• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Khoa học chứng minh: Đôi khi, càng tỏ vẻ lạc quan bạn sẽ càng chìm sâu trong tuyệt vọng

Cuộc sống

Trong đời sống hiện đại, xung quanh ta luôn có những lời nhắn nhủ rằng phải lạc quan lên. Mỗi khi ta phải trải qua một ngày tồi tệ, người thân sẽ thường khuyên nhủ rằng "hãy suy nghĩ tích cực" hay "đừng bi quan thế". Mỗi khi gặp khó khăn trắc trở, ta thường được bảo rằng một khi ta "buông xuôi mọi muộn phiền" hay "có thái độ tích cực" thì mọi việc sẽ dần ổn thỏa thôi.

Và rồi khi lên mạng xã hội, ta lại bị vây quanh bởi những câu nói "truyền cảm hứng" không thể tránh khỏi, đại loại như "Hãy chọn lấy hạnh phúc", "Nhìn về hướng tích cực", hay "Chỉ cần thay đổi góc nhìn".

hanh phuc la gi 5

Những câu nói "truyền cảm hứng" mà ta thường bắt gặp trên mạng xã hội thực chất không truyền nhiều cảm hứng như ta nghĩ.

Đương nhiên là ai trong số chúng ta cũng cần được tiếp động lực, nhất là khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, quan niệm rằng lúc nào chúng ta cũng phải vui vẻ hạnh phúc thực sự chẳng giúp ích gì và cũng không hề thực tế. Lầm tưởng này có thể được cho là vô cùng "độc hại".

Paul Krismer, người sáng lập Công ty Chuyên về Hạnh phúc tại Columbia thuộc Anh, Canada, chia sẻ rằng "bằng chứng khoa học cho thấy sự hạnh phúc mang lại rất nhiều lợi ích, nên đương nhiên ai cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc."

"Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lợi ích đến từ những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, sự sợ hãi sẽ giúp ta né tránh hiểm nguy, nỗi buồn giúp ta hiểu được những gì ta cần trân trọng và bảo vệ, và sự tủi nhục giúp điều chỉnh những hành vi tiêu cực để ta gắn kết với xã hội - một cơ chế sinh tồn quan trọng."

paul krismer chuyen gia ve hanh phuc

Chuyên gia về hạnh phúc Paul Krismer phải rùng mình khi bắt gặp những lời khuyên cho rằng lúc nào chúng ta cũng phải vui vẻ và hạnh phúc.

Những lời khuyên cho rằng lúc nào chúng ta cũng phải vui vẻ luôn làm Krismer phải rùng mình. Chúng không những phủ nhận những trải nghiệm thật của ta mà còn có ảnh hưởng tích lũy dần và tác động mạnh đến tinh thần.

Krismer giải thích thêm: "Nếu ta đang trải nghiệm nỗi sợ và nỗi buồn nhưng vẫn cố lờ chúng đi, đa phần là chúng sẽ không biến mất. Ta có thể né tránh, che giấu chúng bằng cách giả vờ lạc quan hoặc bằng những thú vui tức thời như uống rượu bia, đi mua sắm, lướt mạng xã hội, nhưng nếu cảm xúc tiêu cực đó rất đáng kể, chúng sẽ âm ỉ mãi và hành hạ ta lâu dài, có thể còn dẫn đến chứng trầm cảm."

hanh phuc la gi 4

Thường xuyên che giấu hoặc lờ đi những cảm xúc tiêu cực là vô cùng độc hại và có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý. Thay vào đó, hãy trải nghiệm những cảm xúc đó một cách chân thật và dần làm quen với chúng.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 trong tạp chí khoa học Emotion cũng xác định rằng tuy rằng mưu cầu hạnh phúc là quan trọng, việc tung hô quá thái và cho rằng lúc nào chúng ta cũng phải cảm thấy hạnh phúc có thể sẽ phản tác dụng, dẫn đến stress, chán nản và tuyệt vọng hơn về lâu dài.

Krismer gợi ý rằng thay vì cố kìm nén hoặc lờ đi những cảm xúc tiêu cực, hãy tập làm quen với chúng.

"Khi ta đã quen với những cảm xúc tiêu cực thì chúng sẽ có ít ảnh hưởng hơn. Ta sẽ nhìn nhận được chúng theo đúng bản chất: chỉ là những cảm xúc nhất thời, đến rồi lại đi. Trái lại với khi ta lờ chúng đi, chúng sẽ cứ âm ỉ và lớn dần lên, buộc ta phải để ý đến."

Nếu những cảm xúc tiêu cứ dai dẳng và quá mãnh liệt, Krismer khuyên rằng nên nói chuyện với một người bạn hoặc tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.

hanh phuc la gi

Phải thực sự trải nghiệm cả hai loại cảm xúc, tích cực và tiêu cực, thì con người mới có thể phát triển một cách toàn diện.

Việc trải nghiệm cảm xúc tiêu cực không phải là dấu hiệu của sự thất bại.

Giáo sư Timothy Sharp, trưởng ban nghiên cứu về hạnh phúc tại Viện Nghiên cứu Hạnh phúc tại Sydney, Úc cho biết, việc cảm nhận những cảm xúc tiêu cực như đau buồn, stress, lo âu, tức giận hay chán nản là điều hoàn toàn bình thường.

"Suy nghĩ rằng ta không nên có những cảm xúc như vậy không phải là một lối nghĩ tốt, vì một sự thật đơn giản là chúng ta không thể lúc nào cũng hạnh phúc được. Không ai có thể và nên mong mỏi một sự hạnh phúc không hồi kết."

hanh phuc la gi 6

Tích cực và tiêu cực đều là những cảm xúc rất tự nhiên, rất thật mà ai cũng trải qua. Không có lý do gì mà ta phải chối bỏ một bên cả.

Vậy "hạnh phúc" và "lạc quan" thực sự là gì? Tiến sĩ Barbara Fredrickson, giám đốc Viện nghiên cứu Tâm sinh lý và Cảm xúc Tích cực thuộc Đại học Bắc Carolina, Mỹ, định nghĩa "hạnh phúc" là khái niệm chung để chỉ một trong 10 cảm xúc sau: niềm vui (joy), lòng biết ơn (gratitude), sự thanh thản (serenity), hứng thú (interest), niềm hy vọng (hope), niềm kiêu hãnh (pride), cảm hứng (inspiration), sự thích thú (amusement), sự trầm trồ (awe), và lòng yêu thương (love).

Một điều rất hay của định nghĩa này là nó không ép buộc ta phải hành xử hoặc cảm nhận theo một cách cụ thể. Krismer chia sẻ về định nghĩa này: "[Hạnh phúc] không chỉ được thể hiện bằng một nụ cười tươi. Mỗi người khác sẽ có cách cảm nhận sự hạnh phúc khác nhau."

hanh phuc la gi 3

Cách cảm nhận và thể hiện sự hạnh phúc là khác nhau đối với mỗi người. Một người có thể chán chường với việc đọc sách, nhưng cũng có người lấy đó làm niềm vui.

"Ví dụ, tôi rất thích ngồi một mình và đọc truyện viễn tưởng. Thoạt nhìn thì mọi người sẽ cho rằng trông tôi không có vẻ gì là hạnh phúc, nhưng thực chất tôi đang rất có hứng thú với quyển sách của mình. Nếu bạn đến hỏi tôi về cảm xúc khi đang đọc sách, có thể tôi sẽ trả lời rằng 'Tuyệt vời lắm! Tôi đang tìm hiểu thêm về...' và rồi tôi sẽ hăng hái kể cho bạn nghe. Đó cũng là một dạng 'hạnh phúc', rất thật và tốt đẹp như bao dạng khác. Chúng ta nên theo đuổi sự hạnh phúc của riêng mình và nhìn nhận rằng hạnh phúc có những biểu hiện khác nhau tùy người tùy thời điểm."

hanh phuc la gi 1

Mỗi người đều có thể cảm thấy hạnh phúc theo cách riêng của họ.

Đáng tiếc thay, có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống cản trở con đường tìm đến hạnh phúc của chúng ta. Theo Sharp, những yếu tố phổ biến nhất là những quan niệm thiếu thực tế về hạnh phúc; không ưu tiên hạnh phúc của bản thân; tiêu dùng quá mức và bị ám ảnh bởi chủ nghĩa vật chất; chú trọng tính cá nhân thay vì mối quan hệ giữa người và người; bị động và chỉ chờ hạnh phúc đến; so sánh mình với người khác, đặc biệt là trên mạng xã hội; và cuối cùng là để báo chí truyền thông, chỉ tập trung vào những gì tiêu cực nhất, ảnh hưởng đến góc nhìn của chúng ta vào thế giới.

hanh phuc la gi 7

Thiền thường xuyên cũng là một cách hay để điều hòa cảm xúc.

Một trong những phương pháp để được thanh thản trong tâm hồn là học cách biết ơn, trân trọng những gì ta đang có. Thêm vào đó, thường xuyên thiền cũng sẽ giúp thúc đẩy cảm giác hạnh phúc.

Một người mới tập thiền, chỉ trong vòng tám tuần thôi là đã có sự khác biệt đáng kể ở phần não trái trước trán. Bộ phận này ở não chuyên điều hòa cảm xúc và sự thỏa mãn.

Những thiền giả có thể tách mình khỏi những suy nghĩ và cảm xúc vu vơ. Điều này sẽ giúp họ bớt bị ám ảnh bởi quá khứ và bớt lo âu về tương lai.

Thêm vào đó, Krismer tin rằng làm những việc có ý nghĩa (theo định nghĩa của riêng bạn) cũng rất quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì những mối liên kết xã hội, bằng cách dành thời gian cho người thân bạn bè hay tham gia hoạt động cộng đồng.

hanh phuc la gi 2

Liên kết xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Liên kết xã hội là một phần thiết yếu của cuộc sống mỗi người. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa những căn bệnh tâm lý như trầm cảm với sự tách biệt xã hội. Đương nhiên là có nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, nhưng cách ly xã hội thường là nguyên nhân gây bệnh và sẽ khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn.

Cuối cùng, duy trì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng để tìm đến hạnh phúc. Những bước căn bản là ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tránh thực phẩm chế biến sẵn, và tập thể dục mỗi ngày.

Sức khỏe tinh thần của chúng ta gắn liền với sức khỏe thể chất, vì vậy có được lối sống lành mạnh chính là nền tảng của hạnh phúc. Ta không thể hạnh phúc nếu không chăm sóc bản thân.

Theo: South China Morning Post
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.