• Về đầu trang
ABC
ABC

30 loài động vật vừa lạ vừa quý có thể bạn chưa từng nghe đến (P2)

Thiên nhiên

Tiếp nối phần 1, Lost Bird xin giới thiệu 15 loài động vật vừa lạ vừa quý hiếm trên thế giới:

16. Chim Guianan

Lớp: Chim. Bộ: Sẻ. Họ: Cotingidae. Danh pháp: Rupicola rupicola.

Chim Guianan được tìm thấy trong những khu rừng phía bắc Nam Mỹ, ở nơi có nhiều đá tảng. Chúng ăn trái cây là chủ yếu, thỉnh thoảng sẽ đổi món với sâu bọ.

webp net resizeimage 85

Chim Guianna trống

es 1454 guianan cock of the rock rupicola rupicola web

Chim Guiana mái

Con trống có bộ lông màu cam sáng cùng chiếc mào hình bán nguyệt trên đầu. Chúng luôn biết cách tận dụng lợi thế ngoại hình bắt mắt để thu hút con mái - loài sở hữu bộ lông nâu kém nổi bật hơn.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

17. Sói bờm

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Chó. Danh pháp: Chrysocyon brachyurus.

Sinh vật này mang vẻ ngoài như lai giữa sói và cáo, chúng sống tại các hoang mạc miền trung và miền đông Nam Mỹ. Sói bờm cao hơn 90 cm, cặp chân dài là lợi thế giúp chúng có tầm nhìn tốt, bao quát.

webp net resizeimage 77

Đây là kẻ săn mồi đơn độc, chúng không tru như sói mà sủa như chó. Nguồn thức ăn chủ yếu gồm trái cây, rau củ, côn trùng, động vật gặm nhấm.

Sói bờm sống theo chế độ "một vợ một chồng", con đực và con cái chung thủy với nhau, cùng bảo vệ lãnh thổ và tìm thức ăn nuôi các con.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

18. Pink Fairy Armadillo - Tiên hồng có mai

Lớp: Thú. Bộ: Thú có mai. Họ: Chlamyphoridae. Danh pháp: Chlamyphorus truncatus.

Armadilo là tên chung chỉ các loài thú có mai, trong đó "tiên hồng có mai" là sinh vật khá nổi bật dài từ 8 - 11 cm, khoác lên lưng tấm áo giáp màu hồng phấn. Hiện có rất ít thông tin được ghi nhận về động vật tuyệt đẹp này.

webp net resizeimage 81

Chúng hoạt động về đêm, thường đào hang dưới đất để ẩn nấp giữa các đồng cỏ hay bãi cát rộng lớn ở Argentina. Nhưng môi trường sống đang bị xâm chiếm bởi sự khai hoang làm nông nghiệp, nông trại. Bên cạnh đó loài động vật có cái tên mỹ miều này còn bị săn bắt bất hợp pháp và bán ở chợ đen.

Tình trạng bảo tồn: chưa rõ.

19. Linh dương Saiga

Lớp: Thú. Bộ: Guốc chẵn. Họ: Trâu bò. Danh pháp: Saiga tatarica.

Lin dương Saiga cư ngụ tại các đồng cỏ Kazakhstan, sống thành từng đàn khoảng 40 cá thể. Chúng có cấu trúc mũi đặc biệt như một chiếc vòi của voi, bên trong mũi có nhiều lông cùng tuyến nhầy có chức năng lọc bụi trong thời tiết nắng gió mùa hè và làm ấm không khí vào mùa đông.

webp net resizeimage 75

Vào những tháng trời ấm áp, màu lông linh dương Saiga trông như hòa lẫn vào cát nhưng khi đông đến lông chúng sẽ chuyển sang trắng để thích ứng.

Mùa thu, hàng ngàn con linh dương sẽ di cư tới phía nam, tuy nhiên đây là thời điểm chúng bị săn bắt tàn nhẫn để lấy thịt và sừng. Hiện chỉ còn khoảng 18.000 cá thể trong khi cách đây vài chục năm ghi nhận được tầm 1 triệu con.

Tình trạng bảo tồn: cực kỳ nguy cấp.

20. Linh dương Bongo

Lớp: Thú. Bộ: Cetartiodactyla. Họ: Bovidae. Danh pháp: Tragelaphus eurycerus.

Linh dương Bongo sống trong rừng mưa miền trung và miền tây châu Phi. Chúng là đối tượng săn mồi của báo, linh cẩu và cả loài người.

webp net resizeimage 76 1

Con cái sống thành bầy đàn trong khi con đực gần như là kẻ đơn độc. Loài này cao hơn 120 cm, cân nặng trung bình từ 500 đến 900 pounds (227 đến 408 kg). Linh dương Saiga là loài ăn chay, chỉ ăn cây cỏ.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

21. Cầy mangut đuôi vòng

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Eupleridae. Danh pháp: Galidia elegans.

Thoạt nhìn trông chúng như một chú gấu trúc đỏ hay là sản phẩm của Photoshop nổi bật với chiếc đuôi dài, rậm lông với 4 - 6 vòng tròn màu đen. Cầy mangut chỉ được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Madagascar, chúng thường xuất hiện "có đôi có cặp" chứ không đánh lẻ, đơn độc.

webp net resizeimage 87 1

Chúng có khả năng leo trèo cây, ăn các động vật nhỏ và trái cây.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

22. Tenrec sọc

Lớp: Thú. Bộ: Afrosoricida. Họ: Tenrecidae. Danh pháp: Hemicentetes semispinosus.

Tenrec sọc có vẻ ngoài tựa như loài nhím với lớp gai màu vàng trên lưng - tấm áo giáp bảo vệ chúng trước kẻ ăn mồi. Đồng thời những con tenrec còn cọ xát gai lưng để phát ra âm thanh khi tán tỉnh, ve vãn nhau.

webp net resizeimage 91

Có giả thuyết cho rằng chúng là vật trung gian truyền bệnh dịch hạch, tuy nhiên thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng. Mối nguy tiềm tàng này vẫn chưa làm nhiều người e sợ vì họ vẫn đang tìm giết tenrec sọc để lấy thịt.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

23. Chồn bay Sunda

Lớp: Thú. Bộ: Dermoptera. Họ: Chồn bay. Danh pháp: Galeopterus variegatus.

Chồn bay Sunda là động vật sống tại Đông Nam Á. Trên thực tế thì chúng không biết bay, thay vào đó là khả năng lượn và chuyền giữa các cành cây. Những lần hiếm hoi rời cây, trông chúng rất buồn cười vì bộ điệu lê lết bước chân để di chuyển dưới đất.

webp net resizeimage 95

Loài này hoạt động tích cực về đêm, ăn các loại thức ăn mềm như hoa quả, chồi, lá non. Khi con non được sinh ra chúng sẽ được mẹ mang theo bên mình trong một màng da lớn trước bụng.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

24. Mèo rừng châu Mỹ - Jaguarundi

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Mèo. Danh pháp: Herpailurus yagouaroundi

Mèo rừng châu Mỹ là loài động vật hay rình mò săn mồi khắp nơi từ hoang mạc đến đầm lầy trải dài từ Mexico tới Argentina. Tuy nhiên tổ tiên của chúng từng sống tại Texas (Mỹ) vào giữa thế kỷ 20. Gần đây các nhà khoa học muốn mang Jaguarundi trở lại đây nhằm khôi phục lại môi trường sống cho loài động vật này.

webp net resizeimage 84

Ngoài ra vài cá nhân còn phát hiện Jaguarundi tại Florida (Mỹ). Một giả thuyết cho rằng có một người đàn ông đã mang mèo rừng châu Mỹ từ Nam Mỹ đến Florida rồi thả ra ngoài tự nhiên để chúng tự do phát triển, sinh sôi giống nòi. Tuy nhiên thông tin trên vẫn chưa được xác nhận.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

25. Lợn Mangalitsa

Lớp: Thú. Bộ: Guốc chẵn. Họ: Lợn. Danh pháp: Suidae Sus scrofa domesticus.

Thiết nghĩ với bộ lông xù như bông thì "anh Trư" Mangalitsa nên được gọi bằng "lợn cừu" như một biệt danh đáng yêu. Chúng là kết quả của công cuộc giao phối giữa lợn Hungary và lợn rừng châu Âu.

mangalitsa pig 1

Đã là lợn được nuôi thì dù dễ thương đến đâu cũng không thoát khỏi thảm cảnh bị giết thịt. Lợn Mangalitsa ngày ngày được vỗ béo cho ăn thức ăn yêu thích là các loại hạt, chờ đợi ngày đạt chuẩn xuất chuồng, dâng lên bàn ăn của loài người. Thịt của chúng ngon đến mức được mệnh danh là "thịt Kobe của loài lợn" (thịt bò Kobe - Nhật Bản là loại thịt ngon, đắt nhất thế giới).

Chúng thích tụ họp, sống thành đàn và nếu được chủ đối xử tử tế thì lợn Mangalitsa sẽ có tính khí dễ chịu, thân thiện.

Tình trạng bảo tồn: chưa có thông tin.

26. Cáo tai dơi

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Chó. Danh pháp: Otocyon megalotis.

Nếu vũ trụ điện ảnh của DC có siêu anh hùng Batman thì tại vùng hoang mạc châu Phi có Bat-eared fox. Loài này có đôi tai cực kỳ nhạy cảm dễ dàng phát hiện được những tiếng động của côn trùng di chuyển dưới lòng đất. Đồng thời cặp tai to còn giúp chúng điều hòa thân nhiệt giữa thời tiết nóng bức.

webp net resizeimage 90 1

Cáo tai dơi sở hữu "bộ nhá" nhiều răng hơn bất cứ động vật họ chó nào khác. Đặc điểm răng miệng này giúp chúng thuận lợi giải quyết thức ăn chủ yếu là sâu bọ, côn trùng.

Loài này sống thành bầy đàn thường đào hang để nuôi con và ẩn nấp tránh cái nóng khắc nghiệt,

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

27. Mèo cát

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Mèo. Danh pháp: Felis margarita.

Danh pháp khoa học trên được đặt theo tên vị tướng Jean Auguste Margueritte (Pháp) - ông là người dẫn đầu cuộc thám hiểm năm 1858 và phát hiện ra loài mèo tại các hoang mạc đầy cát bắc Phi, Trung Đông, Trung Á này.

webp net resizeimage 100

Mèo cát săn các loài gặm nhấm nhỏ và bò sát, nguồn thức ăn này không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn bổ sung nước cho cơ thể nên mèo cát ít tìm nước uống giữa hoang mạc. Để tránh nóng chúng sẽ đào hang, vùi mình dưới đất.

Nhà khoa học gặp trở ngại khi tiếp cận mèo cát để nghiên cứu vì chúng hầu như không để lại dấu chân lúc di chuyển nên khó theo dõi hành tung.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

28. Mèo túi

Lớp: Thú. Bộ: Dasyuromorphia. Họ: Dasyuridae. Danh pháp: Dasyurus.

Có 6 loài mèo túi: 4 ở Úc, 2 ở Indonesia và Papua New Guinea. Trông chúng như là đứa con lai của mèo và chuột với bộ lông màu nâu hoặc đen có những đốm trắng, cái mũi màu hồng cùng hàm răng khỏe.

webp net resizeimage 94

Mèo túi hoạt động về đêm, thích ăn các động vật nhỏ và ẩn nấp trong "sào huyệt" là hang tự đào, trên cây hay ụ mối.

Một điểm đặc biệt của loài này là con đực sẽ chết hàng loạt sau khi giao phối, con cái sẽ nuôi con một mình, chúng sẽ bảo vệ con mình trong cái túi trước bụng.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

29. Cầy vằn nam

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Cầy. Danh pháp: Hemigalus derbyanus.

Có hơn 15 loài cầy vằn nam được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Chúng hoạt động về đêm, chủ yếu ăn côn trùng, đôi khi sẽ đổi món với ếch nhái, ốc sên. Cơ thể loài này phát ra mùi hương đặc trưng để giao tiếp với đồng loại.

banded palm civet

Ở Indonesia, chúng là "công nhân" chủ chốt sản xuất ra loại cà phê đắt đỏ bằng cách ăn hạt cà phê rồi "thải ra" trong phân, nông dân sẽ thu lượm "thành phẩm" này cho các bước chế biến tiếp theo.

Tình trạng bảo tồn: sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

30. Chó gấu mèo (lửng chó)

Lớp: Thú. Bộ: Ăn thịt. Họ: Chó. Danh pháp: Nyctereutes procyonoides.

Loài này có nguồn gốc Đông Á và Nga, nhờ vào bộ lông tuyệt đẹp mà chúng được du nhập châu Âu vì mục đích thương mại. Mặc dù được đặt cho cái tên như vậy nhưng chó gấu mèo không có liên hệ gì với gấu mèo cả, thay vào đó chúng giống cáo và chó hơn.

raccoons dog

Lửng chó thích sống gần nơi có nước, kể cả khi đang cư ngụ trong rừng, đồng cỏ, đất nông nghiệp hay thành phố. Chúng được tìm thấy khá nhiều ở Nhật Bản nhưng bị coi là loài gây hại.

Chó gấu mèo vẫn được nuôi để lấy lông đem bán.

Tình trạng bảo tồn: nguy cơ tuyệt chủng thấp, ít được quan tâm.

Theo: science101
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.