• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Biến những chiếc dép xỏ ngón trên bãi biển thành tác phẩm nghệ thuật

Khám phá

Ô nhiễm môi trường biển hiện nay đang là một trong những vấn đề nan giải, khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đau đầu. Nghiêm trọng nhất có lẽ phải kể đến những bãi biển phía đông Kenya – nơi bất đắc dĩ trở thành “thùng rác” của thế giới.

Những bãi biển ở đây không chỉ có các loại rác thải thường thấy như nilon, vỏ chai, lon nước ngọt…mà còn có hàng triệu đôi dép cao su xỏ ngón. Mặc dù vậy, từ cuối những năm 1990, số dép này đã được tận dụng như một nguồn vật liệu “quý giá’ để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Năm 1990, một công ty đã được thành lập tại Kenya với sứ mệnh làm sạch các bãi biển và tạo việc làm cho người dân địa phương.

“Có đến hàng nghìn hàng vạn đôi dép xỏ ngón trôi dạt vào bờ biển Đông Phi, tạo ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng. Không chỉ làm mất mỹ quan bờ biển, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động thực vật như ngáng đường rùa con bò ra biển.”

Đại diện công ty cho biết.

Quy trình làm ra một tác phẩm bắt đầu từ việc các công nhân sẽ đi thu gom những chiếc dép xỏ ngón ngoài bãi biển, hoặc công ty cũng trả tiền để mua lại dép do người dân thu thập. Trong quá trình đó, các loại rác thải khác như nhựa cứng, nhựa PET cũng được thu gom và bán lại cho các cơ sở tái chế khác.

Sau khi được làm sạch, những người thợ sẽ dán từng chiếc dép lại tạo thành một tấm lớn, nhiều màu sắc. Công đoạn cuối cùng là tạo hình và gọt đẽo để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Đa phần sản phẩm thu được sẽ là mô hình động vật, tranh treo tường hoặc tranh để bàn. Họ sẽ phân phối chúng đến các cửa hàng lưu niệm và hơn 40 vườn thú, thủy cung, viện bảo tàng.

Ngoài ra, vụn thừa trong quá trình gia công cũng được tận dụng để nhồi vào gối, đệm hoặc làm thảm cho thú cưng.

Chỉ riêng năm 2013, công ty đã giải quyết được khoảng 50 tấn dép xỏ ngón bị “bỏ rơi” trên các bãi biển của Kenya. Lợi nhuận thu về sau khi bán số tác phẩm này sẽ được sử dụng 100% cho công tác bảo tồn ở khu vực. Mục tiêu tương lai của công ty là sẽ có thể tái chế được 400,000 đôi dép mỗi năm.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp tạo việc làm cho hơn 100 người thuộc các khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao như Ngong và Mombasa.

“Những tác phẩm này chứa đựng thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái biển, đồng thời cũng giúp mang lại nụ cười cho người dân trên toàn thế giới.”

Đại diện của công ty chia sẻ.
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.