• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Người Việt Nam tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới vì 'thích khoe giàu'

Cuộc sống

Hồi tháng 7 năm 2018, Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất bắt giữ 7 kg sừng tê giấu trong hộp sữa từ Angola về Việt Nam. Đến tháng 2 năm 2019, một lô hàng lậu chứa 24 sừng tê giác trị giá hơn 1 triệu USD bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ trước khi kịp cập bến Việt Nam. Sáng nay thứ tư ngày 31 tháng 7, Bệnh viện Nhi Đồng cấp cứu một bé 22 tháng tuổi ngộ độc máu do uống bột sừng tê giác.

Có một sự thật đáng buồn là hầu hết sừng tê giác được buôn lâu từ Châu Phi được tiêu thụ tại Đông Nam Á mà chủ yếu là Việt Nam, từ đó dẫn đến bao nhiêu hệ lụy. Đất nước hình chữ S của chúng ta chính là thị trường buôn lậu sừng tê giác lớn nhất thế giới bất chấp nỗ lực của nhà nước và quốc tế ngăn chặn việc tiêu thụ thứ hàng cấm này.

Ở Trung Quốc, sừng tê được sử dụng như một loại thuốc quý chữa bách bệnh từ 2000 năm qua, tuy nhiên nhu cầu này đang giảm dần nhờ dân trí tăng cao. Ngược lại, người Việt Nam lại dần phát triển một nhu cầu sử dụng mới đối với sừng tê, không chỉ chữa bệnh mà còn để chứng tỏ "đẳng cấp dân chơi".

Vì sao những cố gắng tuyên truyền giáo dục đều thất bại?

Ngày nay ở những đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội đều dễ dàng thấy những tranh cổ động, biểu ngữ, băng rôn hoặc hình vẽ kêu gọi bảo vệ tê giác ở nơi công cộng. Điều này chứng tỏ các ban ngành đoàn thể có kế hoặc tuyên truyền nâng cao ý thức quần chúng. Tuy nhiên, nạn buôn lậu sừng tê trong nước không hề giảm.

te giac

Một thông điệp kêu gọi bảo vệ tê giác trên đường phố Sài Gòn.

Để lý giải cho sự bất lực của những chiến dịch truyền thông kể trên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF Việt Nam) đã thực hiện một khảo sát với đối tượng là giới "đại gia" lắm tiền nhiều của tại Việt Nam để làm rõ động cơ và mục đích sử dụng sừng tê của họ.

sung te

Một mẫu sừng tê tang vật bị thu giữ.

Kết quả của khảo sát có thể khiến chúng ta sửng sốt, chỉ 35% người được khảo sát cho rằng họ sẽ không mua và không sử dụng sừng tê, 55% còn lại cho rằng họ sử dụng sừng tê với để thỏa mãn nhu cầu tâm lý là chính. Sở hữu sừng tê giúp họ cảm thấy mình ở đẳng cấp cao, có quyền lực, hoặc sử dụng sừng tê như những món quà cao cấp để thiết lập mạng lưới quan hệ xã hội.

sung te 2

Sừng tê được mài nhuyễn, pha với nước để sử dụng.

Hầu hết những người mua và tiêu thụ sừng tê giác trong xã hội Việt Nam đều là những người có tuổi (nam trên 40 và nữ trên 50), có giáo dục, địa vị và điều kiện tài chính.

Ngay cả khi không thực sự sử dụng sừng tê như một phương thuốc, họ vẫn mua để tặng nhau, để trưng bày, để khoe như một thú chơi xa xỉ.

hai quan

Cảnh hải quan sân bay Nội Bài niêm phong một lô hàng lậu chứa sừng tê giác.

Đây là câu trả lời cho lý do các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ tê giác đều thất bại, vì nội dung của thông điệp tuyên truyền không đánh vào đúng cội nguồn của nguyên nhân, nhu cầu và động cơ của những kẻ tiêu thụ sừng tê lậu.

Thậm chí, những kẻ đó có xem chương trình thời sự trên truyền hình hay không và có để ý đến một bảng hiệu tuyên truyền trên đường phố hay không cũng là điều rất mơ hồ. Có thể nói, những thông điệp kêu gọi bảo vệ tê giác đều là những mũi tên không trúng đích.

Chân dung những kẻ tiếp tay cho cái ác

Dựa trên báo cáo của WWF Việt Nam, 61% người Việt Nam tiêu thụ sừng tê cho biết họ chỉ mua chứ không dùng, tức họ mua để tặng cho đối tượng khác, bao gồm cha mẹ, thông gia, thầy cô, tình nhân, quan chức chính phủ... 39% còn lại tất nhiên là những người chưa bao giờ mua, nhưng lại chấp nhận dùng khi được tặng.

Hiện tại, giá sừng tê ở Việt Nam có thể dao động từ 900 triệu đến 1.2 tỷ đồng 1 kg.

te giac dai gia

Những kẻ giàu có thích sử dụng sừng tê để thể hiện đẳng cấp.

2 đối tượng kể trên là nguyên nhân chủ yếu tạo nên vòng xoay cung - cầu khiến cho bọn săn trộm và buôn lậu bất chấp tất cả để giết hại tê giác và buôn lậu sừng tê. Điểm chung của họ không hề ý thức được việc tiêu thụ sừng tê đồng nghĩa với tê giác sẽ chết, cái họ quan tâm là đạt được mục đích quan hệ xã hội của bản thân còn mạng sống của một con vật ở xứ sở xa xôi nào đó vốn không có ý nghĩa.

Thiếu một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu

Như vậy, chúng ta hoàn toàn xác định được đối tượng, phạm vi và động cơ của nạn buôn lậu sừng tê giác xuất phát từ những con người có tiền bạc, quyền lực và quan hệ. Trong khi những chiến dịch tuyên truyền đều nhắm vào quần chúng nhân dân, vốn không phải là những đối tượng có điều kiện tài chính để mua sừng tê giác.

cong an

Công an thu và niêm phong giữ số lượng lớn sừng tê giác tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sừng tê cũng là một thứ hàng quốc cấm, tương tự như ma túy. Nhưng ít ra có tồn tại luật cấm sử dụng ma túy trái phép, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với người sử dụng ma túy, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm.

hospital baby after heart surgery hand monitor p hd 8934 vjfiycz5f f0000

Mới đây trường hợp thương tâm bé 22 tháng tuổi bị ngộ độc sừng tê giác mà gia đình được tặng để chữa sốt là lời cảnh báo không nên xem nhẹ

Các chiến dịch truy quét hàng lậu có thể bắt giữ và xử phạt những kẻ mua bán, vận chuyển sừng tê số lượng lớn. Thế nhưng, không có điều luật nào nghiêm cấm một cá nhân, một gia đình sử dụng sừng tê để chữa bệnh hoặc tặng cho người thân của họ. Chính vì vậy không có cách nào để "nhỏ cỏ tận gốc" nạn buôn bán sừng tê, cũng không có một hành lang pháp lý vững chắc nào ràng buộc việc sử dụng sừng tê giác.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.