• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Marie Kondo chia sẻ vì sao người Nhật lại đam mê dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc đến vậy

Cuộc sống

Khi nhắc đến việc dọn dẹp thì chắc hẳn ai cũng nghĩ đến Marie Kondo đầu tiên.

Vào năm 2014, cô đã xuất bản quyển sách đầu tay, The Life-Changing Magic of Tidying Up (được xuất bản tại Việt Nam dưới tên Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống) tại Mỹ. Quyển sách này được New York Times quảng bá là một trong những quyển best-seller, và đã truyền đến tay hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.

gallery 1426526525 mariekondo

Quyền sách đầu tay của Marie Kondo, được xuất bản tại Mỹ vào năm 2014.

Đầu năm nay, "thánh dọn dẹp" lại một lần nữa làm mưa làm gió trên đất Mỹ bằng series Netflix Tidying up with Marie Kondo (Dọn dẹp cùng Marie Kondo). Trong chương trình này, cô đã giúp nhiều gia đình Mỹ dọn dẹp nhà cửa bằng phương pháp KonMari, phân loại đồ đạc và chỉ giữ những món đồ làm bạn vui.

marie kondo thanh don dep netflix series

Series Netflix gồm 8 tập của Marie Kondo tạo nên một cơn sốt vào đầu năm 2019.

Vì sao người Mỹ lại yêu mến cô đến vậy?

Kondo đã chia sẻ với Huffpost:

Trong những năm gần đây, tốc độ tiêu thụ hàng hóa và đô thị hóa tại Mỹ ngày càng tăng nhanh, dẫn đến quan điểm sống "càng nhiều càng tốt". Nhưng tôi tỉn rằng chúng ta đang dần quan tâm nhiều hơn đến từng món đồ mà ta sở hữu và đang xác định lại những gì thực sự quan trọng trọng cuộc sống của mình. Có lẽ sự quan tâm của mọi người dành cho phương pháp KonMari cũng trùng hợp với những thay đổi văn hóa này trong xã hội Mỹ.

Thực chất thì xã hội Mỹ vẫn chưa đạt đến những thay đổi về mặt giá trị này. Theo chia sẻ của Jericho Apo - chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ tại The Story of Stuff, một cộng đồng hoạt động nhằm thay đổi "nền văn hóa tiêu thụ" - nền kinh tế Mỹ chịu sự chi phối nặng nề bởi sự tiêu thụ và chủ nghĩa vật chất.

Chính vì "nền văn hóa tiêu thụ" này, chúng ta thường gắn liền những giá trị bản thân với những món đồ mà ta sở hữu.

Nói một cách đơn giản hơn, chúng ta tích lũy rất nhiều đồ đạc, đa phần là những món mà ta không cần đến, nhưng lại gặp khó khăn trong việc vứt bỏ chúng. Theo Apo, nguyên nhân của khó khăn này là do "chúng ta gắn liền những giá trị và thành công của bản thân với đồ đạc mà ta sở hữu".

Và không phải chỉ người Mỹ mới hay tích lũy và để dành đồ đạc không cần thiết. Kondo chia sẻ, qua những chuyến đi đến nhiều quốc gia, cô nhận thấy rằng "rất nhiều người trên thế giới đều gặp khó khăn trong việc dọn dẹp".

Những lời khuyên của Marie đều lấy cảm hứng từ những triết lý Nhật Bản

Những phương pháp dọn dẹp của Kondo cũng không quá mới mẻ - ví dụ như sắp xếp để có thể nhìn thấy tất cả đồ đạc trong tủ - nhưng chúng vẫn tác động mạnh mẽ đến những khán giả Mỹ.

Đa số những phương pháp này đều lấy nguồn cảm hứng từ những triết lý Nhật Bản. Một trong số đó là triết lý wabi-sabi lâu đời - một trong những đức hạnh trong xã hội Nhật Bản, được Marie mô tả là "cảm nhận vẻ đẹp đến từ sự đơn giản và trầm lắng". Quan niệm wabi-sabi đến từ Phật Giáo và đề cao sự vô thường, khiêm tốn, bất cân đối và không hoàn hảo.

marie kondo thanh don dep song toi gian

Điều này không đồng nghĩa với tư tưởng càng ít thì càng nhiều, mà là chọn giữ lại những gì làm khơi dậy niềm vui cho bạn.

Cảm giác "sparking joy" (khơi dậy niềm vui) ấy là chủ đề xuyên suốt trong phương pháp dọn dẹp KonMari, và nó còn là tựa của một quyển sách của Marie, SparkJoy. Kondo chia sẻ rằng nếu món đồ mà bạn sở hữu - có thể là một chiếc áo len, đôi giày hay chiếc quần - mang lại niềm vui cho bạn thì bạn có thể giữ chúng. Nếu không, hãy cảm ơn chúng và nói lời chia tay.

John Lie, giáo sư xã hội học tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại họ California, Berkeley, giải thích rằng: "Ảnh hưởng lâu đời của Zen (thiền) lên văn hóa Nhật Bản cũng góp phần tôn vinh lối sống tối giản". Yếu tố Zen được thể hiện rất rõ qua những hành động của Kondo trong chương trình Netflix của cô. Trong một phân cảnh của tập một, cô đã cùng cặp đôi xuất hiện trong tập phim cảm ơn ngôi nhà đã che chở và bảo vệ họ.

Kondo chia sẻ rằng tuy cô chỉ có thể quan sát thói quen dọn dẹp của những người Nhật mà cô gặp trong công việc, "có lẽ đây là một đặc điểm chung của người Nhật, họ đều có tài dọn dẹp khéo léo được sinh ra từ không gian sống hạn chế tại Nhật Bản và tình yêu dành cho sự ngăn nắp".

Không gian sống tại Nhật Bản thường rất hạn chế, nên việc dọn dẹp là vô cùng quan trọng

"Những căn hộ tại Nhật Bản có diện tích rất nhỏ!" Kondo chia sẻ. "Tôi lớn lên trong một căn nhà mà gia đình tôi, gồm 5 thành viên, thường trải nệm và ngủ cùng nhau trong một căn phòng khoảng 13m x 13m. Không có nhiều không gian chất chứa đồ đạc, nên đồ nội thất và thiết bị nhỏ là vô cùng quan trọng".

Đa số người Nhật luôn phải đối mặt với thách thức làm cho không gian sống nhỏ bé của mình trở nên thoải mái, tiện nghi. Kondo chia sẻ, "chúng tôi bị ám ảnh bởi từng chi tiết trong nhà mình". Cô nói thêm, những tạp chí về lối sống cũng đã thúc đẩy cô quan tâm nhiều hơn đến việc dọn dẹp, vì lúc nào chúng cũng có những giải pháp lưu trữ đồ đạc vô cùng sáng tạo.

thanh don nha marie kondo

Cô trở thành triệu phú Nhật Bản chỉ bằng công việc tư vấn sắp xếp và bài trí.

Qua những trải nghiệm làm việc tại nước ngoài, Kondo chia sẻ rằng cô "chưa từng gặp một nơi mà đồ đạc được xếp ngăn nắp và người dân đều để ý kỹ từng chi tiết như ở Nhật cả".

Theo: Huffpost
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.