• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

14 loài thuộc Bộ Cá voi đang có nguy cơ tuyệt chủng - Phần 2

Thiên nhiên

Cá heo Baiji – Có thể đã tuyệt chủng

Cá heo Baiji, hay Cá heo Sông Dương Tử, hiếm gặp đến mức chúng được coi là đã gần như hoàn toàn tuyệt chủng. Năm 2006, các nhà khoa học chính thức tuyên bố sự tuyệt chúng của cá heo Baiji, mặc dù sau đó một người dân địa phương lại cho rằng đã nhìn thấy chúng vào năm 2016. Nếu sự thật đúng như tuyên bố của các nhà khoa học, cá heo Baiji sẽ là loài cá heo đầu tiên tuyệt chủng vì chịu tác động phía từ con người.

Baiji là loài đặc hữu của sông Dương Tử, được người dân kính trọng gọi với danh xưng “nữ thần sông”. Tuy nhiên, do hoạt động đánh bắt khiến nguồn thức ăn của cá heo Baiji bị cạn kiệt, đồng thời hoạt động xả thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường sống, chúng đã gần như hoàn toàn biến mất từ năm 2002. Vì sự kiện người dân cho rằng đã nhìn thấy chúng năm 2016, các nhà khoa học lại một lần nữa dấy lên hi vọng và chuyển chúng từ trạng thái đã tuyệt chủng thành cực kì nguy cấp.

Nếu trong một thời gian nữa vẫn không tìm thấy cá thể nào, họ sẽ xem xét để đưa cá heo Baiji trở lại danh sách tuyệt chủng.

Cá heo lưng gù Đại Tây Dương – Cực kì nguy cấp

Sống ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi, cá heo lưng gù Đại Tây Dương cũng là một loài khó có thể bắt gặp. Mặc dù từng sống ở khu vực này với số lượng dân số khá lớn, tuy nhiên trong 75 năm qua, số lượng cá thể cá heo lưng gù Đại Tây Dương đã đột ngột giảm đến hơn 80%. Ước tính hiện tại tổng số lượng của chúng chỉ còn dưới 3000 con, với khoảng 50% đã trưởng thành.

Mối đe dọa lớn nhất của cá heo lưng gù Đại Tây Dương là bị con người đánh bắt lấy thịt, nhưng lại là sự đánh bắt tình cờ không có chủ đích, do chúng vô tình vướng vào lưới bắt cá của ngư dân.

Ngoài ra, sự phát triển của các cảng biển xung quanh khu vực sinh sống và ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai thác photphorit hoặc dầu cũng góp phần khiến số lượng cá heo lưng gù Đại Tây Dương ngày càng ít đi.

Cá heo Hector – Nguy cấp

Cá heo Hector là loài có kích thước nhỏ nhất trong họ cá heo, và cũng là loài đặc hữu của New Zealand. Dân số của cá heo Hector được cho là đã giảm 74% kể từ năm 1970. Hiện nay chỉ còn lại 15.000 cá thể.

Vì bị thu hút bởi các tàu lưới kéo, cá heo Hector khi quan sát thấy tàu đến gần thường tự tìm đường bơi vào lưới và chết do không thể thoát ra.

Bên cạnh đó, dịch bệnh (chẳng hạn như kí sinh trùng Toxoplasma gondii) cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng của loài này.

Cá heo Irrawaddy - Nguy cấp

Cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) đặc biệt với khả năng sống được ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Loài này phân bổ thành một số quần thể nhỏ rải rác khắp các vùng nước ven biển và các con sông ở Đông Nam Á. Trong đó quần thể có quy mô lớn nhất là ở Vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển Bangladesh, với khoảng hơn 5.800 cá thể.

Phần còn lại là các quần thể phụ có kích thước rất nhỏ, chỉ từ vài chục đến vài trăm cá thể. Thật không may, tỷ lệ tử vong không ngừng đã khiến IUCN phải liệt kê chúng vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Mắc lưới cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 66-87% trong số các vụ cá heo Cá heo Irrawaddy tử vong do tác động của con người. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng dọc sông Mekong, khai thác vàng, sỏi, cát và ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất hóa học cũng là mối đe dọa lớn với loài này.

Cá heo sông Nam Á – Nguy cấp

Cá heo sông Nam Á được chia thành hai phân loài là cá heo sông Hằng và cá heo sông Indus. Nó được tìm thấy ở khắp Nam Á, chủ yếu ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bangladesh, thuộc hệ thống sông Indus, Ganges-Brahmaputra-Meghna và Karnaphuli-Sangu.

Mặc dù loài này từng xuất hiện với số lượng lớn, nhưng ngày nay, tổng số cá heo sông Nam Á trên toàn cầu được ước tính chỉ còn dưới 5.000 cá thể. Ngoài ra, phạm vi địa lý của nó cũng bị thu hẹp đến gần 80% trong suốt 150 năm qua. Đặc biệt, phân loài cá heo ở thượng nguồn sông Hằng được cho là đã tuyệt chủng cục bộ.

Cá heo sông Nam Á phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Việc xây dựng nhiều đập, hàng rào thủy lợi trên sông Hằng và sông Indus đã dẫn đến sự chia cắt của quần thể cá heo ở những khu vực này, làm giảm đáng kể phạm vi địa lý của chúng.

Cá heo lưng gù Ấn Độ Dương - Nguy cấp

Cá heo lưng gù Ấn Độ Dương (Sousa plumbea) được tìm thấy ở vùng ven biển thuộc nửa phía tây của Ấn Độ Dương, trải dài từ bờ biển Nam Phi đến Ấn Độ.

Đây là loài cá heo đã từng rất phổ biến trên khắp Ấn Độ Dương, nhưng số lượng quần thể nhanh chóng suy giảm và dự đoán trong 75 năm tới, số lượng của chúng sẽ tiếp tục giảm thêm 50%. 

Vì loài này có xu hướng sống gần bờ, ở những vùng nước nông, môi trường sống của nằm ngay tại một số vùng nước được con người sử dụng. Vì vậy, chúng thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro như vô tình vướng vào lưới đánh bắt của người dân.  

Ngoài ra, môi trường nước bị ô nhiễm do hoạt động sinh hoạt, sản xuất và khai thác cũng khiến chúng thường xuyên chết do nhiễm độc.

Cá heo sông Amazon - Nguy cấp

Cá heo sông Amazon sống trên khắp lưu vực sông Amazon và sông Orinoco thuộc Nam Mỹ. Đây là loài cá heo sông lớn nhất trên Trái Đất, với con đực nặng khoảng hơn 200kg, dài 2,8m và chuyển màu hồng khi trưởng thành.

Mặc dù là loài cá heo sông phổ biến nhất, nhưng số lượng của chúng đang giảm một cách nhanh chóng. Tại Khu bảo tồn Mamirauá ở Brazil, dân số cá heo sông Amazon đã giảm đến 70,4% trong suốt 22 năm qua.

Bắt đầu từ năm 2000, loài cá heo ngày bất ngờ trở thành mục tiêu săn bắt của những người khai thác thủy sản. Họ giết chúng sau đó lấy thịt để làm mồi bắt một loại cá da trơn có tên Piracatinga.

Theo: TreeHugger
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.