• Về đầu trang
Mèo Thổ Cẩm
Mèo Thổ Cẩm

Hãy dạy trẻ cách ứng xử khi bị bắt nạt để không hình thành vết thương tâm lý ở con

Hôn nhân gia đình

Việc trêu chọc và bắt nạt xảy ra trong môi trường học đường nhiều hơn chúng ta nghĩ. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi hoặc xấu hổ khi bị trêu chọc và thường có xu hướng giấu bố mẹ về việc này. Vì vậy, hãy trang bị cho con kỹ năng ứng xử trong những tình huống trên để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.

Khuyến khích trẻ phát huy sở trường

Bạn có thể khuyến khích con thực hiện những hoạt động mà chúng giỏi để hình thành sự tự tin cho trẻ. Hãy trò chuyện với con về thành tích của chúng và cho con biết rằng chúng đang làm tốt như thế nào. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân và giúp xây dựng lòng tự tôn của trẻ.

Nói với trẻ rằng chúng hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

Một số trẻ em có thể chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ trong vài tình huống, nhưng những trẻ nhút nhát thì không. Vì vậy, bạn nên dạy con rằng không có gì phải xấu hổ khi nhờ người lớn giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như giáo viên ở trường.

Lắng nghe trẻ

Hãy trò chuyện với con về những gì đang diễn ra ở trường và làm cho chúng cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Để trẻ biết rằng bạn luôn bên cạnh giúp đỡ và hỗ trợ trẻ là một sự đảm bảo an toàn lớn cho con bạn. Hãy cố gắng không phản ứng mạnh để trẻ không cảm thấy sợ khi kể cho bạn nghe những tình huống chúng đang gặp phải. Cuối cùng, đừng cố tìm lý do trong hành vi của con để giải thích vì sao chúng bị trêu chọc. Đó không phải là lỗi của trẻ và đổ lỗi cho con sẽ chỉ khiến chúng thêm lo lắng mà thôi.

Dạy trẻ không phản ứng lại với những lời trêu chọc

Những kẻ bắt nạt luôn muốn nhận được phản ứng từ đối phương. Vì vậy, tức giận hay khóc lóc chỉ khiến trẻ bị trêu chọc nhiều hơn. Hãy dạy con bạn cố gắng phớt lờ những lời trêu ghẹo như thể chúng vô hình và bỏ đi nếu có thể. Bố mẹ thậm chí có thể diễn tập tình huống giả định với trẻ và khen ngợi con nếu chúng phản ứng theo cách đã được dạy.

Thực hành hình dung tình huống

Hình dung là một kỹ thuật hiệu quả để giúp con xử lý những trò trêu chọc. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu trẻ tưởng tượng rằng xung quanh chúng có một lá chắn không để những lời trêu chọc gây tổn thương đến trẻ. Hoặc trẻ cũng có thể tưởng tượng rằng những từ ngữ này sẽ dội ngược lại những kẻ trêu chọc chúng. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng những gì người khác nói không thể ảnh hưởng hoặc làm tổn thương mình.

Dạy trẻ cách biến lời trêu chọc thành lời khen

Những kẻ bắt nạt luôn muốn làm đối phương tổn thương, nhưng chúng sẽ không thể làm điều đó nếu bạn dạy con cách biến điều tiêu cực thành tích cực. Ví dụ: nếu con bạn đeo kính và bị gọi là "đồ bốn mắt", thay vì tức giận hay xấu hổ, trẻ có thể cảm ơn những kẻ bắt nạt vì đã chú ý đến đặc điểm này. Điều này sẽ làm cho kẻ bắt nạt cụt hứng vì không nhận được phản ứng như mong muốn.

Dạy trẻ đồng ý với sự thật

Nếu trẻ bị trêu chọc dựa trên những đặc điểm có thực, chẳng hạn như tàn nhang, bạn có thể dạy con đồng ý với lời trêu chọc đó. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là trẻ nên cảm thấy thất vọng về bản thân và để kẻ bắt nạt giành chiến thắng. Hãy nói với con không có gì sai khi có tàn nhang hay đeo kính cả và luôn đảm bảo rằng trẻ hiểu và không xấu hổ về những đặc điểm đó. Trẻ thỉnh thoảng sẽ cảm thấy không an toàn hoặc không hài lòng về bản thân, nhiệm vụ của bố mẹ là trấn an và củng cố niềm tin rằng con luôn là phiên bản đặc biệt nhất trên thế gian này.

Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.