• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Tranh cãi chi tiết dẫn chứng 'Đại gia Gatsby' trong bài thi điểm 10 môn Văn khiến MXH 'nổi sóng'

Cuộc sống

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đặc biệt, có hai thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ Văn ở hội đồng thi tỉnh Nam Định và An Giang. Trong buổi tối cùng ngày, thí sinh Dương Ngọc Trâm – cựu học sinh trường THPT Chu Văn An (An Giang) –  bất ngờ trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và dấy lên tranh luận “điểm 10 của Dương Ngọc Trâm liệu có thực sự xứng đáng?”.

Cụ thể, trong câu hỏi “Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân” được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích Đất Nước, trường ca Mặt Đường Khát Vọng, Dương Ngọc Trâm cho biết:

 “Em đã liên hệ với tác phẩm Đại Gia Gatsby. Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”.

- Theo Vietnamnet
Dương Ngọc Trâm

Không khó nhận ra Dương Ngọc Trâm đã có sự nhầm lẫn. Thứ nhất, Đại Gia Gatsby của nhà văn F. Scott Fitzgerald lấy bối cảnh đầu thập niên 1920 chứ không phải những năm 50.

Thứ hai, Gatsby quyết tâm đi lên từ hai bàn tay trằng, làm giàu bằng những công việc phi pháp như buôn rượu lậu, và thường xuyên tổ chức những bữa tiệc hào nhoáng. Tất cả chỉ nhằm đến một mục đích là chiếm được trái tim của Daisy – người con gái mà Gatsby đem lòng yêu.

Thứ ba, Đại Gia Gatsby phản ánh một thế hệ mất mát trong “thời đại nhạc Jazz” của nước Mỹ, đem so sánh với hình tượng “những người đã làm ra đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là không hợp lý.

Dưới đây là một số ý kiến trái chiều của cư dân mạng trước phần liên hệ tác phẩm của Dương Ngọc Trâm:

- Mình không hiểu cháu nó có thật sự đọc sách hay không, có hiểu câu chuyện và nhân vật hay không mà lại nói Gatsby chăm chỉ làm ăn để trở thành đại gia. Bài học gì rút ra được từ cách làm giàu bằng buôn rượu lậu?

- Chắc mình phải đọc lại truyện chứ có vẻ hoặc mình hiểu nhầm hoặc cô học trò kia hiểu nhầm.

- Vấn đề là khi trích dẫn thì phải có nhận thức đúng về nhân vật, tác phẩm.

- Viết phải có tính chính xác, chứ nó mà không chính xác thì gọi là chém gió nói bừa. Do chưa ai đọc được bài văn của em ấy nên người ta mới bàn tán hoài nghi, đặc biệt là hệ thống giáo dục yếu kém bấy lâu nay, chứ chẳng ai đi nói xấu hay dìm em ấy cả, em ấy chỉ là hậu quả của nền giáo dục mà thôi.

- Có khi bài viết hay 10 điểm không nhất thiết phải đúng lập luận, mà cảm hứng khi đọc nó. Và đôi khi đa nghĩa, tầng nghĩa ngầm còn đáng được 10,5.

- Em nó ôm sát barem thì 10 cũng dễ hiểu, những chi tiết vụn vặt bỏ qua được.

- Quan trọng là khi đọc bài văn thấy hay, thấy chặt chẽ thì điểm cao thôi.

- Cái này mình không trách cháu nó. Cháu nó biết đến tên Gatsby là còn hơn ối người, chứng tỏ còn chịu nghe ngóng cho dù chỉ là cái tên sách.

- Theo otofun
"Đại Gia Gatsby" đã được chuyển thể thành phim

Để đạt điểm khá môn Ngữ Văn, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình học, bài viết đủ ý, trình bày mạch lạc và rõ ràng. Muốn đạt điểm cao hoặc thậm chí là điểm tuyệt đối, thí sinh không chỉ đơn thuần viết những câu văn bay bổng, luận điểm và luận cứ chính xác. Một bài thi Văn 10 điểm cần có những dẫn chứng chặt chẽ, ngòi bút sắc sảo, lập luận sắc bén, làm nổi bật tinh thần tác phẩm và thể hiện những suy nghĩ cá nhân sâu sắc.

Tuy công chúng chưa đọc toàn bộ bài thi Ngữ Văn của Dương Ngọc Trâm, song ở phần liên hệ với tác phẩm nước ngoài, có thể thấy Dương Ngọc Trâm rất sáng tạo và cố gắng ghi dấu ấn trong bài thi của mình. Mặc dù phần liên hệ này chưa chính xác và nó khiến cho điểm 10 của em có vẻ thiếu thuyết phục, Dương Ngọc Trâm không đáng bị chỉ trích và phán xét.

Ở lứa tuổi 17, 18 vẫn còn rất trẻ và cuốn vào guồng quay ôn thi mệt nhọc, Dương Ngọc Trâm và nhiều học sinh khác có thể chưa được trang bị một nền tảng kiến thức đầy đủ và vững chắc để thấu hiểu cái hay, cái đẹp của một tác phẩm kinh điển như Đại Gia Gatsby. Huống hồ việc nhớ nhầm và thậm chí hiểu sai là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là trong 120 phút thi cử căng như dây đàn.

Cuốn "Đại Gia Gatsby", bản dịch của Trịnh Lữ

Trong số những bình luận trái chiều của cư dân mạng, không ít người nhận xét giáo viên chấm thi mới là những người có lỗi lớn nhất. Ngữ Văn là môn thiên về cảm xúc. Đó không chỉ là cảm xúc của thí sinh mà còn là tâm trạng của giáo viên trong ngày chấm bài. Song, khi giáo viên chấm thi quyết định hạ bút ghi điểm 10, rõ ràng họ cần sự tỉnh táo, chính xác và công tâm trong việc cầm cân nảy mực.

Đồng ý rằng một bài thi Ngữ Văn đạt điểm cao là do thí sinh đó viết dạt dào cảm xúc. Nhưng một bài thi đạt điểm tuyệt đối không chỉ thể hiện bài văn đó có những câu văn uyển chuyển và dẫn dắt cảm xúc, nó còn phải chắc chắn về mặt kiến thức. Với hạt sạn trong bài của Dương Ngọc Trâm, là do các giáo viên chấm thi đã quá chủ quan, không đọc kỹ bài và nương tay với học sinh, hay là do họ chưa từng đọc Đại Gia Gastby hoặc đọc rồi mà không nhớ?

Dù là lý do nào, đứng ở vị trí của một người chấm thi tốt nghiệp THPT và vị trí “gõ đầu trẻ” biết bao thế hệ, sự tắc trách và thiếu chuyên môn như thế này quả thực rất khó chấp nhận.

Giáo dục nước nhà vốn dĩ có nhiều bất cập. Những “tai nạn nghề nghiệp” thế này lại càng khiến chúng ta hoài nghi vào môi trường dạy học và hệ thống thi cử công bằng. Nếu không thay đổi, trong tương lai, những điểm 10 đáng nhẽ là niềm tự hào sẽ tiếp tục biến thành chuyện cười đầy nhục nhã ê chề, còn các thí sinh sẽ ôm một "vết nhơ" đầy xấu hổ mà ai cũng biết.

Đọc thêm bài: Status tạm biệt trường lớp của cô gái đạt 10 điểm Văn tốt nghiệp bất ngờ viral với hàng nghìn lượt share

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.