• Về đầu trang
Cú trúc
Cú trúc

Lễ Hằng Thuận và những điều răn dạy của Đức Phật trong hôn nhân

Hôn nhân gia đình

Hằng Thuận là những đám cưới được tổ chức trên chùa với ý nghĩa cầu phúc cho hôn nhân, đặt mình dưới thần Phật và hướng về những giá trị truyền thống...

Trong lễ Hằng Thuận, ngoài những nghi thức và trang trí tôn nghiêm dành cho lễ cưới, đôi vợ chồng còn được nghe câu chuyện và những lời dạy của Đức Thích Ca về vai trò của người nữ và người nam trong cuộc sống tương lai.

Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, những lời ấy được các đệ tử đời sau nghe lại rồi ghi lại, dịch lại sang những ngôn ngữ khác nhau.

1. Kinh Sigàlovàda sutta (thuộc Trưởng Bộ Kinh)

Lúc bấy giờ, Đức Thích Ca đang ở tại khu rừng Veluvana gần thành Ràjagaha. Vào một buổi sớm, một người nọ rời thành, với áo tóc thấm nước, hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và trời đất mà chắp tay hành lễ.

Thấy được cảnh ấy, Đức Thích Ca cầm y bát vào thành Ràjagaha khất thực và tìm gặp người kia, tên là Singàlaka. Ngài giảng cho Singàlaka về ý nghĩa của việc lễ bái tứ phương và trên dưới, trong đó có đạo làm vợ, làm chồng ứng với phương Tây.

Có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: (1) kính trọng vợ, (2) không bất kính đối với vợ; (3) trung thành với vợ; (4) giao quyền hành cho vợ; (5) sắm đồ nữ trang cho vợ.

Được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: (1) thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; (2) khéo tiếp đón bà con; (3) trung thành với chồng; (4) khéo gìn giữ tài sản của chồng; (5) khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Người vợ được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy được phương Tây che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Người vợ được chồng đối xử như phương Tây và vợ có lòng thương chồng cũng như thế thì sẽ nhận được sự che chở của phương Tây...

Lưu ý: Thích Ca là ngộ ra Tứ Đại (đất, nước, lửa, khí) ở Tây Trúc, ý nghĩa có sự khác biệt với Ngũ hành của phương Đông.

2. Kinh Anguttara Nikaya (thuộc Đại Tạng Kinh)

Đức Thích Ca lúc này đang ở khu rừng Bhesakalà tại núi Sumsumàra. Một buổi sáng, Ngài cầm y bát đến nhà Nakulà và gặp hai vợ chồng gia chủ. Sau khi an tọa, chồng Nakulà hỏi Đức Thích Ca:

Bạch Thế Tôn, từ khi nữ gia chủ được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến vợ con, ý nghĩ cũng không, chớ nói gì đến (hại) thân. Thưa bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, cũng muốn thấy mặt nhau đời sau nữa.

Nữ gia chủ cũng hỏi Đức Thích Ca:

Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ Nakulà từ khi còn trẻ tuổi, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến gia chủ, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến (hại) thân. Thưa bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

Ngài trả lời:

Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau, tức là cả hai đã đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ. Đã thế thì hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.

Bình của người viết: Dù Tây Trúc hay Đông Thổ, người xưa đều chú trọng trước tiên vào trách nhiệm của người chồng, người cha, vốn được đặt lên trước trong các mối quan hệ cha con, vợ chồng. Gia đình có người nam che chở, sau có người nữ quán xuyến thì mới thực sự được yên ổn, ai cũng đều có bổn phận.

Ngoài ra, người xưa đa phần quan niệm hôn nhân là nhân duyên luân hồi chứ không chỉ dừng lại ở một kiếp. Việc kính trọng lẫn nhau của người xưa là để tiếp mối duyên lành đến đời sau, không chỉ chú trọng cảm xúc nhất thời.

Đây chính là hai cột trụ trong hôn nhân của người xưa khiến vợ chồng hạnh phúc, gia đình an cư, đất nước được yên ổn. Và ngược lại…

Theo: Maybe Original
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.