• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Những lễ hội lạ lùng tại Nhật Bản sắp bị biến mất khỏi dòng chảy lịch sử

Độc lạ

Ngày 29/11/2018 đánh dấu sự kiện một nhóm 10 lễ nghi với sự góp mặt của Raiho-shin (những vị thần lưu lạc) của Nhật Bản được UNESCO ghi nhận vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể.

Buổi họp báo ngày hôm sau là một cuộc "hội ngộ anh tài", với sự góp mặt của đủ các loài sinh vật huyền thoại nổi tiếng từ tengu, thần Namahage của thành phố Oga thuộc tỉnh Akita, đến những vị thần kỳ lạ như thần Paantou người dính đầy bùn của đảo Miyako, Okinawa.

paantou le hoi nhat ban

Những người ăn mặc như những vị thần lấm bùn tham gia lễ hội Paantou tại đảo Miyako, tỉnh Okinawa. (nguồn ảnh: KYODO)

le hoi namahage nhat ban

Khi mùa đông đến, những người đàn ông hóa trang thành vị thần Namahage, tham dự lễ hội Namahage Sedo tại Oga, tỉnh Akita, vào tháng Hai. (nguồn ảnh: KYODO)

Đây cũng là một dịp để kisai - những lễ hội kỳ lạ - được ra mắt trước cộng đồng quốc tế trước khi chúng biến mất. Tại Nhật Bản ngày nay, những lễ hội, đặc là lễ hội lạ kisai, đang có nguy cơ biến mất.

Yuko Kato, chủ tịch của công ty Omatsuri Japan chuyên tổ chức những lễ hội (matsuri), chia sẻ:

Đây là một tin mừng cho những tín đồ kisai. Nếu bạn làm trong ngành này thì đôi khi những lễ hội thông thường cũng trở nên nhàm chán, bạn lại muốn tìm đến những lễ hội kỳ quặc hơn.

Với khoảng 300,000 lễ hội được tổ chức hằng năm, không cần tìm đâu xa cũng thấy những kisai khắp nơi trên đất Nhật. Hãy cùng Lost Bird điểm mặt một số lễ hội lạ lùng này nhé!

Lễ hội Chúa Giê-su hằng năm

Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng Sáu tại làng Shingo, tỉnh Aomori.

Theo truyền thuyết địa phương, Chúa Giê-su đã đến Nhật Bản vào năm ông 21 tuổi và trở về xứ Giu-đê (Judea) khi ông 33 tuổi. Khi bị kết án đóng lên thánh giá, em trai của Giê-su, Isukiri, đã chịu tội thay ông. Giê-su sau này trở về Nhật Bản từ Siberia và định cư tại vùng Herai, giờ đây là làng Shingo. Tại một đồi núi ở ngôi làng có hai ngôi mộ - một của Chúa, tương truyền rằng đã có vợ và ba con và sống an nhàn đến tuổi 106, một ngôi mộ chứa lọn tóc của Isukiri.

Câu chuyện "viễn tưởng" này bắt nguồn từ Tài liệu Takenouchi, gồm những ghi chép được cho là ngụy tác, phi thường về lịch sử của nhân loại và Trái Đất.

Vào năm 1935, Kiyomaro Takenouchi - người sáng lập nên một tôn giáo dựa trên tài liệu này - đã ghé thăm Shingo và tìm thấy ngôi mộ Chúa Giê-su. Năm tiếp sau đó, các nhà "khảo cổ học" đã tìm thấy di chúc của Chúa, và dân làng nơi đây bắt đầu tổ chức Lễ hội Chúa từ năm 1964. Một phần nghi lễ của lễ hội này là những người phụ nữ mặc kimono sẽ nhảy vũ điệu nanyadoyara quanh hai ngôi mộ trên đồi.

le hoi chua gie su nhat ban

Những người phụ nữ mặc kimono nhảy vũ điệu "Nanyadoyara" tại lễ hội Chúa.

Kotoku Sugioka, nhà văn tự do và tác giả của quyển sách Kisai: Những Lễ hội Kỳ lạ ở Nhật Bản, chia sẻ:

Tôi nghĩ rằng chẳng có ai tin vào câu chuyện này đâu, và cũng chỉ có một vài người dân nơi đây thuộc Đạo Thiên Chúa.

Tuy vậy. truyền thuyết này là một điểm nhấn đặc sắc thu hút khách du lịch đến ngôi làng nhỏ bé hơn hai nghìn dân. Tại Christop, một tiệm bán quà lưu niệm nhỏ tại Shingo, du khách có thể mua những món đồ thú vị như bánh quy hình Ngôi sao David và "gạo thánh của Chúa".

Lễ hội Kojiki (Người ăn mày)

Lễ hội này được tổ chức vào ngày 01/04 tại đền Agata, tỉnh Gifu, nổi bật với hình ảnh một người đàn ông người dính đầy bùn, mặc bộ trang phục rách rưới.

Tương truyền rằng truyền thống này có từ thời Edo (1603-1868), dựa trên truyền thuyết về một người ăn mày bỗng dưng xuất hiện và sống dưới một ngôi đền giữa trận hạn hán khắc nghiệt. Tuy thiếu thốn lương thực nhưng dân làng tốt bụng vẫn chăm sóc người ăn mày đó, và kỳ lạ thay, những cơn mưa đã kéo đến cứu lấy dân làng.

Cao trào của lễ hội là khi người dân đổ một thùng chứa đầy gạo đỏ xuống trước mặt người ăn mày được thánh hóa, sau đó giành giật nhau ăn những hạt gạo đó. Người ta cho rằng việc này sẽ mang lại may mắn.

Lễ hội Higenade (Vuốt râu)

Vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Một, bốn người đàn ông với bộ ria ghi-đông giả sẽ xuất hiện tại đền Sobataka, tỉnh Chiba. Họ ngồi đối mặt với nhau, vuốt ve bộ râu giả và nhâm nhi những chén rượu. Bên này mời rượu bên kia, và đến cuối lễ hội, họ ngà ngà say với khuôn mặt ửng đỏ.

le hoi hidenage nhat ban 2

Tương truyền rằng lễ hội này có từ thời Kamakura (1185-1333), là một nghi thức truyền lại nghĩa vụ chăm sóc ngôi đền cho thế hệ kế tiếp.

Lễ hội Niu (Cười)

Được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ Hai của tháng Mười tại đền Niu, tỉnh Wakayama.

le hoi cuoi niu nhat ban 1

Tại lễ hội này, một người đàn ông được trang điểm mặt trắng toát sẽ dẫn dắt một đoàn người cầm mikoshi (những ngôi đền nhỏ di động), cười đùa vui vẻ và kêu gọi đám đông cười cùng ông.

Lễ hội Yokkabui 300 năm tuổi

Được tổ chức tại đền Tamate, tỉnh Kagoshima.

le hoi yokkabui nhat ban

Một đứa bé đang hét lên khi bị một người đeo mặt nạ kéo đi khỏi mẹ mình tại lễ hội Yokkabui tháng 8/2007. (nguồn ảnh: KYODO)

Tại lễ hội này, những người đàn ông đeo mặt nạ làm từ vỏ cây cọ sẽ bắt những đứa trẻ đang la hét cho vào túi rơm. Những người đàn ông đeo mặt nạ này được cho là hiện thân của Garappa, một dạng thần sông kappa, bảo vệ người dân khỏi những tai nạn dưới nước.

Lễ nghi Akamata-Kuromata

Một trong những lễ nghi kỳ bí nhất tại Nhật Bản. Lễ hội này chỉ được tổ chức cho người dân trong nước và thường không cho người ngoài tham dự.

Matt Gillan đã mô tả lễ hội này trong quyển sách Songs from the Edge of Japan: Music-making in Yaeyama and Okinawa:

Trong lúc diễn ra sự kiện này, từ khuya đến sáng sớm, những chàng trai trẻ trong làng sẽ diễu hành quanh ngôi làng cùng với hai vị thần Akamata (thần đỏ) và Kuromata (thần đen). Nhập vai hai vị thần này cũng là hai chàng trai trẻ, mặc bộ trang phục bồng bềnh cồng kềnh được làm từ những lá cọ và hát những điệu nhạc lễ nghi cổ.

Gillan chia sẻ thêm, nghi lễ này cấm người tham dự không được ghi âm, ghi hình, hoặc thậm chí là ghi chép lại những sự kiện. Mặc dù anh được tham dự nghi lễ này tại Aragusuku năm 2002, tất cả người ngoài tham dự đều được kiểm tra toàn thân để đề phòng camera và máy ghi âm ẩn.

Có lẽ sự bí mật này cộng với bản sắc đặc trưng của nhóm người nơi đây đã tạo nên một bầu không khí âm nhạc trang trọng nhất mà tôi được trải nghiệm tại Yaeyama.

Lễ hội Kanchu Misogi

Được tổ chức tại Kikonai thuộc vùng tây nam Hokkaido vào tháng Một hằng năm. Hideo Nigata - phó chủ tịch của Nippon Matsuri Network, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ di sản nông thôn Nhật Bản - cho biết rằng lễ hội này có thể gây chết người.

le hoi tat nuoc tai hokkaidou

Bốn người đàn ông đang tát nước lạnh vào nhau trong thời tiết âm 5 độ tại Kikonai, Hokkaido, tháng 1/2017. Đây là một lễ nghi Shinto để cầu cho mùa màng sung túc. (nguồn ảnh: KYODO)

Trong lễ hội, bốn người đàn ông sẽ nắm go-shintai (vật thờ cúng) và nhảy vào dòng nước lạnh cóng tại Eo biển Tsugaru.

Nigata chia sẻ:

Lễ hội này rất tàn khốc. Nước từ trong mũi của họ sẽ đóng băng và cơ thể họ bị đông lại. Những người mẹ phải bật khóc khi nhìn con trai mình phải chịu đựng nghi lễ này.

Những lễ hội mang một sức mạnh phi thường, chúng gắn kết con người và nuôi dưỡng những bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, chúng nên được bảo tồn để phục vụ cho mục đích giáo dục và lịch sử.

Tuy rằng không có những dữ liệu chính thức về tất cả những lễ hội tại Nhật Bản, song với tỉ lệ sinh thấp và dân số già đi, có lẽ nhiều lễ hội tại nơi đây khó lòng mà tiếp tục được.

Nếu có dịp được đến Nhật Bản, tại sao bạn không thử tham gia một trong những lễ hội này? Chắc chắn sẽ là một trải nghiệm lý thú đấy!

Theo: thejapantimes
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.