• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

Những phát minh từ thời chiến có thay đổi to lớn đến cuộc sống của chúng ta (P2)

Khám phá

Chiến tranh không chỉ sản sinh ra hàng loạt phát minh công nghệ để phục vụ chiến đấu. Ở một số trường hợp, rất nhiều sản phẩm hữu ích và quý giá đối với đời sống thường nhật cũng bắt nguồn từ đây.

Băng keo vải

Băng keo vải mà chúng ta biết hiện nay thường được làm từ loại băng keo siêu dính, dẻo và dai, phù hợp cho rất nhiều mục đích khác nhau: từ chuyên dụng cho đến thông dụng. Còn loại băng keo vải nguyên thủy vốn được tạo ra cho mục đích quân sự.

Trong khoảng thời gian Thế chiến thứ 2, một loại keo dính đã được chế tạo bằng cách quết keo dính cao su lên một tấm vải bền. Loại băng keo này có khả năng chống nước và bụi bẩn, đặc biệt đủ khỏe để có thể sử dụng cho nhiều mục đích quân sự khác nhau: sửa chữa vũ khí và thiết bị chiến đấu, xe cộ…

Ý tưởng này xuất phát từ việc những chiếc khóa niêm phong trên hộp đạn thời đó thường rất tốn thời gian để gỡ, và điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường. Vì thế, một thứ gì đó cần được tạo ra để vừa có thể giữ chiếc hộp được đóng chặt, lại vừa dễ gỡ.

Loại băng dính này ngày càng được cải tiến, tới mức mà NASA cũng sử dụng nó cho những chuyến du hành vũ trụ. Có thể bạn cũng có sở hữu một vài cuộn băng keo như thế trong nhà đấy.

Lốp cao su tổng hợp

Trong quá khứ, lốp cao su được tạo từ cao su thiên nhiên với nguồn cung cấp từ các nước Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ 2, việc Nhật Bản chiếm được vùng này đã khiến cho quân Đồng Minh không còn nguồn nguyên liệu nữa và buộc phải tìm giải pháp. Từ đó, cao su tổng hợp đã được tạo ra để giải quyết vấn đề.

Giờ đây, cao su tổng hợp được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, và đặc biệt vẫn được dùng để tạo ra những chiếc lốp xe mà chúng ta đi hằng ngày.

Keo siêu dính

Trong khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, một số nhà khoa học được giao nhiệm vụ phát minh ra một loại vật liệu phù hợp cho việc chế tạo ống nhắm súng của các loại vũ khí. Trong quá trình đó, họ vô tình khám phá ra một loại chất có thể kết dính mọi vật. Và thế là keo siêu dính ra đời.

Mặc dù nó không được sử dụng trong quân sự hồi đó, nhưng lại trở thành một sản phẩm bán chạy từ năm 1958 và dần trở nên nổi tiếng, phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.

Đồ ăn đóng hộp

Nhu cầu cung cấp lương thực và đạn dược đầy đủ luôn thiết yếu, đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự thành bại của một đội quân trong trận chiến. Đói thì chẳng thể làm gì được, chứ đừng nói là cầm súng.

Vào khoảng năm 1810, chính phủ Pháp đã treo một phần thưởng lớn cho bất cứ ai có bất cứ giải pháp nào hữu hiệu và hiệu quả kinh tế để lưu trữ một lượng lớn đồ ăn. Và một nhà đầu tư khi đó đã phát hiện ra rằng, thức ăn nấu trong một chiếc lọ kín sẽ không bị hỏng cho tới khi niêm phong được mở ra. Chính vì thế, những hộp đóng kín thức ăn ra đời.

Vào những năm sau đó, đồ ăn đóng hộp thiếc lên ngôi. Trong Thế chiến thứ nhất, binh lính trên chiến trường đã sống sót nhờ những hộp đồ ăn phân phối ấy: thịt bò muối, xúc xích, thịt lợn và đậu xanh… Về sau, đồ ăn đóng hộp cũng dần phổ biến trong cuộc sống đời thường, và giờ đây, không khó để tìm chúng trên kệ hàng của các siêu thị hay các tiệm tạp hóa.

Penicillin

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Alexander Fleming, khi ấy là đội trưởng của Đội Y tế Quân sự Hoàng gia, đã phải chứng kiến vô vàn cái chết của binh lính do sốc nhiễm khuẩn từ những vết thương bị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh hồi đó chưa thực sự hữu hiệu, và thậm chí còn có nhiều tác hại hơn ích lợi, đặc biệt là đối với những vết thương sâu.

Vào những năm sau đó, ông đã khám phá ra một loại nấm có khả năng sinh ra một chất có thể kìm hãm được sự phát triển của vi khuẩn. Loại chất này được gọi tên là Penicillin, và được sản xuất với khối lượng lớn để chống lại hàng loạt bệnh tật của các binh lính trong chiến tranh.

Băng vệ sinh

Bạn sẽ bất ngờ khi biết được rằng, băng vệ sinh vốn không dùng để giúp chị em “hứng dâu”. Nó được tạo ra với mục đích ban đầu là giúp cầm máu vết thương của những người lính trong lúc chờ đội y tế. Trong những năm về sau, phát minh này được thay đổi một chút để phụ nữ sử dụng trong thời gian kinh nguyệt ướt át.

Kỹ thuật làm đông khô

Quá trình làm đông khô được nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1906, nhưng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi huyết tương cần được làm đông khô để tránh bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Chính công nghệ này đã giúp cho huyết tương được đưa tới nguyên vẹn và cứu sống vô số mạng người trên chiến trường.

Về sau, kỹ thuật làm đông khô được phát triển để sử dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác: thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp gốm sứ…

Truyền máu

Sức tàn phá khủng khiếp của Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã đặt ra một nhu cầu khẩn thiết về một ngân hàng máu và các kỹ thuật truyền máu. Trung úy người Canada Lawrence Bruce Robertson là người đầu tiên thúc tiến kỹ thuật truyền máu để cứu sống những người bị thương và mất máu nặng. Sự thành công ấy đã mở đường cho những ứng dụng đầy quý giá về sau.

Ban đầu, việc truyền máu phải được tiến hành trực tiếp từ người sang người để tránh sự đông máu khi máu tiếp xúc với không khí. Từ đó, các kỹ thuật truyền máu cũng như trữ máu khác tiếp tục được nghiên cứu và phát triển nhanh chóng để giải quyết bài toán trên, và ngân hàng máu đã được ra đời.

Cho tới nay, mặc dù chiến tranh đã rời xa, nhưng hiến máu vẫn là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được nhân rộng trên khắp thế giới, ở khắp mọi nơi để thắp lên tia sáng hy vọng cho những người đang phải đối diện với hiểm nghèo.

Xe cứu thương

Vào khoảng năm 1487, những chiếc xe cứu thương đầu tiên đã xuất hiện trên chiến trường. Chúng được sử dụng bởi quân đội Tây Ban Nha để đón cứu những binh lính bị thương trong vùng chiến. Chúng thường không được sử dụng cho tới khi trận chiến đã kết thúc. Chính vì thế, rất nhiều người đã chết trong lúc chờ được giải cứu.

Những năm sau đó, xe kéo ngựa được sử dụng thay cho những chiếc xe cứu thương với số lượng nhiều hơn, hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Chỉ tới khi động cơ motor được phát triển và sử dụng, những chiếc xe cứu thương mới dần được nâng cấp và tham gia vào công cuộc cứu chữa người bệnh trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn.

Không ai mong muốn chiến tranh, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng trong những giai đoạn ngặt nghèo này, sức sáng tạo của con người đã vút bay để hàng loạt những phát minh hữu hiệu ra đời.

Theo: pocket-lint
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.