• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Na Tra trong 'Ma Đồng Giáng Thế' quá dễ thương và thiện lành so với nguyên tác 'Phong Thần Diễn Nghĩa'

Lịch sử

Na Tra nổi tiếng vì là nhân vật quan trọng trong loạt truyện Phong Thần Diễn Nghĩa của tác giả Hứa Trọng Lâm viết vào thế kỷ thứ 16, Na Tra có vai trò quyết định đến kết cục của việc phân chia Phong Thần Bảng.

Bộ truyện Phong Thần Diễn Nghĩa rất phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên các bạn trẻ nhất là "thế hệ 2k" trở về sau này thì hầu như rất ít tiếp xúc trong khi hầu hết các biến thể phim truyền hình thì không tái hiện được sự quy mô của nguyên bản tiểu thuyết.

Trong nguyên tác Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra không chỉ là pháp bảo của nhà trời đầu thai, mà còn là "con ông cháu cha" vốn được các vị toàn năng trong Tam Thanh của Đạo Giáo Trung Quốc hết mực cưng chiều.

de tu hong quan lao to

3 vị thiên tôn của Đạo Giáo: Nguyên Thủy Thiên Tôn (giữa), Linh Bảo Thiên Tôn (phải) và Đạo Đức Thiên Tôn (trái).

Theo truyền thuyết Đạo Giáo được khai thác trong Phong Thần Diễn Nghĩa, thuở sơ khai chưa có trời đất, trước cả thời đại hỗn mang, chỉ có thực thể huyền bí do khí hồng mông sinh ra là Hồng Quân Lão Tổ. Hồng Quân Lão Tổ lại có 3 người đồ đệ, là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn.

Đây là những nhân vật đầu tiên khởi nguồn cho sự sống của loài người, các sự kiện này xảy ra rất lâu trước biến cố Nữ Oa đội đá vá trời, muốn hiểu rõ câu chuyện của Na Tra cần bắt đầu từ điểm này, chủ yếu được tổng hợp từ 3 hồi 12, 13, 14 của Phong Thần Diễn Nghĩa (gồm 100 hồi).

gamehub tru vuong vi vua song toan den mat nuoc 1

Trụ vương là hôn quân độc ác.

Theo dòng lịch sử Trung Hoa, đến đời nhà Thương cuối cùng (năm 1154 TCN đến 1123 TCN) vua Trụ ăn chơi sa đọa, đến mức đi viếng miếu Nữ Oa nhìn thấy tượng của bà đầy đặn liền sinh ý tà dâm. Trên trời, Nữ Oa biết được cả giận, liền sai hồ ly tinh hóa thân Đắc Kỷ đi hãm hại vua Trụ để Chu Võ Vương Cơ Phát có dịp dấy binh lật đổ, lập triều đại mới nhằm an dân.

Lúc này, Nguyên Thủy Thiên Tôn thấy thời cơ đã đến, cũng nhân dịp binh biến này để lựa chọn ra những người khi sống có công, lúc chết trận sẽ được đứng vào Phong Thần Bảng, giữ chức vụ trên trời. Mọi việc bắt đầu với sự hạ sinh đầu tiên của Lôi Chấn Tử trong đêm mưa bão và thứ hai là của Na Tra ở Ải Trần Đường.

thai tat

Thái Ất Chân Nhân (về sau là sư phụ của Na Tra)

Na Tra là một trong những chiến thần chính về sau phò Võ Vương Cơ Phát, nguyên thể là Linh Châu Tử, một pháp bảo trong tay Thái Ất Chân Nhân - đệ tử của ông Nguyên Thủy ở động Kim Quang, núi Càn Nguyên hóa thành. Đích thân Nguyên Thủy Thiên Tôn đã sắp đặt việc hạ phàm của Na Tra và giao cho Thái Ất trông coi, chứng tỏ ông rất xem trọng pháp bảo này.

Về việc vợ chồng Lý Tinh - Ân Thị hạ sinh Na Tra được ghi như sau:

Bây giờ tại ải Trần Ðường, quan Tổng Binh ải này là Lý Tịnh vốn học trò của ông Ðộ Ách ở núi Côn Lôn, khi còn nhỏ có đi tu, sau bị đuổi về ra phò vua Trụ. Vợ Lý Tịnh là Ân phu nhân sanh được hai con, hình dung tuấn tú. Con lớn tên Kim Tra, con nhỏ tên Mộc Tra. Ðến nay, Ân phu nhân lại mang thai nữa, nhưng lần nầy rất lạ, thai nghén đã ba năm rưỡi mà chưa khai hoa nở nhụy.

Lý Tịnh buồn bã, than:

- Thai nghén khác thường như vậy chắc là loại quái thai, nếu không sanh ra yêu cũng sanh ra quỉ.

Ân phu nhân cũng sợ, nhưng không biết làm sao.

Một đêm nọ, Ân thị đang nằm ngủ trong phòng thì mơ có một đạo sĩ không rõ mặt mũi đi vào, trên tay cầm một vật gì đó ném vào bụng mình rồi biết mất. Tỉnh dậy, Ân thị nói cho Lý Tịnh nghe cớ sự xong lập tức chuyển dạ sắp sinh con, Na Tra đã ra đời như thế.

Sinh vào ngày giờ xấu

Trong truyện có đoạn:

Ân thị sinh ra một cái bọc lớn bằng bánh xe, Lý Tịnh cả kinh chém rách bọc thì một thằng bé nhảy ra, mình chiếu hào quang, mặt như dồi phấn, tay cầm Càn khôn quyện, lưng buộc Hỗn thiên lăng.

Như vậy, lúc mới ra đời Na Tra đã có pháp bảo, rõ ràng là thiên tướng giáng phàm.

Lý Tịnh thấy thằng nhỏ biết không phải yêu quái liền bắt lại, bồng đưa cho vợ. Hai chồng trầm trồ cưng Na Tra như trứng mỏng, theo nguyên tác thì Na Tra hoàn toàn không bị ghét bỏ như trong phim hoạt hình Ma Đồng Giáng Thế mà rất được nuông chiều.

Ngày hôm sau, Thái Ất liền đến thăm Na Tra, hỏi Lý Tịnh là thằng bé sinh vào giờ nào thì họ Lý trả lời:

- Ðúng vào giờ Sửu.

Thái Ất nói:

- Không tốt.

Lý Tịnh nói:

- Khó nuôi lắm hay sao?

Thái Ất nói:

- Sanh nhằm giờ ấy thì phạm sát sinh. Nó giết hơn một ngàn bảy trăm mạng...

Nói đoạn Thái Ất muốn nhận Na Tra làm đệ tử. Như vậy, lúc mới sinh Na Tra đã vô tình rơi vào giờ xấu nên mang sát tướng, bản thân cậu bé không gây điều ác vì là Ma Hoàn tái sinh như trong phim.

Phá hoại Long Cung, rút gân Ngao Bính

Na Tra lúc 7 tuổi thì đã rất cao to vạm vỡ, hoàn toàn không phải là hình dạng một cậu bé như vẫn thấy trong các tác phẩm phim ảnh. Một ngày nọ, khi Lý Tịnh bận việc quân không có nhà, Na Tra cãi mẹ bỏ ra sông Cửu Loan trước ải Trần Đường để tắm.

Bởi vì Na Tra rất mạnh, khi tắm lại cởi Hỗn Nguyên Lăng ra vung vẩy, sông Cửu Loan lại dẫn ra biển nên chấn động đến tận biển Đông khiến nơi ở của Long Vương rung chuyển, gạch đá rơi vãi lung tung. Long Vương giận dữ liền sai Thủy Dạ Xoa lên bờ xem ai đang phá phách.

02a

Khi Thủy Dạ Xoa đến nơi, thấy Na Tra đang rửa dây lưng liền toan hỏi tội, nào ngờ Na Tra hung hăng không nói lý lẽ quăng cho một vòng Càn Khôn chết tươi. Lúc này thấy vòng bị dơ, Na Tra lại cho vòng xuống sông rửa mạnh, khiến Long Cung lại bị một phen chấn động còn ghê gớm hơn trước.

Long Vương cả kinh, tự nhủ phen này không trừ khử kẻ quấy nhiễu trên bờ thì không thể nào sống yên được, Thái Tử Ngao Bính lúc này liền thân chinh đi tìm hiểu, thấy Na Tra đang rửa vòng làm bão tố nổi lên sóng gió ầm ầm liền quát lớn.

Ngao Bính nói:

- Tao là Ngao Bính, con của Ngao Quảng, Ðông Hải Long Vương.

Na Tra cười:

- A, nói vậy thì bay là loài rồng ở dưới nước. Nhưng đừng làm phách, hễ chọc đến tao, tao lột da cả cha mầy nữa chứ không phải chỉ một mình mầy thôi đâu.

ngao binh

Trong nguyên tác, Ngao Bính chết rất thảm và chóng vánh.

Thái Tử Ngao Bính cầm kích đâm tới, Na Tra liền quăng dây Hỗn Nguyên Lăng ra trói, xong lấy vòng càn khôn lại đập một phát vỡ đầu chết nốt, Ngao Bính hiện nguyên hình một con rồng nhỏ. Na Tra được thế rút gân mang về. Trong nguyên tác, vai trò của Ngao Bính chỉ có bấy nhiêu, anh ta ngây ngô đến chết cũng không rõ vì sao mình lại chết.

Lóc vảy Long Vương, ỷ lại thân thế

Lại nói đến việc rút gân Ngao Bính, Long Vương là Ngao Quảng uất ức con trai mình chết thảm liền lên trời kiện cáo, lúc này vừa bay đến cổng trời thì bị Na Tra chặn lại, đánh cho hai vòng Càn Khôn té nhào rồi đạp vào lưng vào cổ.

4610b912c8fcc3ce3e1743a09c45d688d53f204a

Ngao Quảng la lối om sòm, mắng chửi Na Tra, cậu ta ỷ có gốc gác to hơn liền lớn tiếng nói lại:

Tao đi tắm, đâu có chọc ghẹo gì đến mày mà mày sai bọn bộ hạ vác búa đến bửa. Tao giết chết hai đứa ấy cũng chẳng có tội bao nhiêu, việc gì mày đi kiện Ngọc Hoàng. Nếu mày không bỏ ý định ấy thì tao đánh mày đến chết.

Sau đó Na Tra giở vạt áo Ngao Quảng ra gỡ bốn năm chục cái vảy làm cho Ngao Quảng đau đớn đến thấu xương. Ngao Quảng thất kinh buộc phải van xin tha mạng. Sau đó Na Tra bắt Long Vương Ngao Quảng biến thành con rắn nhỏ, bỏ vào túi mang về nhà.

javwts 20180630 na tra gay nhieu tai hoa tai sao lai duoc phong than thi ra la co huyen co

Giết hại người nhà Thạch Cơ lại được sư phụ nuông chiều quá đáng

Ở gần Ải Trần Đường có động Bạch Cốt trên núi Khô Lâu, là nơi ở của Thạch Cơ - một con yêu đạo hạnh cao thâm do cục đá hấp thu linh khí tu luyện nghìn năm mà thành, cũng có chút quan hệ giao tình với Thái Ất Chân Nhân.

Một hôm đệ tử của Thạch Cơ là Bích Vân đồng tử, xách giỏ hoa đi hái thuốc ở chân đồi, liền bị một mũi tên bay vào đến găm trúng cổ họng chết thẳng cẳng. Chính là do Na Tra nhởn nhơ trong thành, vô tình kéo cung thần bắn chết người mà không hay biết.

t016a64cd6be9ac0be9

Thạch Cơ nương nương nhìn mũi tên liền biết là được bắn từ cung Càn Khôn của Ải Trần Đường liền bắt Lý Tịnh đến hỏi tội. Lý Tịnh hoảng hốt tìm Na Tra chất vấn nhưng không ngờ con mình đã giết người lại còn nói lời ngang ngược.

Na Tra đáp:

Bạch Cốt là động nào? Học trò bà Thạch Cơ đi đâu mà bị tên vậy? Nếu có thì đó là chuyện rủi ro, do số mạng chứ con đâu cố ý hại người!

Thạch Cơ nổi đóa đuổi Na Tra đến tận cửa động của Thái Ất, Na Tra bị Thạch Cơ tài phép cao hơn thu hết cả vòng Càn Khôn và Hỗn Thiên Lăng vào ống tay áo nên phải chạy vào động cầu cứu sư phụ.

Thái Ất biết đệ tử mình gây họa, nói lý với Thạch Cơ không được, lại khinh Thạch Cơ là do cục đá hóa thành nên lấy bảo bối ra đánh tan hồn phách, biến lại thành cục đá xanh. Na Tra vui vẻ nhận lại bảo bối, độn thổ về nhà. Có thể thấy, nhiều lần gây họa của Na Tra đều do ông thầy Thái Ất dung dưỡng mà ra.

Lóc thịt chặt tay tự sát, hiện hồn về dọa mẹ

Lúc Na Tra về đến nhà thì 4 vị Long Vương đã tề tựu đầy đủ, trói vợ chồng Lý Tịnh lại chờ xử tội. Na Tra thấy cha mẹ bị vạ lây, liền nổi máu anh hùng cho rằng ai làm nấy chịu, nói đoạn rút kiếm ra chặt tay chân, lóc thịt bản thân rồi mổ bụng đổ ruột, chẳng mấy chốc đã chết rất thảm.

Hồn Na Tra bay về động gặp sư phụ Thái Ất, ông cũng bó tay, lần này không cứu được, liền bảo Na Tra bay về gặp cha mẹ nhờ lập miếu ở núi Túy Bình cách đó 40 dặm để được hưởng hương khói trong 3 năm, sau thời gian đó thì có thể trở lại hình người để phò vua giúp nước.

Những đêm sau đó, đêm nào Na Tra cũng hiện về yêu cầu Ân thị phải xây miếu cho cậu, Lý Tịnh không bằng lòng nên dù thương con nhưng Ân thị cũng không dám xây miếu. Mãi đến khi xin hoài không được, Na Tra dọa sẽ phá nhà thì Ân thị mới lén lút đi lập miếu để con trai có nơi nương tựa.

Na Tra hai lần đuổi giết cha

Lại kể đến Lý Tịnh, vì căm thù Na Tra gây họa cho nhà, đến chết lại còn thành oan hồn quấy phá, một ngày nọ trong lúc điều binh ông nghe người dân đồn về một cái miếu bên đường rất linh thiêng. Hỏi tên biết là miếu Na Tra thì Lý Tịnh nổi cơn thịnh nộ đập tượng, đốt miếu, khiến hồn phách Na Tra không còn chỗ trú phải chạy về động cầu cứu sư phụ.

t01db5a3a780fdebd0a

Thái Ất thấy vậy liền lấy ngó sen và hoa sen trộn với kim đơn làm thành cái xác mới cho Na Tra. Sau khi hồi sinh, Na Tra liền chạy đi tìm Lý Tịnh trả thù, muốn giết cho bằng được. Lần đầu tiên, Na Tra đuổi Lý Tịnh chỗ của Văn Thù đạo sư - là sư huynh của Thái Ất thì bị ông này bắt trói, Na Tra không chống lại được liền phải hứa là sẽ hòa thuận với cha.

Đến khi được thả ra, Na Tra lại nhân cơ hội lẻn đi giết Lý Tịnh, may sau có Nhiên Đăng đạo sư - cũng là sư huynh của Thái Ất đi ngang dùng Linh Lung Bảo Tháp nhốt lại, dùng lửa đốt cho một trận mới chịu thôi. Về sau, Nhiên Đăng tặng Bảo Tháp cho Lý Tịnh để phòng thân, có như vậy thì Na Tra mới từ bỏ ý định giết cha mình.

hqdefault 1

Lý Tịnh về sau cũng được phong thần, hiệu là Thác Tháp Thiên Vương.

Quanh đi quẩn lại, vẫn là Na Tra ỷ có quen biết, tính cách cường liệt không biết khoan nhượng, từ bé thích đè đầu cưỡi cổ người khác lại được sư phụ nuông chiều nên mới gây ra họa lớn.

Tuy nhiên, những sự việc ban đầu này xảy ra với Na Tra chỉ là khởi điểm cho rất nhiều chuyện kinh thiên động địa về sau trong Phong Thần Diễn Nghĩa, thế nên các cố sự này đều không được cho là có gì quá nghiêm trọng, đồng thời cũng hoàn toàn khác biệt so với cốt truyệt được cải biên của phim hoạt hình Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế.

Theo: Phong Thần Diễn Nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.