• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Lịch sử làm đẹp của phụ nữ là chuỗi dài những thống khổ

Lịch sử

Áo nịt eo làm cho mọi người khó thở

Váy corset trong lịch sử

Ngày nay áo nịt eo hay corset vẫn đượcsử dụng, nhưng chúng dễ mặc hơn ngày xưa rất nhiều. Kể từ khi nổi lên vào khoảng thế kỷ 16, chúng đã trở nên khét tiếng vì sự gò bó và không thoải mái của mình.Khi mặc một cái corset quá chật, phụ nữ không thể giơ hai tay lên qua đầu, di chuyển nhanh mà không bị hết hơi.

Cơ thể trước và sau khi mặc corset

Đến thế kỷ 19, các bác sĩ đã cảnh báo phụ nữ rằng không nên thắt corset quá chặt. Tạp chí y khoa Lancet còn xuất bản một bài báo có tên Death From Stretch Laces (Cái chết đến từ sợi dây ren) vào năm 1890. Khi thế kỷ 20 phát triển, áo ngực bắt đầu thay thế corset, nhưng nó không chết hẳn và vẫn được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 21. May thay, chúng không còn là món đồ bắt buộc như ngày xưa nữa.

Giày cao gót đã từng cao đến gần một mét

Nếu bạn nghĩ rằng giày ngày nay đã cao lắm rồi thì xin thưa, chúng không là gì so với những đôi giày cao gót ở châu Âu hồi xưa. Tiền thân của loại giày dành cho chị em phụ nữ này là chopine, một loại giày được ra đời vào khoảng thế kỷ 15.

Giày chopine

Dù mang nhiều nét tương đồng với giày hiện đại nhưng chopine có thể cao đến gần 1 mét và đương nhiên, phụ nữ không thể di chuyển tự do trong những đôi giày cao như vậy. Do vậy, họ sẽ cần có người hộ tống hay dùng gậy đi bộ để không bị ngã.

Trong lịch sử, giày cao gót còn có mặt từ trước khi chopine được ra mắt. Vào thế kỷ thứ 10, loại giày này được cả nam lẫn nữ sử dụng để họ có thể cưỡi ngựa dễ hơn. Đến thế kỷ 17, đàn ông và phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu đi giày cao gót như một biểu tượng của đẳng cấp. Đến thế kỷ 18, đàn ông đã quyết định giày cao gót là không thực tế và chúng trở thành món phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ.

Thuốc nhỏ mắt gây chết người

Từ lâu, đôi mắt to tròn đã được coi là biểu tượng của sắc đẹp. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có đôi mắt to thường được xem là hấp dẫn hơn. Nhưng nếu phụ nữ hiện đại có thể dựa trang điểm và kính giãn tròng để khiến cho mắt đẹp hơn thì phụ nữ Ý sống ở thế kỷ 16 phải dùng một loại thuốc nguy hiểm có chiết xuất từ cây belladonna (người phụ nữ đẹp). Được biết, belladonna là một loại cây kịch độc nhưng chúng có tác dụng tốt trong việc giãn tròng mắt và được sử dụng tới tận ngày nay.

Cây belladonna

Có điều, loại thuốc nhỏ mắt có thể khiế bạn bị giãn đồng tử đến hàng giờ sau khi nhỏ, làm cho người dùng không thể nhìn tập trung được. Vào thời điểm ra mắt, đã có vô số người phụ nữ gặp tai nạn do không thể nhìn được đường.

Phụ nữ Trung Quốc bẻ chân để khiến chúng nhỏ hơn

Một trong mốt làm đẹp kinh dị nhất từng tồn tại trong lịch sử là tập tục bó chân. Sử sách ghi lại rằng vào thế kỷ thứ 10, một cung nữ khi biểu diễn cho các nhà vua và quần thần xem đã quấn lụa vào đôi bàn chân nhỏ nhắn của mình. Ấn tượng với cảnh đẹp trên, nhà vua đã gọi nó là “Kim Liên Tam Thốn” (Gót sen ba tấc) và ra lệnh cho các cung nữ khác phải làm theo. Dần dà, nó trở nên phổ biến trong xã hội nước này.

Cận cảnh một đôi chân bị bó

Để có được đôi bàn chân nhỏ nhắn, các cô bé sẽ bị bó chân từ khi còn nhỏ, bởi khi ấy vòm chân không hoàn thiện. Đầu tiên, người ta sẽ ngâm chân các bé vào nước ấm và máu động vật để chân mềm ra. Phần ngón chân sẽ được cắt sát nhất có thể. Sau đó, họ sẽ uốn mạnh những ngón chân về phía dưới lòng bàn chân để xương vòm chân bị gãy. Người thực hiện quy trình này thường là người ngoài bởi người ta lo rằng các bà mẹ sẽ vì xót con mà không dám bẻ mạnh. Cuối cùng, chân được cuốn chặt trong lụa cho tới khi nào được hình hài mong muốn.

Ảnh chụp X-quang chân bị bó

Quy trình kinh khủng này đã khiến cho nhiều phụ nữ gặp các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là nhiễm trùng. Ngoài ra, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Chính bởi sự tàn nhẫn của nó, hủ tục này đã bị chấm dứt hoàn toàn vào năm 1960.

Khung váy rộng dẫn đến tai nạn chết người

Một cái váy phồng siêu to khổng lồ

Trong số các mốt thời trang nguy hiểm, váy rộng quá mức là một trong những điều nguy hiểm nhất. Từ thời kỳ Phục hưng, người ta đã chuộng những chiếc chân váy càng xòe càng tốt. Nhưng phải đến tầm thế kỷ 19, nó mới trở nên phổ biến. Trong thời kỳ này, phụ nữ đã đeo chiếc khung khổng lồ có tên là crinoline bên dưới váy của họ và loại tùng này hot tới mức mốt này được biết đến với cái tên crinolinemania (phát điên vì khung crinoline) ở Châu Âu. Đường kính của loại khung này có thể lên tới gần 2 mét, gây khó khăn cho việc di chuyển trong khu vực đông người.

Cách phụ nữ thời đó mặc đồ

Tuy nhiên, đây không phải là nhược điểm lớn nhất của crinoline. Những chiếc váy đồ sộ cũng có thể khiến họ bị kẹt vào nan hoa xe ngựa và bị kéo lê trên đường. Nhưng nghiêm trọng nhất là nguy cơ hỏa hoạn. Do được làm bằng gỗ nên chiếc váy này khá dễ bén lửa. Thế nhưng, những người mặc nó không thể tự dập tắt được lửa trên quần áo của họ do chúng quá cồng kềnh. Thương tâm hơn cả là vụ cháy ở một nhà thờ tại Santiago vào năm 1863 khiến gần 3000 phụ nữ thiệt mạng. Khi hỏa hoạn diễn ra, hàng nghìn phụ nữ đã cố chạy thoát thân nhưng những chiếc váy khổng lồ đã chặn lối thoát hiểm, làm họ bị chết cháy và chết ngạt trong đó.

Váy Hobble ngăn phụ nữ bước những bước lớn

Trong lịch sử thời trang nữ, có thể thấy yếu tố dễ di chuyển thường không được đánh giá cao. Điều này được thể hiện rõ hơn qua mốt váy hobble. Đây là một loại váy bó cẳng chân rất được thịnh hành vào khoảng những năm 1910. Những phụ nữ mặc chiếc váy này không chỉ gặp khó khăn trong đi lại và nhảy múa mà còn dễ gặp tai nạn. Chính vì vậy, loại váy này đã nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho những bộ cánh thoải mái hơn như váy flapper vào thập niên 20.

Tay áo quá rộng khiến phụ nữ khó cử động

Vào những năm 1820, phụ nữ thường dùng một loại tay áo có tên là gigot, còn được gọi là tay áo chân cừu. Đúng như cái tên của mình, nó thường phồng rộng ở phần vai, rồi sau đó bó lại ở phía cẳng tay và kết thúc ở cổ tay. Mặc dù ngày nay, áo tay phồng vẫn được sử dụng nhưng loại tay áo vào thế kỷ 19 lại rộng đến mức họ khó có thể giơ tay cao quá đầu hay cử động dễ dàng.

Loại tay áo này còn thịnh hành đến tận thời đại Victoria và nó kết hợp với các mốt khác như váy phồng, corset, làm cho thời trang đối với phụ nữ thời này như một nỗi thống khổ. May thay là hiện tại ta không còn những mốt quái đản như vậy nữa.

Mỹ phẩm có chứa chì để làm trắng da

Trong thời đại khoa học công nghệ chưa phát triển, phụ nữ thường tìm đến những biện pháp có phần tiêu cực để có được vẻ ngoài mong muốn. Một trong những thứ đó là đồ trang điểm có chứa chì để làm trắng da. Loại mỹ phẩm kịch độc này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại nhưng nó chỉ thực sự trở nên phổ biến vào thời Nữ hoàngElizabeth I. Được biết, bà đã sử dụng sản phẩm nguy hiểm này để che đi những vết sẹo trên khuôn mặt do hậu quả của bệnh đậu mùa.

Nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603)

Chì có thể giúp người dùng đẹp hơn, nhưng nó không tốt cho cơ thể. Khi được hấp thụ qua da, chất độc này có thể đi vào cơ thể và làm cho người dùng bị rụng tóc, viêm và sưng tấy. Trong nhiều trường hợp, nó còn dẫn tới tử vong.

Một phương pháp làm sáng da khác là dùng thạch tín

Lotion có chứa thạch tín

Khoảng đầu thế kỷ XX, thạch tín là một sản phẩm làm đẹp phổ biến. Dù sự nguy hiểm của nó đã được ghi nhận và lan truyền rộng rãi nhưng nhiều phụ nữ vẫn dùng chúng để làm nhạt màu da của mình. Cách dùng thường thấy là thoa trực tiếp lên mặt hoặc trộn chúng với dấm và đá phấn, hay thậm chí là ăn trực tiếp.

Xà phòng có thạch tín

Nếu bị nhiễm thạch tín, người bệnh có thể mắc nhiều bệnh khác nhau như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, loét chân tay và nghiêm trọng nhất chính là ung thư.

Cho đỉa hút máu để làm trắng da

Giống với chị em châu Á, phụ nữ phương Tây ngày xưa cũng thích làn da càng trắng, càng xanh xao càng tốt. Điều đó thể hiện rằng họ là một người giàu có và không phải làm việc ngoài đồng. Và để đạt được chuẩn đẹp này, họ đã dùng vô số biện pháp, nhưng kinh khủng nhất phải kể đến là cho đỉa hút máu.

Hình thức này thường khá thịnh hành ở giới quý tộc châu Âu vào thế kỷ 14 và để thực hiện, họ cho những con đỉa hút máu trực tiếp trên mặt mình. Được biết, cho đỉa hút máu đã tồn tại trong ngành y học từ thời Hy Lạp cổ đại như một cách để cải thiện sức khỏe nhưng việc dùng nó để làm đẹp thì đúng là chỉ thời đó mới có.

Theo: The List
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.