• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Cha Mẹ Thay Đổi: Hậu quả đau xót của ba đôi vợ chồng dạy con theo phương pháp 'cây gậy hay củ cà rốt'

Cuộc sống

Sau 2 tập của Cha Mẹ Thay Đổi, chương trình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả, qua các tập phim, các cha mẹ lại học thêm rất nhiều bài học để có thể dạy dỗ con cái tốt hơn. Mỗi bố mẹ đều có phương pháp kỹ luật hay dạy dỗ con cái của riêng mình, tuy nhiên cách của chúng ta có đang đúng đắn và khiến con hạnh phúc hơn?

Trong tập 3 của Cha Mẹ Thay Đổi, chương trình đã nêu ra phương pháp dạy con rất phổ biến trong các gia đình là "Cây gậy và cà rốt" (tiếng Anh: carrot and stick). Đây là cách giáo dục chưa đúng đắn, trong đó "cây gậy" tượng trưng cho sự đe doạ, trừng phạt còn "cà rốt" là quyền lợi hay phần thưởng mà trẻ nhận được.

Có 3 gia đình tham gia chương trình bao gồm chị Hà có 1 con trai và 1 con gái, chị Liên có 2 con trai và chị Thu có 1 con gái và 1 con trai.

Cả 3 gia đình nhỏ đều gặp vấn đề chung là con cái thường xuyên quấy khóc, không nghe lời, có thái độ thù ghét bố mẹ và luôn miệng nói bố mẹ không thương mình. Sau một thời gian quan sát, các chuyên gia bao gồm Giáo sư Peck Cho từ Đại học Hàn Quốc, Giáo sư Choi Sung Aie, chủ tịch Hiệp hội Emotion Coaching Hàn Quốc, PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS. Lê Văn Hảo, đã nhận định vấn đề đến từ phương pháp dạy trẻ ở mỗi bố, mẹ.

Vấn đề của rất nhiều bố mẹ là tập trung vào hành vi thay vì là cảm xúc của con cái.

Cụ thể, họ thường xuyên dùng phương pháp "cây gậy và cà rốt". Mẹ Hà thì lập bảng nội quy, nếu các con tuân thủ sẽ tặng một "mặt cười", những điểm cộng này sẽ đổi được quà, giờ chơi điện tử. Lâu ngày, điều này khiến các con chỉ cố gắng hoàn thành mọi việc vì phần thường chứ không vì cảm xúc nữa.

Cả 2 con của chị Hà đều chỉ tập trung vào chiếc bảng thành tích này.
Lâu dần gây ra rất nhiều sự trống trải và tổn thương.

Còn với gia định chị Liên, Tý là con trai lớn của chị, cậu bé rất bướng bỉnh, thường xuyên không nghe lời mẹ, cãi lại và thậm chí là đánh em trai để thoả cơn bực tức. Nguyên nhân của những việc này là vì chị Liên thường bắt ép, đòn roi mỗi khi muốn Tý học bài hay làm việc nhà, khiến cảm xúc căm phẫn của cậu bé luôn trong trạng thái muốn bùng nổ.

Tý rất ghét mẹ vì mẹ hay mắng và đánh mình.
Cậu bé đánh em trai mình rất thường xuyên.

Gia đình chị Thu với con gái Hà Anh cũng không vui vẻ hơn, Hà Anh luôn cau có, mặt mũi căm thù mẹ mỗi khi bị mẹ bắt ép làm gì đó như ăn cơm hay học bài. Chị Thu thường răn đe con bằng những lời doạ nạt rất đáng sợ, đôi khi chị còn dùng phần thưởng là tiền để con làm theo ý mình.

Hà Anh không bao giờ cười khi ở nhà.
Đôi mắt của cô bé chứa rất nhiều sự thù ghét.

Trong suốt thời gian dài như thế, những đứa trẻ sẽ bị tổn thương sâu sắc trong tâm hồn, chúng không còn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Thậm chí là cảm thấy trống rỗng trong chính gia đình mình, mối quan hệ với bố mẹ chỉ còn lại "tiền" và "đòn roi".

Kiểm soát con cái theo cách này chỉ khiến chúng trở thành vật nuôi tốt:

Chúng ta thường dùng gậy và cà rốt để nuôi ngựa hay lừa. Khi muốn nó chạy thì chúng ta dùng gậy đánh nó. Vì thế, chủ nghĩa hành vi là một cách tuyệt vời để điều khiển ngựa. Nếu như chúng ta dùng cách nuôi ngựa để dạy con, thì con cái chỉ có thể trở thành vật nuôi tốt. Chúng không thể trở thành những người trưởng thành thực sự.

Tiến sĩ Peck Cho
Các bố mẹ tham gia khoá học.
Lắng nghe các chuyên gia.

Sau khi nhận ra vấn đề, chuyên gia đã giúp các phụ huynh học thêm các bài học về kết nối cảm xúc như hãy lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con, gọi tên những gì con cảm nhận và đồng cảm cùng con trước khi muốn răn đe con bằng đòn roi. Đây dường như là cách xử lý chung cho tất cả các gia đình gặp phải tình trạng bất hoà.

Các bố mẹ khi được học về cách kết nối cảm xúc, họ bắt đầu nhận ra phương pháp "cây gậy hay cà rốt" thật sự sẽ mang đến ấm ức và bất hạnh cho con cái. Mọi người đồng ý thay đổi, trong cả chuyện kiềm chế cảm xúc, không la mắng, đánh đòn con cái như trước nữa. Chương trình tiếp tục với hình ảnh các bố mẹ bắt đầu biết lắng nghe con cái của mình hơn, tuy nhiên kết quả lại không được như mong muốn, có thể vì niềm tin của các bé đã bị tổn thương lâu ngày và bố mẹ vẫn chưa thể kiên nhẫn đến cuối cùng.

Gia đình chị Liên và bé Tý đã hạnh phúc được một thời gian, cậu con trai bướng bỉnh ngày nào đã thường xuyên quấn quýt bên cạnh mẹ, buổi tối, Tý cũng không đi chơi mà ở nhà cùng mẹ. Tuy nhiên, sau một thời gian thì Tý lại như trước và chị Liên cũng không còn kiên nhẫn chơi đùa với con.

Ở nhà chị Hà, bé Lê Minh vẫn rất nhõng nhẽo khiến chị gái luôn khó chịu dù chị và chồng đã cố gắng hết sức để an ủi con. Nhà chị Thu cũng không khá hơn khi bé Hà Anh chỉ vui vẻ được một thời gian, ban đầu, chị Thu kết nối cảm xúc với bé rất tốt, chị biết thấu hiểu và đồng cảm với những gì Hà Anh cảm thấy nhưng sự mất kiên nhẫn ở thời gian sau khiến mọi chuyện lại như cũ.

Cậu bé vẫn rất nhõng nhẽo với mẹ Hà.
Chị Thu và bé Hà Anh đã có những giây phút kết nối tốt.
Mẹ con chị Liên cũng vui vẻ hơn.

Theo Tiến sĩ Peck Cho, điều quan trọng khi dỗ con cái không phải là ra lệnh cho con nín khóc:

Mục tiêu của các bố mẹ không nên là làm thế nào để con không khóc nữa mà là làm thế nào để con họ trưởng thành lên.

Dù chưa có một kết thúc viên mãn nhưng dạy con cái là một hành trình mà bố mẹ phải dành cả đời để khám phá và chinh phục. Tin rằng với những bài học và kinh nghiệm qua chia sẻ của các chuyên gia, nhiều bố mẹ sẽ hoàn thiện được mối quan hệ với con cái và mang đến hạnh phúc thật sự cho con mình.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.