• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Series "Những người chăm cây thông thái" _ (Phần 4): Các lưu ý khi thay đất và sang chậu cho cây

Cuộc sống

Thay đổi vị trí thường xuyên là điều không được khuyến khích với hầu hết các loại cây trồng nói chung. Quá trình đánh bầu cây, thay đất vô tình làm những chiếc rễ cây mỏng manh bị đứt hoặc đất mới thừa/ thiếu nước khiến cây khó thích nghi và bén rễ đều là những nguyên nhân khiến cây bị chết khi thay đổi vị trí trồng. Đặc biệt với cây cảnh thường là những cây có kích thước nhỏ, bộ rễ mảnh như sợi chỉ lại càng khiến việc thay đất, sang chậu cho chúng gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy trong một vài trường hợp như khi rễ cây đã nhô lên khỏi mặt đất hoặc bò lan ra ngoài từ lỗ thoát nước của chậu, cây ngày càng vàng lá, héo và chết dần mặc cho bạn tưới nước và bón phân đầy đủ, thì việc thay đất, sang chậu lúc này lại là điều bắt buộc phải làm để giữ cho cây tiếp tục phát triển khỏe mạnh.

Để quá trình thay đất diễn ra được thuận lợi, một số lưu ý sau đây có thể rất cần thiết, đặc biệt là với những người không có hoặc có ít kinh nghiệm làm vườn.

Cần chuẩn bị:

  • Chậu mới có đường kính lớn hơn ít nhất 5cm hoặc tùy theo độ lan của rễ cây
  • Kéo, dao sạch, sắc bén
  • Bã cà phê, khăn giấy hoặc vài cục đất sét vụn tùy chọn
  • Hỗn hợp đất trồng (đất thịt, mùn, than, đất cát, … tùy theo nhu cầu của mỗi loại cây khác nhau) đủ để lấp đầy chậu mới
  • Nước

Quy trình

1, Chọn chính xác loại chậu cho từng loại cây khác nhau

Đối với các loại cây trồng trong nhà, khi chậu cũ đã hết không gian cho chúng phát triển rễ thì bạn nên thay một chậu mới với đường kính lớn hơn từ 3-5cm. Lượng đất trong chậu tăng sẽ giữ được nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn cho rễ hấp thụ mà không cần phải tưới hoặc bón phân nhiều lần.

Mỗi loại cây khác nhau với độ hút nước khác nhau lại cần một thiết kế chậu riêng biệt. Những chiếc chậu nhựa nhẹ, giá rẻ, dễ di chuyển nhưng kém chắc chắn và gần như không có độ hút nước nên dùng để trồng những cây ưa ẩm với vị trí đặt trong nhà để tránh bị lật hoặc vỡ chậu khi trời có mưa, gió lớn. Mặt khác chậu đất nung, sành, sứ hút nước tốt, dày dặn và chắc chắn nhưng lại khá nặng, khó di chuyển, dễ vỡ sẽ thích hợp để trồng cây ngoài trời và cần tưới nước thường xuyên.

Ngoài ra, với những cây cần nhiều nước để phát triển thì một chiếc chậu thông thường với 1-2 lỗ thoát nước là vừa đủ. Tuy nhiên những cây chịu hạn, dễ bị thối rễ trong môi trường quá ẩm ướt lại thích những chiếc chậu có thật nhiều lỗ hơn.

2, Chọn đúng loại đất trồng

Một số loại đất với độ tơi xốp vừa đủ và pH trung tính có thể thích hợp để trồng được nhiều loại cây khác nhau. Tuy nhiên để đảm bảo cây bén rễ tốt và tăng khả năng sống sót khi chuyển chậu, bạn vẫn nên tìm đúng loại đất phù hợp với đặc điểm cây trồng của mình.

Các tiêu chí để chọn đất bao gồm: khả năng thoát nước và giữ ẩm, độ thoáng khí, cấu trúc đất (tỉ lệ chất hữu cơ và vô cơ trong đất), chất dinh dưỡng và nguồn gốc của đất.

3, Tưới nước trước và sau khi thay chậu

Giữ đất đủ ẩm trước khi đánh bầu sẽ giúp đất tơi xốp cũng như để rễ cây hút đủ nước và trở lên dai hơn, tránh đứt hoặc gãy rễ trong quá trình di chuyển. Thêm vào đó, tưới nước sau khi việc thay đất hoàn thành khoảng 2 tiếng còn giúp cây giảm căng thẳng khi bị thay đổi môi trường sống đột ngột.

4, Phủ một lớp bã cà phê, đất sét hoặc khăn giấy dưới đáy chậu

Bã cà phê, đất sét và khăn giấy sẽ hoạt động như một tấm mút giúp giữ nước và duy trì độ ẩm bên trong chậu. Ngoài ra nhờ chứa lượng chất dinh dưỡng dồi dào mà bã cà phê và đất sét cũng đóng vai trò là một loại phân bón hữu cơ tự nhiên. Khi đặt chúng dưới đáy chậu, chất dinh dưỡng sẽ ngấm dần vào đất để cây hấp thụ từ từ, tránh bị sốc như khi trộn trực tiếp phân bón vào hỗn hợp đất trồng.  

5, Kỹ thuật lấy cây khỏi chậu cũ

Có nhiều kỹ thuật khác nhau để lấy cây ra khỏi chậu tùy thuộc vào kích thước cây, độ bám của rễ, loại chậu hay trạng thái đất.

Với những cây có kích thước nhỏ, tốt nhất là bạn lên dùng một tay đỡ miệng chậu để giữ lấy bầu đất sau khi úp ngược chậu cây xuống và lấy cây ra ngoài.

Việc lấy cây ra khỏi chậu nhựa thường dễ dàng hơn vì nhựa khá mỏng và dẻo. Bạn có thể bóp nhẹ xung quanh thành chậu để bầu đất long ra và nhấc cây ra ngoài dễ dàng.

Lưu ý là hãy cố gắng hạn chế dùng đến dụng cụ xúc đất nhiều nhất có thể.  Trong trường hợp cây quá lớn không thể tách bầu khỏi chậu bằng tay, hãy dùng dụng cụ đào đất xúc nhẹ nhàng thật sát quanh thành chậu để hạn chế tối đa việc làm tổn thương rễ.

6, Đặt cây vào chậu mới

Sau khi tách khỏi chậu cũ phải thật nhanh tay đặt chúng vào chậu mới đã lót sẵn bã cà phê (hoặc đất sét, khăn giấy) và khoảng ¼ lượng đất trồng.

Tiếp theo hãy từ từ phủ từng lớp đất để lấp đầy chỗ trống trong chậu, vừa phủ vừa dùng tay ấn nhẹ để lớp đất được liên kết chắc chắn hơn tuy nhiên đừng nén quá chặt. Đất phải được phủ cao bằng cổ rễ của cây. Cuối cùng là phun sương để nước ngấm đều vào đất và chỉ tưới lại sau khoảng 2 tiếng khi đất đã gần như khô hoàn toàn.

7, Chăm sóc sau khi thay đất

Công việc thay đất cho cây đến đây mới chỉ cơ bản hoàn thành.

Hãy chắc chắn bạn đã đặt chậu cây sau khi thay đất ở nơi thoáng mát, không quá nắng và luôn giữ độ ẩm vừa đủ để cây có thể vượt qua khoảng thời gian căng thẳng khi đột ngột bị "chuyển nhà".

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.