• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Cơ thể con người sẽ thay đổi ra sao khi ở ngoài vũ trụ?

Cuộc sống

Con người ở Trái Đất luôn chịu tác động của trọng lực nhưng khi bay vào không gian, nơi không có trọng lực thì sẽ xảy ra những thay đổi kỳ lạ gì? Dưới đây là một số biến đổi rõ rệt khi bạn sống một thời gian dài ngoài vũ trụ.

Não phình lên

Các phi hành gia sống trong không gian dài ngày sẽ có bộ não tăng thêm lượng chất trắng đến 6%. Chất trắng tăng đẩy áp lực lên hộp sọ và mô não, ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.

Hạn chế thị lực

Việc não phình lên sẽ tác động đến thị giác của con người. Khoảng 80% phi hành gia trở về Trái đất bị mắc các chứng bệnh về đau mắt và mờ mắt, họ bị suy giảm thị lực và mắc phải hội chứng áp lực hộp sọ.

Thân thể tiếp xúc với nhiều bức xạ vũ trụ

Trong không gian, không có tầng ozone bảo vệ con người chống lại các tia có hại. Vì vậy, các phi hành gia phải tiếp xúc với nhiều bức xạ ngoài vũ trụ gây nên loạt triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy ra máu, về lâu dài sẽ gây ung thư, vô sinh, biến đổi gen, phá hỏng DNA và sẽ di truyền qua các thế hệ sau.

Do đó khi làm nhiệm vụ phi hành gia thường được theo dõi mức độ nhiễm bức xạ để đảm bảo mức an toàn, có thể hoạt động ở ngoài vũ trụ.

Cơ bắp bị nhão

Sống trong môi trường không trọng lực sẽ khiến cơ bắp bị yếu đi khoảng 20%, cơ bắp của phi hành gia bị co lại, loại bỏ các phần mô thừa không cần thiết do ít hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, họ thường tập thể dục 2 giờ mỗi ngày bằng máy tập đặc biệt, duy trì lượng cơ bắp cần thiết.

Loãng xương

Phi hành gia thường đối mặt với nguy cơ bị loãng xương 1% mỗi tháng, điều này khiến xương giòn và dễ bị gãy hơn khi trở về Trái đất. 

Mặt tròn hơn

Sống ở môi trường không trọng lực sẽ ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn máu trong cơ thể, khi lực hút Trái đất không còn tác động thì máu sẽ dồn lên phía trên mặt và đầu của con người. Điều này khiến phi hành gia sau thời gian dài ở ngoài vũ trụ sẽ có khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn hơn và tay chân nhỏ đi.

Tâm lý bị ảnh hưởng

Các phi hành đều được kiểm tra tâm lý khi bắt đầu hành trình khám phá vũ trụ. Tuy nhiên họ phải đối mặt với cảm giác bị cô lập, giam cầm trong một không gian khác lạ. Bên cạnh đó là các triệu chứng mất ngủ, thay đổi sinh hoạt của cơ thể khiến phi hành gia bị tổn thương về mặt tinh thần.

Suy giảm hệ miễn dịch

Môi trường không gian có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của con người. Các vấn đề như phơi nhiễm bức xạ, thay đổi về mặt thể chất và tâm lý sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, suy yếu dần khả năng tự miễn dịch, các virus gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể như thủy đậu, bệnh sởi,... cũng dễ bị “đánh thức” và lây lan.

Ảnh hưởng chế độ dinh dưỡng

Các phi hành gia thường dễ bị thiếu vitamin D và chất chống oxy hóa khi ở ngoài không gian do ít tiếp xúc với Mặt trời. Họ còn bị thiếu hụt canxi và vitamin K, nồng độ sắt trong máu cũng bị ảnh hưởng do luôn ở mức cao với lượng hồng cầu bị giảm. Vì vậy thức ăn của phi hành gia thường được cung cấp với đầy đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết.

Khó xác định phương hướng

Hệ thống tiền đình không thể hoạt động trong môi trường không trọng lực, nhiều phi hành gia khi ở ngoài không gian không xác định được vị trí trên dưới và bối rối trong việc tìm phương hướng chính xác.

Giác quan bị suy giảm

Trong không gian, áp suất thay đổi khiến lưu lượng máu trong cơ thể di chuyển tự do, điều này gây nên hiện tượng phù mặt và tác động gây nên bệnh nghẹt mũi.

Các giác quan của con người từ đó mà hoạt động kém hiệu quả hơn, mũi sẽ mất đi khả năng nhận biết mùi vị, thị giác kém đi và vị giác cũng suy giảm, ăn uống cũng không có cảm giác ngon miệng. Vì vậy khẩu phần ăn của phi hành gia thường được chế biến tăng nhiều hương liệu và gia vị.

Tăng chiều cao

Khi ở ngoài vũ trụ các phi hành gia có thể tăng thêm 3% chiều dài cơ thể. Vì ở môi trường trọng lực kém sẽ khiến các đĩa đệm giữa đốt sống giãn ra, lực nén của toàn bộ cơ thể lên xương sẽ biến mất nên khi chúng ta bay vào không gian sẽ cao thêm vài cm.

Đọc thêm: Những sự khác biệt trời sinh giữa nam và nữ

Theo: Ranker, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.