìm đắm và tận hưởng cảm giác mà nó mong muốn. Thả hồn theo những điều đó cho đến mức bạn không còn thấy trống vắng, buồn bả nữa. - Hãy thử ra ngoài hít thở, vận động (và vẫn nghe nhạc phim đó) để vừa kêt nối với bộ phim, vừa để cơ thể tiết ra endorphins (một chất giảm đau tự nhiên của chúng ta)

2. HÃY LUÔN CHUẨN BỊ SẴN MỘT LIST CÁC PHIM HAY CÁC CUỐN SÁCH KHÁC ĐỂ THEO DÕI SAU ĐÓ

Đừng chờ đợi sau khi hoàn thành xong một bộ phim rồi mới bắt đầu tìm kiếm câu chuyện mới, hãy tạo cảm giác háo hức để xem tiếp một bộ/cuốn sách khác sau khi hoàn thành 1 chuyến phiêu lưu cảm xúc. Mình là một con mọt phim/mọt tiểu thuyết chính hiệu và cách này thực sự giúp mình thoát ra khỏi cảm giác lạc lỏng như tách biệt với thế giới hiện thực sau khi trải qua một câu chuyện của người khác. Mình đã từng mê đắm đuối câu chuyện của nhân vật Naruto, đến mức mình mơ được làm Ninja hoặc thậm chí đến tận bây giờ mình theo ngành tâm lý cũng vì mình được truyền động lực bởi một nhân vật trong câu chuyện này.

3. THAM GIA THẢO LUẬN Ở CÁC DIỄN ĐÀN/FANDOM VỀ PHIM

Cũng như cách đầu tiên, nhiều người chọn cách tìm kiếm những cuộc trao đổi, review, bàn luận với những người có cùng nỗi trống rỗng giống họ. Điều này khiến bạn tiếp cận được thêm nhiều câu chuyện ngoại truyện, nhiều phân cảnh đặc biệt mà bạn có thể bỏ qua trong lúc xem/đọc câu chuyện ấy. Và nhờ đó, có thể bạn sẽ thấy chán sau vài giờ/vài ngày bàn tán và mổ xẻ về nó. Đồng thời bạn cũng có thể biết đến nhiều câu chuyện, bộ phim hay sách liên quan đến chủ đề mà bạn đang cực kì hứng thú đó!

Chúc các bạn có một mùa cách ly và một mối quan hệ lành mạnh đầy cảm xúc với những nhân vật trong các câu chuyện phim, sách, điện ảnh nhé!

Theo: urbandictionary,melmagazine,Nguyễn Lê Hoài Thương @PSYCHOFACTS_TAMLYHOCVIETNAM

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.