• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Bí ẩn 'Lady Be Good' - chiếc máy bay cùng phi hành đoàn mất tích khó hiểu trong Thế chiến 2

Lịch sử

Tháng 4/1943, quân đội Hoa Kỳ nhận được thông báo máy bay ném bom B-24D có tên Lady Be Good đã mất tích trong cuộc không kích tại nước Ý, được cho là rơi ở khu vực Địa Trung Hải. Công cuộc tìm kiếm vị trí thông tin về phi hành đoàn kéo dài hàng tháng trời đều không thu được kết quả. Phải đến năm 1960, người ta mới tìm thấy xác máy bay tại sa mạc Libya.

Sự kiện này được xếp là một trong những tai nạn hàng không bí ẩn chưa có lời giải của thế giới. Dưới đây là những sự thật đã được khám phá về chiếc Lady Be Good xấu số.

Máy bay Lady Be Good trong Thế chiến 2

Năm 1943, lực lượng Đồng minh chuyển sự chú ý sang Ý, quân đội Mỹ đã tập hợp lực lượng nhằm tấn công triệt hạ chủ nghĩa phát xít của Benito Mussolini. Trong các cuộc không kích, Mỹ đã sử dụng 25 máy bay B-24, trong đó có Lady Be Good, được giao nhiệm vụ ném bom tại cảng Napoli vào chiều ngày 4/4/1943. Sau cuộc tấn công, các máy bay dự kiến sẽ tập trung tại căn cứ ở Bắc Phi.

Lady Be Good mang số hiệu AAF 41-24301, có số nhận dạng 64. Phi hành đoàn bao gồm chín người, thuộc nhóm đánh bom thứ 376, bao gồm: phi công William Hatton và Robert Toner, hoa tiêu D.P. Hays, lính pháo binh Guy Shelley, Vernon Moore và Samuel Adams, phụ trách truyền thông tin liên lạc Robert LaMotte, kỹ sư máy bay Harold Ripslinger và phi công trưởng trung úy Hatton.

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay Lady Be Good

Họ được triệu tập vào huấn luyện vào tháng 3, tất cả đều là những người mới tham gia trong cuộc không kích, còn non kinh nghiệm chiến đấu trên không. Đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ.

Gặp nạn và biến mất bí ẩn

Lady Be Good là chiếc cuối cùng khởi hành trong cuộc không kích đến Ý, nó cất cánh từ Soluch gần Benghazi, Libya. Trong chuyến bay, cơn bão cát đã che khuất tầm nhìn của phi đội ném bom, chín chiếc B-24 đã phải quay lại Soluch, còn Lady Be Good vẫn quyết định tiến lên dù gặp thời tiết khắc nghiệt. Cuối cùng nó đã đến Napoli vào khoảng 7 giờ 50 phút tối ngày 4/4/1943. Tuy nhiên tầm nhìn khó khăn khiến phi hành đoàn không xác định được vị trí mục tiêu chính cần ném bom.

Lady Be Good đã một mình bay trở về căn cứ ở Libya. Nó bay trong năm giờ mà không gặp rắc rối nào cho đến lúc 12 giờ 12 phút ngày 5/4/1943, phi công trung úy Hatton liên lạc, gửi thông điệp đến căn cứ rằng công cụ tìm hướng tự động của máy bay đã hư hỏng, anh yêu cầu nhận được tọa độ của căn cứ. Đội quân ở khu căn cứ Soluch đã gửi cho phi hành đoàn tọa độ của họ nhưng trung úy Hatton không phản hồi lại và cũng từ đó Lady Be Good đã mất tích một cách khó hiểu.

Lady Be Good được cho là đã rơi tại khu vực Địa Trung Hải, một đội cứu hộ đã được cử đi tìm kiếm nhưng không có manh mối hay dấu vết nào. Hàng tháng trời trôi qua, quân đội Mỹ đành khép lại cuộc tìm kiếm. Số phận của chiếc máy bay và những người lính không quân vẫn bị bỏ ngỏ, không ai biết họ còn sống hay đã chết. Sự việc mất tích của Lady Be Good được cho là một bí ẩn quân sự trong Thế chiến 2.

Sự trở lại đầy bất ngờ khiến dư luận thêm hoang mang

Lady Be Good ra đi trong bí ẩn và sự trở về của nó càng tăng thêm phần khó lý giải.

Vào ngày 9/11/1958, một nhóm thăm dò dầu khí đã phát hiện ra một xác máy bay tại sa mạc. Đến ngày 27/2/1959, các nhà khảo sát và địa chất người Anh phát hiện đó là vị trí mà Lady Be Good rơi xuống. Họ phát hiện những mảnh vỡ và thân của máy bay. Điều kỳ lạ là đài radio phát sóng tín hiệu và các thiết bị khác của máy bay đều hoạt động tốt nhưng phi hành đoàn chín người đều không tìm thấy dấu tích tồn tại nào của họ.

Những câu hỏi được đặt ra như: Lady Be Good gặp nạn, bị rơi làm hai nhưng mọi thứ trong máy bay vẫn còn nguyên vẹn? Các thiết bị vẫn hoạt động tốt trong từng ấy năm nhưng tại sao phi hành đoàn lại không liên lạc với căn cứ Soluch? Thức ăn và nước uống vẫn còn trong máy bay vì lý do gì mà phi hành đoàn không mang theo đồ tiếp tế? Họ đã đi đâu, lạc ở chốn nào?

Vào ngày 26/3/1959, một cuộc tìm kiếm kéo dài trong một tháng đã diễn ra để tìm kiếm các thi thể nhưng thất bại. Phải đến tháng 2 năm 1960, xác của phi hành đoàn mới được tìm thấy ở nhiều điểm khác nhau trên sa mạc, có 8 thi thể được phát hiện còn thi thể của người phụ trách súng máy Vernon Moore không bao giờ được tìm thấy.

Nhật ký của Robert Toner

Trong số những đồ dùng, hiện vật của các chiến sĩ được khai quật có cuốn nhật ký của phụ lái Robert Toner đã tiết lộ chi tiết sự thật kinh hoàng của Lady Be Good.

Câu chuyện sinh tồn giữa sa mạc

Khi tìm thấy xác của các thành viên phi hành đoàn có nhiều nghi vấn đã đặt ra xung quanh cái chết của họ và vì sao thi thể của mỗi người lại cách xa nhau, rải rác khắp sa mạc. Đã có chuyện gì xảy ra với họ? Và quyển nhật ký của Robert Toner phần nào giúp vén màn bí ẩn về Lady Be Good.

Mặc dù không ai chắc chắn điều gì đã xảy ra với 9 người lính nhưng theo phân tích, nghiên cứu của giới chuyên môn thì sự cố ngày đó diễn ra như sau: khi chiếc máy bay hết nhiên liệu, phi hành đoàn đã nhảy dù xuống biển cát Calanshino, một khu vực gồm những cồn cát ở giữa sa mạc Sahara. Tám người sống sót còn một người đã qua đời.

Trong khi đó, chiếc Lady Be Good đã bay thêm 26 km về phía nam trước khi bị rơi, điều này giải thích vì sao phi hành đoàn đã để lại đồ tiếp tế lại trong máy bay. Họ đã đi theo hướng ngược lại nơi máy bay rơi mà không biết hành ở đó có lương thực và hệ thống liên lạc vẫn sử dụng được để kêu cứu viện. Sau khi nhảy dù, họ bắn pháo sáng để báo hiệu cho nhau biết vị trí của mỗi người.

Theo nhật ký của Toner, họ đoàn tụ với nhau và đi về hướng Tây Bắc, đi bộ qua sa mạc Sahara với lương khô và nước ít ỏi. Họ đi bộ vào ban đêm và ban ngày thì nghỉ ngơi tránh nắng và bão cát. Đến ngày 7/4/1943, họ đều cạn kiệt sức lực, mệt mỏi, đói khát và mắt bị ảnh hưởng bởi gió cát sa mạc. Sau bốn ngày, họ đã đi được 130 km và kiệt sức, năm người đã bỏ cuộc và ba người còn lại là Shelley, Ripslinger và Moore tiếp tục đi tìm sự giúp đỡ.

Toner ở lại cùng bốn đồng đội và được cho là ra đi vào ngày 12/4/1943, đó là ngày cuối cùng được viết trong cuốn nhật ký. Xác của Shelley đã được tìm thấy cách năm người đã chết khoảng 32 km, Ripslinger cách xa hơn với 43 km còn thi thể của Moore đã biến mất vĩnh viễn, không dấu vết. Ba người đã sống sót 8 ngày trên sa mạc.

Hài cốt của 8 người lính đã được quân đội Mỹ đưa về quê hương an táng và họ được vinh danh là những người hùng tử trận trong chiến tranh, đài tưởng niệm về Lady Be Good được đặt ở hồ hồ Linden, Michigan. Tàn tích của máy bay được cất giữ tại căn cứ không quân Jamal Abdelnasser ở Libya còn một số kỷ vật khác thì được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không March Field ở California.

Cuốn tiểu thuyết The Flight of the Phoenix
Phim cùng tên chuyển thể vào năm 1965
Phiên bản điện ảnh sản xuất năm 2004

Câu chuyện về Lady Be Good là nguồn cảm hứng để tạo nên những cuốn sách, bộ phim nổi tiếng, như tác phẩm The Flight of the Phoenix (Chuyến Bay Của Phượng Hoàng) của nhà văn Elleston Trevor sản xuất năm 1964, được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1965 và năm 2004.

Theo: PastFactory, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.