• Về đầu trang
NNQ
NNQ

Trung Quốc: Các cặp đôi đổ xô kết hôn trong ngày tình yêu 22/2/2022

Thế Giới

Trung Quốc ghi nhận số lượng cặp đôi kết hôn tăng đáng kể vào thứ ba, ngày 22 tháng 2 năm 2022 vì họ tin rằng đây là "ngày tình yêu" và sẽ không có ngày như vậy trong vòng 200 năm nữa.

Logic đằng sau khái niệm "ngày tình yêu" là vì ngày có nhiều số 2, phát âm là "er" trong tiếng Quan Thoại, tương tự như từ yêu - “ai”. 22/2/2022 càng đặc biệt hơn nữa khi rơi vào ngày 22 trong tháng Giêng (âm lịch) - tức là thêm hai số 2 nữa.

Các bức ảnh kỷ niệm "ngày tình yêu" được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội nội địa Trung Quốc.

Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc tin rằng 22 tháng 2 năm nay là "ngày tốt nhất để kết hôn trong hàng trăm năm", và chấp nhận bỏ qua ngày lễ tình nhân 14/2 - ngày cao điểm kết hôn tại Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Tại Bắc Kinh, một tuần trước, có tới 4.745 cặp đôi đã đăng ký kết hôn vào ngày 22 tháng 2, gấp đôi con số đăng ký cho Ngày lễ tình nhân năm nay, tờ Beijing Youth Daily đưa tin.

Văn phòng Dân sự thành phố cho biết họ đã chuẩn bị trước cho sự gia tăng đột biến này bằng cách kéo dài thời gian mở cửa thêm một giờ, bỏ qua thời gian nghỉ trưa và hứa rằng các quan chức sẽ không rời đi cho đến khi cặp đôi cuối cùng hoàn thành đăng ký kết hôn.

“Chúng tôi muốn nhắc nhở công chúng rằng tốt hơn là không nên tụ tập lại với nhau [để tránh lây nhiễm virus Corona]. Nếu các bạn yêu nhau, mỗi ngày đều là một ngày tốt lành”, một quan chức dân sự ở Bắc Kinh nói.

Một phụ nữ họ Qin ở Bắc Kinh cho biết, cô và bạn trai dự định đăng ký kết hôn vào ngày 22/2. Cặp đôi đã tìm hiểu hệ thống đặt đăng ký trực tuyến cho ngày trọng đại từ 6/2 và phải đợi hàng giờ mới đặt được một cuộc hẹn cho đám cưới của họ.

Người dân xếp hàng đăng ký kết hôn ở Nam Ninh.

Tại Thượng Hải, số lượng các cặp đôi kết hôn vào ngày 22 tháng 2 gấp 2-3 lần so với Ngày lễ tình nhân năm nay. Tại Nam Ninh, hơn 300 cặp đôi đã được đặt lịch để kết hôn, gấp khoảng 5 đến 8 lần so với ngày thường và gấp 6 lần so với ngày lễ tình nhân năm nay, Guangxi TV đưa tin .

Tuy nhiên, đối với một số người dân, đặc biệt là những người ở miền Bắc Trung Quốc, ký tự “er” trong tiếng Trung có hàm ý là ngớ ngẩn. Một người dùng Weibo đùa: "Tôi có nên làm điều gì đó ngớ ngẩn để không lãng phí ngày ngớ ngẩn nhất này không?"

Theo: Beijing Youth Daily
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.