• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Series "Những người chăm cây thông thái" _ (Phần 5): Một vài bí mật của đất

Cuộc sống

Đất có vai trò vô cùng quan trọng, là tiền đề không thể thay thế để hình thành nên sự sống trên khắp hành tinh. Cùng với sự phát triển của đời sống con người, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng lên, dẫn đến hậu quả là chất lượng đất cũng ngày càng giảm đi. Nghiên cứu nhằm hiểu rõ về đất và những gì đang diễn ra trong lòng đất là việc quan trọng cần làm để tìm ra những biện pháp nâng cao “sức khỏe” cho đất và ít nhất có thể giúp cải thiện cảnh quan nơi bạn ở.

Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết trước khi bắt đầu hành trình giải cứu đất:

 1, Đất là một trong những hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất hành tinh

Nhắc đến những loài sinh vật sống trong đất, đa số chúng ta chỉ nghĩ đến những loài mắt thường có thể nhìn thấy được như giun đất, một số loài chân đốt, bò sát, động vật có vú như chuột hay nấm … Nhưng sự thực là trong đất còn có cả một thế giới với vô vàn những sinh vật nhỏ bé khác mà ngay cả soi bằng kính hiển vi cũng khó lòng thống kê hết được số lượng của chúng.  

Trong cuốn sách “Teaming with microbe” của Wayne Lewis và Jeff Lowenfels, hai tác giả đã viết rằng:

“Một muỗng cà phê đất vườn khỏe mạnh chứa hơn một tỷ vi khuẩn và vài mét sợi nấm ‘vô hình’, hàng nghìn động vật nguyên sinh cùng vài chục tuyến trùng.”

2, Rễ cây “nuôi dưỡng” lại đất

Hệ thống khổng lồ của các loài sinh vật nhỏ bé này có thể tồn tại một phần là nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của rễ cây. Không chỉ lấy chất dinh dưỡng từ đất nuôi cây, bộ rễ của cây cũng phóng ra một phần năng lượng chuyển hóa được từ quá trình quang hợp trả lại cho mặt đất. Để dễ hình dung, Lewis và Lowenfels đã ví nó giống như việc toát mồ hôi ở cơ thể người.

Những sinh vật nhỏ bé được tìm thấy dày đặc nhất ở khu vực cách rễ cây chừng 2mm. Và mặc dù các nhà khoa học vẫn đang cố gắng thống kê số lượng của chúng, họ lại hoàn toàn không biết chúng thực sự đang làm công việc gì.    

3, Chỉ riêng Hoa Kỳ đã có đến hơn 20,000 loại đất khác nhau

Giống như các sinh vật sống được phân chia thành nhiều cấp phân loại sinh học khác nhau dựa vào đặc điểm và hành vi riêng biệt, đất cũng vậy. Đơn vị phân loại đất lớn nhất tương đương với “bộ” ở sinh vật. Có tổng cộng 12 “bộ” đất trên Trái Đất và chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ đã có đến hơn 20,000 loại thuộc 12 bộ đó.

4, Đất tự nhiên cũng có màu sắc bắt mắt

Đất khỏe không phải lúc nào cũng có màu nâu đậm, chúng có thể có màu hồng hoặc xanh lam vô cùng bắt mắt. Các nhà khoa học cho biết họ đã từng nhìn thấy đất có màu xanh lam khi đào xuống những tầng đất sâu khoảng 2-3m ở khu vực New England. Đó thực chất là đất phù sa nhưng đã bị rửa trôi hết sắt và luôn duy trì trạng thái ẩm ướt suốt nhiều năm.

Màu sắc của đất là yếu tố quan trọng giúp các nhà khoa học phán đoán cách hình thành của lớp đất và hướng nước chảy tại khu vực.

5, Không phải cứ xới đất nhiều là tốt

Ở những khu đất trồng cây lâu năm, vì số lần xới đất ít, khoảng thời gian giữa những lần xới cũng khá dài nên lượng chất hữu cơ trong đất thường không bị hao hụt nhiều. Tuy nhiên, ở những khu vực đất ruộng trồng hoa màu và cây ngắn hạn, việc xới đất diễn ra thường xuyên sau mỗi mùa vụ đã khiến cho đất bị chai cứng, cạn kiệt dinh dưỡng và bạc màu chỉ trong một thời gian ngắn.

Cụ thể nguyên nhân là do:

  • Xới đất sẽ làm tăng độ tiếp xúc của đất với không khí, làm oxi hóa nguồn carbon (chất hữu cơ) trong đất.
  • Phá hỏng hệ thống sợi nấm trong đất.
  • Đảo lộn môi trường sống của các vi sinh vật, từ đó làm giảm khả năng cố định đạm và ổn định carbon của đất.
  • Phá vỡ những khoảng không bên trong đất khiến không khí và nước khó xâm nhập, giảm độ ẩm của đất và tăng nguy cơ xói mòn vào mùa khô.
  • Ngược lại, vào mùa mưa, các khoáng chất và dinh dưỡng trong đất dễ bị nước mưa rửa trôi làm đất hóa chua.

Vì vậy, thay vì xới đất sau mỗi vụ trồng cây, bạn nên tập chung vào việc chọn giống cây trồng tốt, trồng đúng vụ, đúng mùa hoặc có thể trồng xen cây họ đậu để bổ sung vi sinh vật cho đất.

6, Đất khỏe mất hàng trăm năm mới có thể hình thành

Phải mất một thời gian rất dài, thậm chí là hàng trăm năm để đất khỏe được hình thành hoặc tự phục hồi sau khi đã bạc màu. Khoảng thời gian tự phục hồi này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như đất gốc và điều kiện môi trường xung quanh (thời tiết, lượng mưa, hệ thống sông ngòi kênh rạch và các loài động - thực vật sinh sống quanh khu vực). Tuy nhiên dưới sự trợ giúp hợp lý của con người, quá trình cải tạo đất nông nghiệp thường chỉ mất từ 3 đến 5 năm.

Điều quan trọng nhất là bạn phải thật sự kiên nhẫn và cho đất thời gian thích nghi từ từ. Tránh vì vội vàng mà sử dụng phân bón hóa học, nếu không chất lượng đất sẽ ngày càng kém đi.

7, Cây trồng là tấm lá chắn bảo vệ đất

Như đã nói ở trên, rễ cây cung cấp ‘thức ăn’ cho toàn bộ hệ thống vi sinh vật nhỏ bé dưới mặt đất. Ngoài ra rễ cây cũng đóng vai trò tạo ra những mạch nước chằng chịt, từ đó giữ đất luôn ẩm ướt, hạn chế khô hạn, xói mòn.

Thêm nữa, khi mưa xuống, những hạt mưa đập xuống mặt đất với một lực rất mạnh có thể khiến những hạt đất nhỏ bắn lên và phá hỏng hệ thống lỗ rỗng các vi sinh vật tạo ra với mục đích thoáng khí và dẫn nước.

Vì vậy, thay vì để đất trống, bạn nên chắc chắn rằng khu đất mà mình phụ trách luôn được trồng một loại cây nào đó, vào tất cả thời điểm trong năm.

8, Hoạt động nông nghiệp kiểu cũ là nguyên nhân chính khiến đất bị thoái hóa

Hoạt động nông nghiệp phát triển đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên hoạt động nông nghiệp kiểu cũ không đi đôi với phục hồi và bảo tồn lại là nguyên nhân chính khiến chất lượng đất bị giảm đi nhanh chóng.

Chặt phá rừng làm nương rẫy, sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, cày xới liên tục, … không chỉ làm mất đi nguồn chất dinh dưỡng vốn có trong đất mà còn khiến đất tích tụ độc tố, trở thành một môi trường khắc nghiệt khó có cây trồng nào có thể thích nghi.

9, Có đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng thì cũng có đất đỏ do bị xói mòn

Quen thuộc nhất trong số này phải kể đến nhóm đất đỏ vàng hay còn gọi là nhóm đất Feralit, là nhóm đất có màu đỏ hoặc lẫn đỏ, thường xuất hiện dưới tán rừng mưa nhiệt đới. Tầng tích luỹ chất hữu cơ (tầng A) mỏng, hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp, trong thành phần của mùn, acid fulvic thường chiếm ưu thế. Vì có tích tụ các oxide của sắt và nhôm trong tầng B, mà đã tạo nên màu đỏ vàng thường thấy của loại đất này. Hàm lượng các khoáng vật nguyên sinh của nó cũng rất thấp, trừ các khoáng vật rất bền (thạch anh, cao lanh). Đất có tính chất: chua, nghèo mùn, thường bị khô hạn, dễ bị rửa trôi, xói mòn và thoái hóa.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.