• Về đầu trang
Milu
Milu

Ưa sạch sẽ, người Ai Cập cổ nghĩ ra vô vàn những cách chăm sóc và vệ sinh cơ thể kỳ khôi

Lịch sử

Những ngôi mộ được chạm khắc công phu cùng hệ thống tài liệu chữ tượng hình mô tả con người trong việc trang điểm mắt cầu kì và mặc trang phục lanh đã phần nào tiết lộ rằng việc chăm sóc cơ thể là điều cực kì quan trọng đối với xã hội Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập cổ luôn có một nỗi ám ảnh thường trực mang tên sạch sẽ và hoàn hảo về mặt thẩm mỹ, do đó họ sử dụng rất nhiều phương pháp để chăm sóc bản thân. Dù vậy, các cách làm đẹp này đôi khi bị hạn chế vì họ buộc phải làm việc và sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt. Ví dụ người Ai Cập sử dụng tóc giả và trang điểm mắt đen không chỉ để xuất hiện một cách lộng lẫy mà còn là phương pháp sinh tồn trong một khu vực dễ bị cháy nắng và thường xuyên bị đen dọa bởi côn trùng, sâu bọ, kí sinh trùng,..

Sống trong một xã hội thiếu điều kiện vệ sinh và các tiện nghi hiện đại khác, người Ai Cập buộc phải xoay sở đủ cách để tồn tại. Các phương pháp trang điểm và làm sạch cơ thể của họ là nguồn cảm hứng cho hàng loạt sản phẩm xà phòng, mĩ phẩm và nước hoa phổ biến ngày nay.

1. Đàn ông và phụ nữ đều phải cạo đầu để ngăn chấy rận

Chấy rận là vấn đề mà cư dân sông Nile luôn phải đối mặt. Họ đã thực hiện rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tránh cho chúng “sống” trên cơ thể. Do đó, hầu hết người dân Ai Cập đều phải cạo trọc đầu bằng dao, dao cạo và nhíp. Sau đó, họ sẽ đội tóc giả làm bằng tóc người hoặc lông ngựa. Nếu chấy tìm cách phá hoại bộ tóc giả, họ có thể dễ dàng vứt bỏ nó đi.

Tóc giả cũng là một cách hay để giữ mát trong thời tiết nóng bức. Những người giàu có thường sở hữu rất nhiều bộ tóc giả khác nhau để có thể thay đổi trong nhiều dịp. Tuy nhiên, các thành viên của tầng lớp thấp hơn không thể có đủ tiền để mua những bộ tóc giả đẹp, do đó họ buộc phải đội khăn trùm đầu hoặc tạo ra những tác phẩm giống như tóc giả nhưng được làm từ giấy cói. Dù vậy, không ai có thể hoàn toàn thoát khỏi “vấn đề nhức nhối” này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số xác ướp vẫn bị nhiễm chấy rận.

2. Họ đã sử dụng chất khử mùi để kiềm chế mùi cơ thể

Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng các loại thực vật và các chất tự nhiên khác để tiết chế mùi cơ thể . Họ nghiền các loại thảo mộc, hoa và rễ của các loại cây thành một hỗn hợp sệt, sau đó đem trộn với dầu để tạo ra một loại kem để bôi lên nách. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một vài công thức cho các chất khử mùi được làm từ mai rùa nghiền, trứng đà điểu. Thậm chí trong công thức còn có sự xuất hiện của cháo và nhựa resin – loại nhựa nhân tạo tổng hợp được ứng dụng nhiều trong nghệ thuật, y học ngày nay.

Chất khử mùi không chỉ được sử dụng cho vùng da dưới cánh tay mà một số phụ nữ còn dùng chúng làm những chiếc nón sáp đội lên đầu. Dưới sức nóng của mặt trời, sáp sẽ tan chảy và khiến mùi hương lan tỏa ra xung quanh. Mặc dù nhiều chất khử mùi nguyên thủy không có mùi nhưng cũng có một số công thức được thêm vào mùi quế hay tinh dầu hương trầm để thêm phần dễ chịu.

3. Người Ai Cập cổ nhai bạc hà và thảo mộc để giữ hơi thở được thơm tho

Hơi thở thơm mát là điều rất quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại, họ luôn phải đảm bảo rằng mình phải luôn sử dụng các phương pháp khác nhau để làm giảm mùi hôi miệng. Vì vậy, người ta thường nhai các loại thảo mộc như rau mùi tây trong ngày hoặc sau bữa ăn.

Cư dân nền văn minh cổ này cũng sử dụng bạc hà với mục đích tương đương. Để đối phó với mùi hôi miệng khó chịu, người Ai Cập sẽ sử dụng bạc hà để làm thành kẹo ngậm. Quy trình làm kẹo cũng khá phức tạp: người ta trộn bạc hà với trầm hương, quế, hạt điều, hạt thông rồi đun nóng cùng mật ong, sau đó vo viên, để nguội và ta có được thành phẩm.

4. Đàn ông thực hiện các thủ tục cắt bao quy đầu để trở nên sạch sẽ hơn

Từ khoảng 4000 năm TCN, người Ai Cập cổ đã cắt bao quy đầu bởi họ cho rằng điều này đem đến sự sạch sẽ và ưa nhìn. Các bằng chứng cho việc này được tìm thấy trên các tác phẩm điêu khắc hoặc hình ảnh trên tường của các ngôi mộ. Mặc dù thực tế người Ai Cập thực hiện thủ tục này có thể vì một số lý do khác, tuy nhiên các nhà sử học vẫn tin rằng nguyên nhân chính vẫn là để giữ sạch sẽ. Các chữ khắc trong những ngôi đền và lăng mộ tiết lộ rằng những người đàn ông không chịu cắt bao quy đầu sẽ được cho là không trong sạch và không được phép bước chân vào nơi linh thiêng.

Việc thực hành này dần phát triển để trở thành các nghi thức liên quan đến tôn giáo. Trong khi đàn ông cắt bao quy đầu thì phụ nữ cũng sẽ trải qua các nghi lễ riêng của họ để có được sự sạch sẽ cũng như cải thiện sức khỏe tình dục. Nhiều phụ nữ đã biết cách loại bỏ lông vùng kín bằng nhiều phương pháp tự nhiên khác. Phụ nữ thời đấy tin rằng việc làm này giúp đỡ họ trong quá trình “thân mật” cũng như đẩy lùi sự xuất hiện của chấy và bọ chét.

5. Chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có nhà vệ sinh riêng

Hầu hết mọi người đều đi vệ sinh ở ngoài trời, chỉ có số ít người giàu mới có nơi để giải quyết “nhu cầu” đúng chỗ. Bồn cầu của người Ai Cập cổ cũng khá thú vị, đó đơn giản chỉ là một tảng đá vôi được dùng để làm bệ, đặt trên một chiếc hộp được chứa đầy cát. Và tất nhiên, phải có một người làm nhiệm vụ dọn dẹp những “sản phẩm” ấy đi, quả là không dễ chịu chút nào! Còn nhà vệ sinh của dân thường chỉ đơn giản là một chiếc hố được đào trong lòng đất. Rất nhiều người dân sử dụng sông Nile làm nơi để tắm táp, dù nguồn nước của con sông cũng được sử dụng để uống hay giặt quần áo.

Người dân Ai Cập cổ đại không có hệ thống xử lý chất thải. Nước và rác thải thường bị vùi lấp trong các hố, cánh đồng hoặc kênh rạch, làm ô nhiễm dòng sông và vùng đất nơi người dân trồng trọt thức ăn. Do đó, bất chấp những nỗ lực của người dân trong việc giữ gìn sự sạch sẽ thì điều kiện sống không được vệ sinh đã hình thành rất nhiều sâu bọ và ký sinh trùng – tác nhân cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm

6. Người dân Ai Cập cũng biết dùng mĩ phẩm

Ngoài tác dụng làm đẹp, mỹ phẩm cũng được con người nơi đây sử dụng hàng ngày để đem lại lợi ích về sức khỏe cho cả nam và nữ. Sau khi làm mịn da bằng dầu và mặt nạ mật ong hoặc lô hội, người ta dùng phấn mắt, mascara và bút kẻ mắt để trang điểm. Bút kẻ mắt là dụng cụ cực kì phổ biến vào thời điểm đó, người Ai Cập dùng nó để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng chói lòa của mặt trời cũng như để đuổi ruồi.

Nguyên liệu để làm bút kẻ mắt bao gồm hỗn hợp bột nghiền nhỏ đá lông công (malachite) và galen (một khoáng vật quặng chì) trộn với chất béo để trở thành một loại kem mịn, sau đó chúng được đem đi trữ trong những chiếc lọ nhỏ. Các tầng lớp cao cấp sử dụng các loại hũ đựng được trang trí cầu kì trong khi tầng lớp thấp hơn sẽ sử dụng nguyên liệu rẻ tiền để làm vật đựng mĩ phẩm.

7. Thuốc nhuận tràng được sử dụng để làm sạch cơ thể từ bên trong

Quá trình ướp xác công phu đã khiến người Ai Cập cổ tò mò về cơ thể của mình. Họ luôn cố gắng để biết nhiều thêm về sức khỏe của con người. Bác sĩ thời ấy cũng có suy nghĩ giống với các thầy tu, họ nghĩ rằng bệnh tật là điều xúc phạm các vị thần. Do đó, họ khuyến khích sử dụng thuốc tẩy hoặc thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột.

3 ngày trong một tháng, thuốc nhuận tràng được sử dụng để loại bỏ bệnh tật của cơ thể. Họ sử dụng dầu thầu dầu để đẩy chất thải ra khỏi cơ thể, ngay cả khi họ đang bị tiêu chảy. Người Ai Cập cũng dùng các vật dụng để thụt rửa, làm sạch cơ thể từ bên trong của họ. Các chuyên gia tiền sản cũng được mời tới để kiểm tra hậu môn của họ.

8. Chỉ có những nhà rất giàu có mới có thể sử dụng nhà tắm

Người Ai Cập tắm hàng này, tuy nhiên phương pháp tắm rửa như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào địa vị xã hội của họ. Những người Ai Cập giàu có nhất mới có nơi tắm riêng biệt trong căn nhà của mình. Người giàu thường sẽ đứng trên một phiến đá hoặc tắm trong bồn với bình đầy nước được mang lên từ sông Nile bởi những người hầu của mình. Một số ngôi nhà thuộc tầng lớp thượng lưu thậm chí còn có bồn ngâm chân làm bằng gỗ, đá hoặc gốm.

Người Ai Cập sử dụng một chất tự nhiên gọi là natron để làm xà phòng và luôn bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm để giữ cho làn da được mềm mại. Các thành viên của tầng lớp xã hội thấp hơn thì sẽ đi tắm ở sông Nile.

9. Nước hoa được làm từ nhiều thành phần khác nhau

Cư dân Ai Cập cổ đại là những người có niềm đam mê mãnh liệt với mùi hương, do đó họ tạo ra rất nhiều mùi thơm khác nhau để thỏa mãn thú vui này. Trong công thức nước hoa của người Ai Cập cổ, dầu được sử dụng để làm phần nền, sau đó người ta thêm vào các loại gia vị và thảo mộc thơm như thảo quả, bạc hà và cây bách xù. Nước hoa đôi khi còn có các thành phần được nhập khẩu từ các khu vực xung quanh. Một trong những loại nước hoa mang tên “kyphi” là sự kết hợp của nhựa thơm, cây bách xù berry, cỏ cà ri, hạt dẻ, hương thảo, bạc hà. Nó trở thành loại nước hoa được đánh giá cao và đắt nhất trong số các loại nước hoa Ai Cập cổ đại và vai trò như một dấu hiệu nhận biết của sự giàu có.

Chai đựng nước hoa của người Ai Cập cổ

Các thành viên của tầng lớp thấp hơn không thể mua được phần lớn các loại nước hoa, vì vậy họ kết hợp các loại thảo mộc và hoa với nhau, nghiền nhuyễn chúng để tạo ra những loại nước hoa ít tốn kém hơn. Những nguyên liệu có hương thơm này cũng sẽ được biến thành những chiếc nón hương tương tự như chiếc nón sáp dùng để khử mùi.

10. Người Ai Cập cổ chú trọng vệ sinh răng miệng

Để làm sạch răng, người Ai Cập cổ đại nghiền các vật liệu tự nhiên như muối, hoa và bạc hà thành bột. Họ dùng ngón tay để chà hỗn hợp đó lên răng, bột đó khi trộn lẫn với nước bọt sẽ tạo ra một hỗn hợp sệt. Bên cạnh kem đánh răng, người Ai Cập cũng đã tạo ra được một chiếc bàn chải đánh răng bằng cách sử dụng những chiếc que nhỏ sau đó buộc lên phía trên những dải cây nhỏ để làm lông bàn chải.

Các nhà sử học cũng đã tìm thấy một vài bằng chứng về việc cư dân nơi đây thực hành nha khoa. Họ trám và giữ những chiếc răng lỏng lẻo bằng nẹp. Một số xác ướp cho thấy họ từng thực hiện việc trồng răng, tuy nhiên rất khó để xác định rằng công việc này được thực hiện trong lúc họ sống hay khi họ đã chết đi.

11. Người ta phải giặt áo quần trong nước bị nhiễm kí sinh trùng

Thời kì đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại, con người mặc rất ít áo quần nhưng ở thời kì sau, nhu cầu ăn mặc đã tăng lên, kéo theo việc tủ quần áo của họ ngày càng lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chất liệu thường được sử dụng lại là vải lanh màu trắng – rất dễ bám bụi bẩn. Vì vậy, họ buộc phải giặt đồ thường xuyên hơn để đảm bảo mọi thứ luôn sạch sẽ. Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng khi quần áo phải được đánh, giũ, vặn và ngâm bằng tay để loại bỏ bụi bẩn. Do tính chất này mà người Ai Cập đều giao nhiệm vụ giặt đồ cho đàn ông.

Trong khi những người giàu có thuê người khác giặt giũ và tận dụng các tiện nghi đặc biệt thì tầng lớp thấp hơn phải tự giặt quần áo ở sông Nile. Vấn đề ở chỗ sông Nile cũng là nơi người ta đổ rác và đi vệ sinh do đó nước này chứa đầy kí sinh trùng gây bệnh. Người đi giặt đồ ở đây cũng phải đối mặt với việc bị tấn công bởi hà mã hay cá sấu ẩn nấp.

12. Những người giàu có thuê người khác để chăm sóc móng cho mình

Giới thượng lưu và hoàng gia đã thuê những thợ làm móng để chăm sóc đặc biệt cho đôi bàn tay của mình. Những người thợ đã biết cách sử dụng dũa móng và dao nhỏ để cắt tỉa và làm cho móng tay cũng như móng chân của người chủ một cách sạch sẽ. Thợ làm móng giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội và được khắc lên mộ của mình dấu hiệu đặc biệt về công việc mà họ từng làm. Người Ai Cập cũng sơn móng tay của họ bằng các màu sắc rực rỡ như cam và vàng.

Mặc dù không đủ tiền để thuê người khác chăm sóc tay chân cho mình nhưng tầng lớp thấp hơn không chấp nhận chuyện “sống chung” với móng tay bẩn hay không được chăm chút kĩ càng. Các nhà sử học tin rằng họ vẫn có thể chăm sóc móng cho bản thân bằng cách sử dụng các công cụ ít tốn kém hơn. Một sự thật thú vị khác là bất chấp vị thế xã hội nào thì mỗi cư dân Ai Cập cổ đều dành thời gian để chăm sóc cho đôi bàn chân. Họ đều sử dụng kem dưỡng ẩm hay thuốc mỡ để tránh cho bàn chân bị nứt nẻ hoặc côn trùng đốt do việc đi chân đất thường xuyên.

13. Họ bôi kem chống nắng và kem dưỡng ẩm sau khi tắm

Ai Cập là quốc gia nổi tiếng với khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, vì lẽ đó mà người dân Ai Cập đã sớm biết chăm sóc và giữ gìn làn da của mình. Sau khi tắm, người ta thường bôi lên cơ thể một lớp mỡ động vật để giữ ẩm cho da. Họ cũng sử dụng các sản phẩm từ thực vật như dầu hạt lanh, dầu thầu dầu và thêm mật ong để làm giảm sự xuất hiện của các vết sẹo và lưu giữ vẻ ngoài trẻ trung.

Một số loại kem của người Ai Cập cổ có thành phần giống như kem chống nắng ngày nay, bên cạnh đó các loại kem này được cho là có ích lợi trong việc đẩy lùi các loại côn trùng như ruồi cát. Tương tự với các phương pháp chăm sóc cơ thể đã được liệt kê ở trên, người giàu sẽ đi mua kem hay dầu dưỡng ở chợ trong khi tầng lớp thấp hơn sẽ phải tự làm với các thành phần đơn giản tại nhà.

14. Việc chuẩn bị thực phẩm được diễn ra trên sàn nhà

Người Ai Cập cổ đại phụ thuộc vào sông Nile ở rất nhiều mặt của cuộc sống, bao gồm cả việc tắm và uống nước. Ngoài ra, lũ lụt thường xuyên xảy ra do đó hai bên bờ sông Nile cũng rất màu mỡ, cực kì phù hợp để trồng rau quả và lương thực. Tuy nhiên, sông Nile cũng được sử dụng vào mục đích tắm rửa do đó bệnh tật hay vi khuẩn sản sinh ra từ đây dễ có cơ hội tiếp xúc với đất và thực phẩm nhiều hơn.

Trong các gia đình ở tầng lớp thấp, sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm này cũng xảy ra trong quá trình chế biến thức ăn bởi mọi hoạt động đều được diễn ra trên sàn nhà, chẳng hạn như xay ngũ cốc để làm bánh mì. Mọi người thường chuẩn bị thức ăn ở những căn phòng ngoài trời hoặc trên mái nhà nếu không có bếp. Sâu bọ cũng thường xâm nhập và phá hoại khu vực giữ thức ăn. Sau khi ăn xong, mọi người rửa chén bằng nước sông và vứt rác ra ngoài trời.

15. Họ xây tháp để chống muỗi

Người dân Ai Cập cũng thường xuyên phải đối mặt với muỗi, do đó họ cũng thực hiện rất nhiều biện pháp để ngăn cho mình không bị cắn. Một trong những giải pháp là họ sẽ xây dựng các tòa tháp cao bao xung quanh phòng ngủ để ngăn cho muỗi không thể xâm nhập vào nhà. Một số cách khác có thể kể đến như quấn mình trong lưới khi họ ngủ. Mỗi người đàn ông đều có một cái lưới để câu cá vào ban ngày, và khi đêm xuống, chiếc lưới đó sẽ trở thành “vật bảo vệ”, họ quấn quanh giường thành một cái tổ và ngủ trong đó.

16. Phụ nữ đã biết cách thử thai

Các bản thảo y học từ thời Ai Cập cổ đại đều cho thấy, phụ nữ thời này đã biết cách thử nước tiểu để phát hiện mang thai với cách làm cực kì đơn giản. Họ ngâm lúa mạch và lúa mì vào nước tiểu của người phụ nữ và chờ đợi. Nếu hai hạt không nảy mầm thì cô ấy không có thai, ngược lại, nếu lúa mạch nảy mầm, đó là một bé trai. Còn nếu lúa mì nảy mầm, thì đó là bé gái. Mặc dù đây không phải là phương pháp thử thai duy nhất vào thời kì này tuy nhiên nó là một trong những phương pháp được cho là hiệu quả nhất.

Thử nghiệm này trên thực tế đã cho thấy tính hiệu quả khi các nhà nghiên cứu đã thử làm lại thí nghiệm này vào cuối thế kỉ 20 và xác nhận rằng hơn một nửa các xét nghiệm được thực hiện bởi phụ nữ mang thai đều khiến lúa mạch hoặc lúa mì phát triển. Trong khi đó, các xét nghiệm thực hiện bởi đàn ông hay phụ nữ không mang thai không đem lại kết quả gì.

Theo: ranker.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.