• Về đầu trang
NNQ
NNQ

CEO mới của Chanel không phải người làm trong ngành thời trang

Thế Giới

Sau hơn 5 năm không có CEO toàn cầu, hãng thời trang Pháp Chanel đã bổ nhiệm Leena Nair, cựu giám đốc điều hành Unilever, làm người thay thế Maureen Chiquet.

Khi Chiquet rời thương hiệu sau chín năm gắn bó hồi đầu năm 2016, người đồng sở hữu của Chanel, Alain Wertheimer đã tạm giữ vị trí CEO trên cơ sở đương nhiệm.

Trong một tuyên bố chính thức, Chanel cho biết tỷ phú 73 tuổi người Pháp (người cùng sở hữu thương hiệu với anh trai, Gerard Wertheimer) sẽ chuyển sang giữ vai trò chủ tịch điều hành toàn cầu của tập đoàn, qua đó để Nair nắm quyền thống trị.

Tin tức này khiến nhiều người trong ngành bị sốc, vì Leena Nair được cho là người "ngoại đạo" khi không có kiến thức về thời trang lại được lựa chọn làm CEO Chanel.

Bà Leena Nair - CEO toàn cầu mới của Chanel là một người ít có kinh nghiệm về thời trang.

Tuy nhiên, Nair đã tạo dựng được danh tiếng riêng bản thân trong suốt 30 năm làm việc tại Unilever. Chức vụ cô đảm nhận gần đây nhất là giám đốc nhân sự và thành viên ban điều hành công ty, chịu trách nhiệm giám sát hơn 150.000 nhân viên.

Trong thời gian Leena Nair làm việc, Unilever được khen ngợi nhờ bình đẳng giới trong bộ máy quản lý toàn cầu và trả người lao động mức lương đủ sống trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Nair cũng là thành viên hội đồng quản trị không điều hành của British Telecom và trước đây đã từng là giám đốc không điều hành của bộ phận chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp của chính phủ Anh.

Chanel ghi nhận doanh số bán hàng hồi phục, tuy nhiên lợi nhuận kinh doanh vẫn giảm sâu.

Chanel cho biết Nair sẽ chính thức gia nhập công ty vào cuối tháng 1, với địa điểm làm việc chính ở London. Hãng thời trang xa xỉ cũng tiết lộ thêm rằng việc Nair nắm quyền sẽ đảm bảo "thành công lâu dài của Chanel với tư cách một công ty tư nhân".

Vào tháng 6, Chanel thông báo họ đã chi số tiền kỷ lục 1,1 tỷ USD trong suốt đại dịch Covid-19 và chưa có kế hoạch giảm chi phí, mặc dù doanh thu hàng năm giảm 18% (xuống 10,1 tỷ USD) vào năm 2020 do “môi trường kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng”.

Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 2,05 tỷ USD, giảm 41,4%, mặc dù Chanel ghi nhận xu hướng bán hàng được cải thiện trong quý cuối cùng của năm.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.