• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Những câu chuyện có thật đau lòng được cất giữ trong chai tin nhắn trôi dạt trên đại dương

Cuộc sống

Lời nhắn đau lòng từ hành khách Titanic

la thu trong chai 1

Trong suốt thời gian qua, có lẽ nhiều người đã tự hỏi: Liệu có bất kỳ hành khách Titanic nào dành thời gian tĩnh tâm để viết một lời nhắn, tìm một cái chai và ném nó xuống Đại Tây Dương khi con tàu lớn đang chìm hay không? Thực ra đã có người làm vậy.

Khi ấy, một thanh niên người Ireland tên Jeremiah Burke đang đi cùng họ hàng để đến thăm gia đình ở Boston trên chiếc tàu Titanic. Anh ấy muốn bắt đầu một cuộc sống mới và rất hào hứng với điều đó.

Vì vậy, khi tàu Titanic dần chìm xuống, có lẽ Burke nhận ra mình không qua khỏi cơn nạn nên đã viết vội một lời nhắn. Trước khi rời Ireland, mẹ Burke có cho anh một chai nước thánh. Trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, Burke nhét tờ giấy vào chai và ném nó xuống biển, với lời nhắn:

Từ Titanic, tạm biệt tất cả, Burke ở Glanmire, Cork.

Lời nhắn dở dang từ con tàu Lusitania

la thu trong chai 3

Lusitania là con tàu xa xỉ gặp tình cảnh đau thương giống tàu Titanic. Bất chấp số phận nghiệt ngã của "người anh cả", Lusitania vẫn tiếp tục ra khơi không ngại hiểm nguy trong thời Thế chiến thứ nhất.

Dù vậy, nó bị trúng ngư lôi của Đức vào tháng 5 năm 1915, khi đang trên đường từ New York tới Liverpool. Lusitania hư hỏng nghiêm trọng đến mức chìm chỉ sau 18 phút. Hơn 1.000 người thiệt mạng và chỉ có khoảng 700 người được giải cứu.

Bằng cách nào đó, một hành khách trên tàu đã nhanh tay viết ra vài dòng:

Tôi vẫn còn trên boong với vài người nữa. Những chiếc thuyền cuối cùng cũng đã rời đi. Con tàu đang chìm rất nhanh. Vài người đứng gần tôi cầu nguyện với một linh mục. Sự kết thúc đã gần kề rồi. Có lẽ lời nhắn này sẽ...

Người này hẳn nhận ra rằng anh ta chỉ còn vài phút cuối cùng nên vội ném cái chai với lời nhắn dang dở ra biển khơi.

Chiếc chai để lại từ trại tập trung Auschwitz

la thu trong chai 4

Không phải ai muốn viết giấy nhét vào chai để gửi ra thế giới đều có thể để dòng nước cuốn đi. Một số chai thông điệp được tìm thấy không chỉ trên bờ biển mà còn trên đất liền. Đó là một câu chuyện buồn ám ảnh từ Auschwitz, trại tập trung khét tiếng của Đức quốc xã ngày xưa.

Cái chai này được phát hiện vào năm 2009 bởi các công nhân xây dựng gần trại, mang theo thông điệp từ ngày 9/9/1944. Trên mảnh giấy nhàu nhĩ, một tù nhân tuyệt vọng đã ghi lại tên, số trại và quê hương của bảy nam tù nhân ở Auschwitz.

Từ tin nhắn trên biển đến cuộc sống mới trên đất khách

la thu trong chai 6

Đôi vợ chồng Dorothy và John Peckham đi nghỉ ở Hawaii năm 1979 đã quyết định tìm niềm vui bằng cách đặt tin nhắn và tiền mặt vào bên trong những chai rượu sâm banh rỗng rồi ném chúng xuống biển Thái Bình Dương. Ngoài ra, họ còn thêm 1 đô vào mỗi chai như cách để cung cấp phí cho bất cứ ai tìm thấy cái chai và muốn viết thư lại cho họ.

Dorothy và John đã đợi bốn năm cho đến khi họ nhận được phản hồi. Vào năm 1983, họ nhận được lá thư từ một cựu quân nhân Việt Nam tên là Nguyễn Văn Hòa, người tìm thấy một trong những chai rượu sâm banh cùng với anh trai trong hoàn cảnh khá khó khăn.

Vào thời điểm hai anh em phát hiện ra cái chai, họ đang trôi nổi trên bờ biển Thái Lan với nỗ lực vượt biên đến Mỹ. Khi tới được bờ, họ đã sử dụng số tiền 1 đô để gửi thư cho Peckhams.

Trong thư viết rằng liệu hai vợ chồng có thể giúp đỡ gia đình họ khi chuyển đến Mỹ hay không. Peckham đã rất vui mừng khi nhận được bức thư và quyết tâm hỗ trợ việc nhập cư cho gia đình người Việt này. Hai năm sau, năm 1985, Peckhams gặp Hòa và giúp anh cùng gia đình bắt đầu một cuộc sống mới.

Thông điệp lâu đời nhất từ con tàu Paula

la thu trong chai 7

Năm 2018, một phụ nữ Úc tên Tonya Illman đã phát hiện ra thông điệp lâu đời nhất từng được tìm thấy trong chiếc chai nằm trên cồn cát. Khi mới nhặt từ bãi biển về, cô chỉ nghĩ sẽ dùng nó làm món trang trí đặt trên kệ sách.

Bạn gái của con trai cô nhận thấy có mảnh giấy cuộn tròn được cột bằng một sợi dây nhỏ nằm bên trong chai. Sau khi hong khô tờ giấy, họ thấy nó được viết tay bằng tiếng Đức, bao gồm thông tin về vị trí và tuyến đường của một con tàu tên gọi là Paula.

Illman ban đầu cho rằng tờ giấy chỉ là một trò lừa bịp. Tuy nhiên, chồng của Illman đã lên mạng tra cứu được thông tin. Trong tờ giấy có đề cập đến một chương trình thử nghiệm diễn ra ở Đức từ năm 1864 đến 1963.

la thu trong chai 10

Theo chương trình thử nghiệm này, thuyền trưởng sẽ ném chai xuống biển, trong đó viết tên của con tàu, ngày, tọa độ chính xác và tuyến đường đi. Gia đình quyết định mang chai thông điệp quý giá này đến một bảo tàng hàng hải. Tại đây, người phụ trách xác thực nội dung thông điệp là chính xác và là một phần của chương trình ngày xưa.

Mảnh giấy trong chai tồn tại được khoảng 132 năm, trở thành thông điệp lâu đời nhất trong chai được tìm thấy, vượt qua kỷ lục trước đó là 108 năm.

Thà muộn màng còn hơn không

la thu trong chai 7 1

Một câu chuyện sâu sắc khác về Thế chiến thứ nhất liên quan đến thông điệp trong chai là từ một chàng lính trẻ người Anh tên là Pvt. Thomas Hughes.

Đó là vào năm 1914, năm khởi đầu cho cuộc chiến, khi Hughes cô đơn trên chiếc tàu vận tải. Anh ta viết một lá thư cho vợ mình nhưng không có cách nào để gửi đi, vì thế quyết định nhét nó vào một chai rượu gừng, niêm phong lại và thả vào eo biển Anh.

Hughes đáng thương tử trận chỉ hai ngày sau đó trên chiến trường Pháp. Người vợ thì không bao giờ nhận được lá thư từ anh ấy.

la thu trong chai 8

Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Nhiều thập kỷ sau, vào năm 1999, cái chai được một ngư dân địa phương tìm thấy đang trôi bồng bềnh trên sông Thames. Anh ta và những người khác đã cố gắng tìm vợ của Hughes, nhưng hóa ra cô đã qua đời năm 1979.

Dù vậy họ vẫn chưa bỏ cuộc. Sau khi tìm hiểu thêm, họ phát hiện ra rằng Hughes có một cô con gái, lúc đó đã 86 tuổi, sống ở New Zealand. Bà chỉ mới một tuổi khi mất cha, nhưng may mắn là bà sống đủ lâu để có thể nhận được dòng thư tay mà cha đã viết cho mẹ từ những ngày còn chinh chiến:

Vợ à, anh viết lá thư này trên thuyền và thả xuống biển, để xem liệu nó có đến được với em không. Nếu có, hãy ký vào bao thư này ở góc dưới bên phải, chỗ biên nhận. Viết ngày giờ nhận được cùng tên của em vào phần chữ ký và giữ gìn nó thật tốt. Giờ thì tạm biệt em yêu dấu. Chồng của em.

Chai tin nhắn giúp se duyên chồng vợ

la thu trong chai 11

Năm 1956, một chàng trai trẻ người Thụy Điển tên Ake Viking ra khơi và đơn độc vì chưa yêu ai. Một buổi tối, anh ta quyết định gửi thông điệp tìm kiếm tình yêu ra biển thông qua tin nhắn trong chai vì ngày xưa chưa có trang web hẹn hò trên internet. Tin nhắn bao gồm thông tin liên lạc của anh ấy cùng dòng chữ "Gửi đến người xinh đẹp và xa xăm."

Dù vậy, Viking không thực sự nghĩ sẽ có bất cứ phép màu nào xảy ra, cho đến khi hai năm sau nhận được phản hồi từ một phụ nữ Ý tên Paolina. Khi viết thư lại cho anh ấy, cô chia sẻ:

Thật kỳ diệu khi cái chai đã đi rất lâu và rất xa để đến với em, khiến em phải gửi câu trả lời này cho anh.

Hai người bắt đầu làm bạn tâm thư và yêu nhau trong suốt quá trình trao đổi thư từ. Cuối cùng thì cặp đôi cũng gặp nhau và có cái kết như mơ. Viking rời bỏ cuộc sống lênh đênh trên biển và chuyển đến Sicily để cưới Paolina.

Một chuyện tình khác được chắp cánh qua lá thư trong chai

la thu trong chai 12

Vào một ngày Giáng sinh cô đơn năm 1945, người lính 21 tuổi tên Frank Hayostek đang trên đường trở về từ Thế chiến II để bắt đầu cuộc sống mới ở quê nhà. Trong khi ngồi trên tàu, anh ta ném một lá thư trong chai xuống biển, với hy vọng ai đó sẽ tìm thấy tin nhắn giúp anh có cơ hội kết bạn mới.

Cái chai trôi nổi ngoài khơi trong 8 tháng, cuối cùng dạt lên bờ biển Ireland. Tại đó, nó được tìm thấy bởi một cô gái 19 tuổi tên Breda O'Sullivan. Sau khi đọc tin nhắn, cô quyết định viết thư lại cho chàng chiến binh trẻ tuổi, mở đầu chuỗi thời gian 7 năm trao đổi thư từ giữa họ.

Cuối cùng, Hayostek lên kế hoạch cho chuyến đi đến Ireland để gặp O'Sullivan, người con gái cũng rất muốn nhìn thấy anh ấy.

Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng Hayostek đã để dành 30 đô mỗi tháng, và sau 6 năm, anh ta cuối cùng cũng bay được đến Ireland. Bằng cách nào đó mà báo chí quốc tế biết đến chuyện tình lãng mạn xa vạn dặm này và theo đuổi cặp đôi khi Hayostek vừa đến sân bay Shannon.

Anh ta ở lại Ireland trong hai tuần. Không biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai người vào khoảng thời gian đó, nhưng người ta biết rằng mối tình rầm rộ này cuối cùng cũng chấm dứt.

Tình yêu bao la của người mẹ được cất vào trong chai

la thu trong chai 14

Đôi khi, do đã qua đời hoặc do khoảng cách địa lý mà một người không thể gửi tin nhắn cho người thân theo cách thông thường. Đó là trường hợp của một bà mẹ người Pháp, khi đang băng qua eo biển Anh trên chuyến phà trở về năm 2002.

Cô đã mất con trai, Maurice, khi cậu bé mới 13 tuổi. Trong cơn đau buồn, cô thả cái chai hình giọt nước có chứa một số món đồ nhỏ trong quần áo trẻ em cùng với hoa huệ xuống biển. Cái chai chứa lời nhắn đau lòng như sau:

Hãy tha lỗi cho mẹ vì quá tức giận khi con biến mất. Mẹ nghĩ mình đã mắc phải vài sai lầm và đang cầu mong Chúa sửa sai giúp mẹ. Xin lỗi con vì mẹ không biết cách bảo vệ con khỏi cái chết. Hãy tha thứ cho mẹ vì mẹ không thể nghĩ ra được lời nào vào thời khắc khủng khiếp, lúc mẹ đánh mất con ra khỏi vòng tay này...

la thu trong chai 13

Cái chai trôi ra khỏi phà và khuất dần tầm mắt. Tuy nhiên, chỉ một vài tuần sau, Sioux Peto và Karen Liebreich đã tìm thấy nó trên một bãi biển ở Kent, nước Anh. Hai người phụ nữ dịch bức thư và tìm kiếm tác giả của nó trong nhiều năm, sau đó Liebreich xuất bản cuốn sách The Letter In The Bottle (bức thư trong chai), mô tả chi tiết quá trình tìm kiếm và khám phá của cô.

Vài năm sau, người mẹ giấu tên đã liên lạc Liebreich. Hai người phụ nữ cuối cùng cũng có cơ hội gặp được nhau trên đất Pháp.

Theo: Ranker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.