• Về đầu trang
Lê Thu Nga
Lê Thu Nga

Pháp trường Tyburn - nỗi kinh hoàng của những tên tội phạm nước Anh

Lịch sử

Vào những năm 1600 ở Anh, ngay cả một tội ác nhỏ nhất cũng có thể khiến bạn phải trả giá bằng mạng sống. Từ đầu những năm 1300 và cho đến cuối những năm 1700, nước Anh - đặc biệt là thủ đô London - phải đương đầu với tình trạng tội phạm không ngừng tăng lên, dẫn đến việc kết án tử hình trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Pháp trường mọc lên khắp vương quốc, trong đó cái tên Tyburn đã trở thành huyền thoại, là cơn ác mộng đối với những tên tội phạm. Ngày nay Tyburn là trong những điểm tham quan rùng rợn nhất London.

Nguồn gốc của Tyburn Gallows

Vị trí của pháp trường Tyburn, được đánh dấu bằng hình giá treo cổ 3 chân nổi tiếng

 Vị trí làng TyburnTyburn là một ngôi làng thuộc quận Middlesex, gần với vị trí hiện tại của Khải hoàn môn Marble Arch và cuối đường Edgware, London. Tên của ngôi làng được lấy theo tên của dòng Tyburn Brook, một nhánh của sông Westbourne. 

Khoảng những năm 1230 và 1240, làng Tyburn được lãnh đạo bởi Gilbert de Sandford, con trai của John de Sandford , người đã từng là quan quản lý ngân khố của Eleanor xứ Aquitaine . Năm 1236, thành phố London đã ký hợp đồng với Sir Gilbert để lấy nước từ Tyburn Springs để cung cấp nước miễn phí cho tất cả người dân. 

Pháp trường Tyburn - ác mộng của giới tội phạm

Phương pháp hành quyết duy nhất được sử dụng tại Tyburn là treo cổ, Trong nhiều thế kỷ, đó là điểm dừng chân cuối cùng của nhiều tên tội phạm, kẻ cướp xa lộ, kẻ trộm và kẻ bị kết tội phản quốc khét tiếng.

Giá treo cổ ở Tyburn thời kỳ đầu

Vụ hành quyết đầu tiên tại Tyburn được ghi lại vào năm 1196. William Fitz Osbert, hay còn được gọi với biệt danh “William râu dài”, nhà lãnh đạo dân túy, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy năm 1196 ở London. Phong trào thất bại, William Fitz Osbert bị đem ra xét xử, và sau đó vào ngày 6 tháng 4 năm 1196, Osbert cùng các cộng sự bị treo cổ tại Tyburn.

William Fitz Osbert
Bức tranh "Cái chết của William Fitz Osbert"

Năm 1537, Henry VIII sử dụng Tyburn để hành quyết những kẻ đầu sỏ của cuộc nổi dậy Pilgrimage of Grace trong đó có cả Sir Nicholas Tempest. 

Tranh vẽ Cuộc nổi dậy Pilgrimage of Grace

(Cuộc nổi dậy Pilgrimage of Grace diễn ra từ tháng 10 năm 1536 đến tháng 10 năm 1537 tai Yorkshire dưới sự lãnh đạo của luật sư Robert Aske , sau đó lan sang các vùng khác ở miền bắc nước Anh như  Cumberland , Northumberland và bắc Lancashire. Được xem như "Cuộc nổi dậy nghiêm trọng nhất trong tất cả các cuộc nổi dậy dưới triều đại Tudor ", mục đích của cuộc nổi dậy là phản đối việc Henry VIII đoạn tuyệt với Nhà thờ Công giáo La Mã, việc giải thể các tu viện nhỏ, và các chính sách của tể tướng Thomas Cromwell., cũng như các bất bình về chính trị, xã hội và kinh tế cụ thể khác) (theo Wikipedia)

Năm 1571, giá treo cổ Tiburn (Tyburn Tree trong tiếng Anh) được dựng lên gần địa điểm mà ngày nay là ngã ba đường Edgware, đường Bayswater và phố Oxford, 200 mét về phía tây của Khải Hoàn Môn Marble Arch. "Tree" hay “Triple Tree" là một dạng giá treo cổ có nguồn gốc từ Tyburn, bao gồm một hình tam giác bằng gỗ nằm ngang được đỡ bởi ba cột chống (do cấu trúc đặc trưng này mà giá treo cổ Tyburn còn có biệt danh là "ghế đẩu ba chân"). Với thiết kế như vậy, đao phú có thể hành quyết hàng loạt tù nhân, chẳng hạn như vào ngày 23 tháng 6 năm 1649 khi 24 tù nhân - 23 nam và 1 nữ - bị treo cổ đồng thời.

Giá treo cổ 3 chân

Sau khi hành quyết, các thi thể sẽ được chôn cất gần đó hoặc được lấy ra để mổ xẻ bởi các nhà giải phẫu học. Đám đông dân chúng đôi khi cũng tham gia vào việc tranh giành thi thể với các bác sĩ phẫu thuật, vì sợ rằng việc giải phẫu tử thi có thể ngăn người chết sống lại vào Ngày Phán xét cuối cùng (Last Judgment)

(Last Judgment or The Day of the Lord là một niềm tin tồn tại trong nhiều tôn giáo. Ngay sau khi chết, mỗi người phải trải qua sự phán xét cụ thể, và tùy thuộc vào hành vi của người đó trên trái đất, người đó sẽ lên thiên đàng, luyện ngục hay địa ngục. Những người trong luyện ngục sẽ luôn luôn đến được thiên đàng, nhưng những người ở trong địa ngục sẽ ở đó vĩnh viễn.Vào thời điểm Sự Phán xét Cuối cùng, “cơ thể phàm trần” của con người sẽ sống lại.) (Wikipedia)

Giá treo cổ Tyburn Tree, hiện vật còn lưu giữ được

Nạn nhân đầu tiên của "Tyburn Tree" là John Story, người đã bị kết án và xét xử vì tội phản quốc. Trong những thế kỷ tiếp theo, nhiều nhân vật nổi tiếng của xứ sương mù trở thành nạn nhân của Tyburn Tree, có thể kể đến John Bradshaw (Chủ tịch Tòa án Công lý Tối cao xét xử Vua Charles I và là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Nhà nước của Khối thịnh vượng chung Anh), Henry Ireton (con rể của Oliver Cromwell) và Oliver Cromwell. Thực tế những người đã này chết từ lâu nên việc treo xác họ tại Tyburn vào tháng 1 năm 1661 theo lệnh của Nghị viện là một hành động trả thù cho cái chết của Vua Charles I.

Quy trình hành quyết

Với những tên tội phạm ở nước Anh thời xưa, bị bắt quả tang đồng nghĩa với việc chắc chắn phải nhận một hình phạt khắc nghiệt. Các cuộc xét xử thường diễn ra nhanh chóng, và tùy thuộc vào tội ác đã gây ra, hình phạt thường là đòn roi và dây xích cho những tội nhẹ và cái chết cho những tội nặng hơn. Và trong những trường hợp này, Tyburn thường là điểm đến cuối cùng. 

Những ngày cuối cùng của tử tù được đánh dấu bằng các nghi lễ tôn giáo. Vào Chủ nhật trước mỗi cuộc hành quyết, một bài thánh kinh được giảng trong nhà nguyện của nhà tù Newgate. Những người không liên quan đến vụ hành quyết có thể trả tiền để tham dự. Hơn nữa, vào đêm trước khi hành quyết, người trông nom nghĩa trang của nhà thờ St Sepulchre, liền kề với nhà tù Newgate, đọc những câu kinh bên ngoài bức tường nhà tù.

Vào ngày hành quyết, Tử tù được chở đến giá treo cổ Tyburn từ Newgate trên một chiếc xe ngựa. Khoảng cách giữa Newgate và Tyburn là khoảng ba dặm (4,8 km), nhưng do đường phố thường rất đông đúc do dân chúng tụ tập đi theo chiếc xe đến pháp trường nên hành trình có thể kéo dài đến ba tiếng đồng hồ. Điểm dừng thông thường của cỗ xe là tại quán trọ Bowl ở St Giles , nơi những người bị kết án được phép uống rượu mạnh hoặc rượu vang. 

Đám đông đi theo cỗ xe chở tử tù

Còn tại Tyburn, quảng trường dã được lấp đầy bởi đám đông ồn ào; những người giàu có trả tiền để ngồi trên khán đài có tầm nhìn tốt với phục sức lộng lẫy như tham gia lễ hội. Trước khi hành quyết, những người bị kết án được phép nói một vài lời - chính quyền mong rằng hầu hết những người bị kết án, trước khi chết, sẽ thừa nhận tội lỗi của họ. Có thông tin cho rằng phần lớn những người bị lên án đã làm như vậy. Sau đó, họ bị treo cổ. Cái chết không đến ngay lập tức. Tử tù sẽ phải vật lộn trong khi thòng lọng siết chặt cổ họ.

Mỗi cuộc hành quyết là một ngày hội

Ngày hành quyết, hay Hội chợ Tyburn, như nó được gọi một cách vui nhộn, không chỉ là một ngày lễ của những người chăn gia súc và những kẻ lười biếng ở London; dân chúng thuộc mọi tầng lớp đều có cách để thỏa mãn mong muốn bệnh hoạn là nhìn thấy những đau đớn sắp chết của đồng loại, dù người đó có là tội phạm hay không.

Theo thời gian, địa điểm nghiệt ngã này đã trở thành huyền thoại. Các cuộc hành quyết tại Tyburn Tree đã trở thành một buổi diễn thực sự, thu hút đám đông lên tới hàng nghìn người. Các cuộc hành quyết công khai được quảng cáo trước nhiều ngày, và gần như được coi là ngày nghỉ với mọi tầng lớp dân cư. Công nhân và người học việc được nghỉ vào ngày hành quyết, và vé được bán cho những chỗ ngồi trên cao để có thể dễ dàng quan sát việc treo cổ. 

Vé xem vụ hành quyết của Jonathan Wild năm 1725 - trùm tội phạm khét tiếng London


Khi dân số của London tăng lên, số lượng tội phạm cũng tăng theo và đám đông đến xem các sự kiện tại Tyburn Tree cũng vậy. Trong thời hoàng kim của pháp trường này, các vụ hành quyết ở Tyburn thu hút từ 3.000 đến 30.000 người, trong khi việc treo cổ một người đặc biệt quan trọng có thể thu hút gần 100.000 người.

Vào thời đó ở London, những câu nói như “to go west” (Đi về phía Tây),  “take a ride to the Tyburn” (đi xe đến Tyburn) và “dance the Tyburn Jig” (nhảy vũ điệu Tiburn Jig) đều là cách gọi tắt của cái chết. Nhưng kỳ lạ thay, việc bị treo cổ ở Tyburn không phải lúc nào cũng nghiệt ngã như bạn nghĩ.

Đối với những tên tội phạm nổi tiếng và đầy tham vọng của thời đại này, việc được hành quyết tại Tyburn giống như show trình diễn hoành tráng cuối cùng của cuộc đời họ và đám đông là những khán giả cuồng nhiệt nhất. Tử tù sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình và biểu diễn sao cho thật xuất sắc. Nếu tên tội pham đối mặt với giá treo cổ bằng sự dũng cảm và hài hước, điều đó sẽ khiến đám đông dân chúng reo hò vui mừng và tán dương anh ta. Trong trường hợp tử tù sợ hãi trước dây thòng lọng, đám đông sẽ la hét và chế nhạo anh ta.

Ngày tàn của Tyburn

Giá treo cổ Tyburn được sử dụng lần cuối vào ngày 3 tháng 11 năm 1783, khi John Austin, một tên cướp xa lộ, bị treo cổ; trong 85 năm tiếp theo, các vụ treo cổ được tổ chức bên ngoài nhà tù Newgate. Sau đó, vào năm 1868, để bảo đảm trật tự công cộng trong các cuộc hành quyết công khai này, người ta đã quyết định xử tử những kẻ bị kết án bên trong nhà tù.

Giá treo cổ bên ngoài nhà tù Newgate

Vị trí của giá treo cổ hiện được đánh dấu bởi ba cây sồi non được trồng vào năm 2014 trên một hòn đảo ở nơi giao nhau giữa đường Edgware với đường Bayswater. Giữa các cây là một vòng tròn với dòng chữ "Địa điểm Tyburn Tree".

Dấu tích kỷ niệm Tyburn


Những vụ hành quyết đáng chú ý

Tyburn trở thành bến đỗ cuối cùng của nhiều tên tội phạm khét tiếng, hầu hết được tôn sùng như những anh hùng dân gian, được các tầng lớp nghèo ở London, những người không bao giờ thực sự thích luật pháp, yêu mến. Jack Sheppard là một trong những người như vậy, được dân gian gọi với biệt danh Jack trung thực.

Chân dung phác hoạ Jack Sheppard, không lâu trước khi bị hành hình

Sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề thợ mộc, Jack sớm nhận ra rằng công việc buôn bán đồ gỗ không thực sự dành cho anh. Thay vào đó, anh ta chuyển sang ăn trộm. Được mọi người biết đến với biệt danh Quý ông Jack, Jack trai trẻ và Jack trung thực, anh ta nhanh chóng được biết đến vì những tội ác của mình.

Anh ta bị bắt năm lần nhưng đã vượt ngục bốn lần, sử dụng những phương pháp táo bạo và độc đáo. Đối với những chiến tích này, Jack đã trở thành một nhân vật gần như huyền thoại, và đối với tầng lớp nghèo, Jack là một anh hùng.

Tuy nhiên, cuối cùng Jack cũng phải trả giá. Năm 1724, anh ta trộm một tiệm cầm đồ ở Drury's Lane. Từ số tiền trộm được, anh ta qua đêm với nhân tình, rồi bị cảnh sát bắt khi đang say khướt. 

Quý ông Jack nổi tiếng đến mức bất cứ ai muốn gặp anh ta, họ phải trả cho những tay cai ngục tính bốn shilling (một khoản tiền đáng kể vào thời kỳ đó). Cuộc hành quyết của anh ta cũng là một màn trình diễn hoành tráng không kém. Vào ngày Jack bị treo cổ, một đám đông 200.000 người đã tụ tập để chứng kiến. Vào thời điểm đó, 200.000 người tương đương một phần ba dân số của London!

Lời kết

Giá treo cổ Tyburn không phải là giá treo cổ duy nhất ở khu vực London, và chắc chắn không phải là duy nhất ở Anh. Những pháp trường như vậy được tìm thấy trên khắp vương quốc, và đóng vai trò như một biểu tượng nhất định cho quyền lực và sự thống trị của các lãnh chúa trong khu vực và những người thực thi luật pháp. Than ôi, nước Anh cũng đầy rẫy tội phạm và những kẻ xấu xa, điều đó có nghĩa là giá treo cổ được sử dụng thường xuyên. Nhưng không có điểm nào trong số những điểm này đạt được danh tiếng đáng sợ và lâu dài như Tyburn.


Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.