• Về đầu trang
Hieu Duong
Hieu Duong

12 ngày cần biết về các vấn đề sức khỏe

Cuộc sống

WHO - Tổ chức Y tế thế giới - đã chọn một số ngày trong năm để công dân toàn cầu có thể nhận thức và tăng sự hiểu biết về các vấn đề sức khỏe, y tế. Theo đó, trong những ngày này, nhiều sự kiện được tổ chức ở cả quy mô địa phương và thế giới. Những sự kiện được tổ chức không chỉ là những hoạt động mang tính tuyên truyền đơn thuần mà còn gắn liền với những hoạt động thiết thực.

Cùng Lost Bird điểm qua thông tin hữu ích về 12 ngày này ngay dưới đây.

Tổ chức Y tế Thế giới - WHO.

3/3 - Ngày Thính giác Thế giới

Đây là ngày được WHO tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về cách phòng, chống bệnh điếc và hiện tượng suy giảm thính lực. Cùng với đó, các mẫu quảng cáo, khẩu hiệu của ngày này cũng nỗ lực truyền tải thông điệp về chăm sóc sức khỏe thính giác.

24/3 - Ngày Thế giới Phòng chống Lao

Ngày 24/3 hàng năm được lấy làm Ngày Thế giới Phòng chống Lao từ năm 1882, khi bác sĩ Robert Koch tìm ra vi khuẩn gây bệnh lao. Ngày này không chỉ để kỉ niệm bước tiến quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị lao mà còn thể hiện nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự tàn phá sức khỏe, hậu quả kinh tế - xã hội của bệnh lao (TB) và đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt đại dịch lao toàn cầu.

7/4 - Ngày Sức khỏe Thế giới

Ngày 7 tháng 4 vừa là ngày để thu hút sự chú ý của cộng đồng về các vấn đề sức khỏe vừa đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập WHO năm 1948.

7/4 là ngày thành lập Tổ chức Y tế Thế giới - WHO.

14/4 - Ngày Bệnh Chagas Thế giới

Ngày Bệnh Chagas thế giới chỉ mới được tổ chức vào năm 2020. Bệnh Chagas còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên, dịch bệnh đáng sợ này đã tác động đến người dân các nước đang phát triển khác. Do vậy, WHO đã đề ra ngày này để nâng cao nhận thức về việc phòng chống và điều trị sớm để giảm thiểu sự lây lan của bệnh Chagas.

25/4 - Ngày Bệnh sốt rét Thế giới

Sốt rét là một căn bệnh phổ biến nhưng không vì thế mà chúng ta có thể xem nhẹ mức độ nguy hiểm của nó. Do đó, các quốc gia thành viên của WHO tại Hội đồng Y tế Thế giới năm 2007 đã thiết lập ngày này.

31/5 - Ngày Quốc tế Không thuốc lá

Vào năm 1987, việc các quốc gia thành viên WHO đề xuất về “Ngày Quốc tế Không thuốc lá” đã thu hút sự đồng thuận và chú ý của rất nhiều chuyên gia, tổ chức về y tế, sức khỏe trên toàn thế giới. Năm 1988, đề xuất này được thông qua và ngày 31/5 chính thức được xem là ngày để tổ chức các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu việc hút thuốc.

Hình ảnh từ một chiến dịch về Ngày Quốc tế Không thuốc lá.

7/6 - Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới

An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung giữa các chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới, WHO nỗ lực giảm gánh nặng của các bệnh do thực phẩm trên toàn cầu.

14/6 - Ngày Hiến máu Thế giới

Hiến máu là một hành động có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Y tế của mỗi quốc gia. Hành động này đã phổ biến và ngày càng được xem trọng vì nhiều năm qua, các nước trên thế giới tổ chức những hoạt động tri ân những người tích cực hiến máu và khuyến khích người dân tham gia hiến máu vào ngày 14/6 hàng năm.

28/7 - Ngày Viêm gan siêu vi Thế giới

Ngày 28 tháng 7 được chọn làm Ngày Viêm gan siêu vi Thế giới vì đây là ngày sinh của nhà khoa học đoạt giải Nobel, Tiến sĩ Baruch Blumber. Ông là người đã phát hiện ra vi rút viêm gan B (HBV) và phát triển một xét nghiệm chẩn đoán và vắc xin cho vi rút này.

17/9 - Ngày An toàn người bệnh Thế giới

Ngày An toàn bệnh nhân Thế giới kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu và phối hợp hành động của tất cả các quốc gia và các đối tác quốc tế để cải thiện sự an toàn của bệnh nhân.

Ấn phẩm truyền thông của WHO trong Ngày An toàn người bệnh thế giới.

10/10 - Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới

Sức khỏe tâm thần (hay sức khỏe tâm lý) ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Do đó, WHO đã chọn ngày 10/10 để thúc đẩy sự quan tâm của người dân toàn cầu về các biểu hiện của các vấn đề về tâm thần. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm thiểu tỷ lệ tự tử trên thế giới.

1/12 - Ngày Thế giới phòng chống AIDS

HIV/AIDS đã và đang là một đại dịch dai dẳng và gây ảnh hưởng sâu sắc đến các nước, đặc biệt là các nước ở châu Phi. Do đó, WHO đặc biệt xem trọng việc nâng cao nhận thức, tưởng nhớ những người đã qua đời và tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ điều trị và phòng ngừa AIDS. Và đó cũng chính là lý do ngày 1/12 được rất nhiều nước công nhận là Ngày Thế giới phòng chống AIDS.

Vào những ngày được chọn làm ngày về các vấn đề sức khỏe thế giới, WHO cũng như những tổ chức y tế địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện. WHO cũng thường xuyên tuyển tình nguyện viên cho các chiến dịch lớn. Hãy ghi chú vào lịch những ngày này để cùng tham gia và ủng hộ các hoạt động ý nghĩa của WHO bạn nhé!

Theo: World Health Organization
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.